Đoàn về nguồn có 36 các đồng chí cán bộ, đoàn viên đến từ 22 công đoàn bộ phận trực thuộc Công đoàn cơ sở tham gia.
Xuất phát từ Hà Nội trong sáng ngày đầu tiên, hành trình sau 6 tiếng đồng hồ Đoàn đã tới nghĩa trang Quốc gia Vị Xuyên tỉnh Hà Giang.
Đoàn tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên.
Tại Nghĩa trang Quốc gia Vị Xuyên, Dưới tượng đài uy nghi, linh thiêng của Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên. Trước anh linh của 1.782 anh hùng liệt sĩ và một mộ liệt sỹ tập thể, trong đó có hơn 1.500 liệt sỹ cùng với trên 4 ngàn liệt sỹ đã anh dũng chiến đấu, hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc, đoàn đã kính cẩn bày tỏ lòng thành kính, biết ơn sâu sắc, tri ân những hy sinh lớn lao của các anh hùng liệt sỹ vì sự trường tồn của dân tộc.
Đây không chỉ là nơi yên nghỉ của hơn 1.782 anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên cương cực Bắc Tổ quốc, từ năm 1979 đến năm 1988, (trong đó có 275 phần mộ liệt sỹ chưa biết tên các anh đến từ 33 tỉnh, thành phố trên khắp mọi miền đất nước) mà còn là nơi tôn vinh, là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần, ý chí đấu tranh giành độc lập dân tộc và khát vọng hòa bình của nhân dân Việt Nam.
Đoàn thắp hương các mộ liệt sỹ tại Nghĩa trang quốc gia Vị Xuyên.
Sau lễ dâng hương, Đoàn đã trồng 02 cây tặng nghĩa trang và gửi tặng quà lưu niệm của Công ty cho Ban quản lý Nghĩa trang Quốc gia Vị Xuyên.
Đoàn dâng hương tại Nhà tưởng niệm Nghĩa trang Quốc gia Vị Xuyên.
Đ/c Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch CĐCS Công ty VAECO và đồng chí Vũ Võ Sĩ, Chánh VP Đảng Đoàn thể trồng cây tặng Nghĩa trang liệt sỹ Vị Xuyên – Hà Giang.
Tiếp đó, đoàn đã tới dâng hương tại Nhà tưởng niệm tri ân các anh hùng liệt sĩ mặt trận Vị Xuyên được xây dựng trên điểm cao 468 tại thôn Giang Nam, xã Thanh Thủy(huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang). Từ điểm cao 468, phóng tầm mắt thấy những đỉnh núi cao xanh mướt cây rừng, lưng chừng núi là những thửa ruộng bậc thang xanh ngát. Tại đây, các thành viên đoàn VAECO đã được nghe kể ôn lại lịch sử hào hùng của dân tộc. Tại các điểm cao 685, 772, cách đây 34 năm diễn ra những trận đánh ác liệt, riêng ngày 12/7/1984, có gần 600 chiến sĩ Sư đoàn 356 đã anh dũng hy sinh… và đến nay, còn hàng ngàn hài cốt các anh hùng liệt sỹ chưa được tìm thấy và việc tìm kiếm vô cùng khó khăn bởi riêng tuyến biên giới tỉnh Hà Giang vẫn còn hơn 85 nghìn héc-ta đất bị ô nhiễm bom, mìn, vật nổ, trong đó có hơn 25 nghìn héc-ta ô nhiễm nặng, chủ yếu ở năm xã biên giới thuộc huyện Vị Xuyên.
Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại Nhà Tưởng niệm các anh hùng hy sinh tại mặt trận Vị Xuyên và điểm cao 468 tại xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên.
Cũng trên hành trình về nguồn, Đoàn đã đến thăm Di tích lịch sử Cột cờ Lũng Cú tại Đồng Văn, Hà Giang. Cột cờ Lũng Cú được xây dựng trên đỉnh núi Rồng, là hơi hội tu linh khí thiêng liêng của cực Bắc, trên đỉnh cột cờ là lá cờ đỏ sao vàng rộng 54m2, tượng trưng cho 54 dân tộc anh em chung sống trên Tổ quốc Việt Nam. Cột cờ Lũng Cú đầu tiên xây dựng có từ cả ngàn năm trước, vào thời Lý Thường Kiệt. Khi đó, cột cờ mới chỉ được làm bằng cây sa mộc đơn giản. Tới năm 1887, thời Pháp thuộc, cột cờ được xây dựng lại, vững chắc, kiên cố hơn.
Đoàn VAECO chụp ảnh lưu niệm tại cột cờ Lũng Cú – Hà Giang.
Đã 40 năm trôi qua, trong trái tim những người đồng chí, đồng đội, đồng bào vẫn chứa chan một niềm tin mãnh liệt: “Sống bám đá, chết hóa đá, thành bất tử”. Máu của các anh hùng liệt sĩ đã tô thắm lá cờ cách mạng, da thịt của các anh đã hòa vào đất, đá biên cương để mảnh đất nơi đây mãi xanh tươi và trường tồn cùng đất nước.
Có thể khẳng định, mỗi cuộc “Hành trình về nguồn” là dịp để các cán bộ, đoàn viên và người lao động VAECO nâng cao nhận thức về những truyền thống tốt đẹp, hiểu rõ hơn về lòng yêu nước và có thêm động lực để rèn luyện, tu dưỡng, phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, bồi đắp niềm tự hào về Đảng vinh quang, Bác Hồ vĩ đại, hun đúc thêm tình yêu quê hương, đất nước và lòng tự hào dân tộc.
Diệu Linh – VAECO