Ban TTBSP: Tìm về ‘KM số 0’ đường Hồ Chí Minh

Điểm đến trong hành trình về nguồn của Ban TTBSP năm nay là một địa danh đặc biệt: Pác Bó tỉnh Cao Bằng. Pác Bó là điểm đầu tiên – Km số 0 của tuyến đường mang tên Người – đường Hồ Chí Minh huyền thoại trải dọc theo chiều dài đất nước.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Đường lên Pác Bó hôm nay chẳng còn phải lọc cọc trên lưng ngựa như Bác Hồ năm ấy, thay vào đó là những con đường nhựa phẳng lì uốn lượn dưới chân những dãy núi điệp trùng. Càng gần tới Cao Bằng, khi những tòa nhà bên đường thưa dần để nhường chỗ cho những thửa ruộng xanh ngát, cảnh sắc thiên nhiên hữu tình thật sự khiến anh chị em TTBSP… quên đi những mệt mỏi trên đường. 

alt text
Điểm đến trong hành trình về nguồn của Ban TTBSP năm nay là một địa danh đặc biệt: Pác Bó – Cao Bằng. (Ảnh: TTBSP).

Sau 9 giờ đồng hồ, cả đoàn đã đặt chân đến Pác Bó, khu di tích lịch sử rộng tới 300 ha với với Đền thờ Bác Hồ, Suối Lê Nin, Hang Cốc Bó và Khu di tích Kim Đồng… Pác Bó gắn liền với một giai đoạn quan trọng trong cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh và cách mạng Việt Nam, thời kỳ chuẩn bị Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước (1941-1945). Khu Di tích được Nhà nước công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt vào năm 2012. Tại đây, đoàn đã làm lễ dâng hương tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đền thờ của Người.

alt text
Đoàn làm lễ dâng hương tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đền thờ của Người. (Ảnh: TTBSP).

Bên trong Đền thờ Bác, đặt nơi trang trọng nhất ở gian chính điện là bức tượng toàn thân Bác Hồ với dáng ngồi thanh thản. Bên trên là dòng chữ Hồng Nhật Cao Minh (mặt trời đỏ từ trên cao chiếu sáng). Bên trái bức tượng khắc bài thơ tứ tuyệt của Bác: “Non xa xa, nước xa xa/Nào phải thênh thang mới gọi là/Đây suối Lê-nin, kia núi Mác/Hai tay xây dựng một sơn hà”. Trên 4 bức tường của đền thờ là những bức phù điêu khắc họa trên đá tái hiện lại toàn bộ cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác từ khi Người trở về nước ngày 08/02/1941, đến ngày giành được độc lập dân tộc, tháng 08/1945.

Khám phá khu di tích Pác Bó, các thành viên không khỏi bồi hồi, không chỉ bởi vẻ đẹp của núi Các Mác, của suối Lê-nin nước xanh như ngọc, mà còn bởi những kỉ vật gắn liền với Người vẫn còn nguyên vẹn với thời gian. Đây là hang Cốc Bó nơi Bác nghỉ hàng đêm, kia là chiếc bàn đá “chông chênh” mà đặt nền móng cho cả một trang sử sáng chói… Những hình tượng đã quá quen thuộc từ nhỏ qua những trang sách Tiếng Việt, nay hiện lên rõ ràng trước mắt, để nhắc chúng ta về những năm tháng kháng chiến đầy gian khổ nhưng quá đỗi hào hùng.

alt text
Đoàn khám phá khu di tích Pác Bó. (Ảnh: TTBSP).

Ngày thứ 2 trong hành trình về nguồn bắt đầu với chương trình tri ân, tặng quà gia đình những người có công với cách mạng do Công đoàn Ban TTBSP phối hợp cùng UBND Xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng tổ chức. Công đoàn Ban TTBSP đã đến thăm và tặng quà cho 24 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, bị nhiễm chất độc hóa học trong chiến tranh. Từng món quà đều là tình cảm của những thành viên Ban TTBSP, là sự tri ân, sẻ chia của thế hệ được hưởng hòa bình với những hi sinh, mất mát của người đi trước để mang về tự do và cuộc sống tốt hơn cho dân tộc.

alt text
Đoàn tri ân, tặng quà gia đình những người có công với cách mạng UBND Xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh. (Ảnh: TTBSP).

Tiếp tục hành trình, đoàn lên đường thăm quan thác Bản Giốc – địa danh nổi tiếng không chỉ ở Việt Nam. Ngắm nhìn từ xa để thấy ba tầng thác đổ, những đợt nước cứ thế tuôn ào ào xuồng lòng sông, bụi tung trắng xóa một khoảng trời giữa bạt ngàn sắc xanh của cỏ cây, mới hiểu vì sao thác Bản Giốc lại được nhắc đến nhiều như vậy trên các trang du lịch quốc tế. 

alt text
Thác Bản Giốc – địa danh nổi tiếng không chỉ ở Việt Nam. (Ảnh: TTBSP).

Sau khi đã kiếm đủ ảnh “sống ảo” trong vài tuần, đoàn rời thác để đến thăm quan một địa danh cũng rất đẹp – động Ngườm Ngao. Theo tiếng Tày, “ngườm” nghĩa là “động”, “ngao” nghĩa là “hổ”. Có tên gọi như vậy là do trong động thường xuyên phát ra tiếng gầm rú như tiếng hổ, nhưng thực tế đó là tiếng nước chảy. Dù động chỉ mới khai thác được khoảng 1km trên tổng hơn 2km chiều dài, nhưng tất cả đều phải trầm trồ với vẻ đẹp kỳ thú được tạo nên bởi lớp thạch nhũ nhiều hình dạng, phản chiếu ánh sáng lung linh không kém gì những hang động trứ danh ở Quảng Bình.

Được tổ chức vào đêm ngày thứ hai là chương trình tri ân các gia đình của CBNV TTBSP có công với cách mạng. Tại buổi lễ, đồng chí Bí Thư Đảng Ủy, Trưởng Ban TTBSP Đặng Anh Tuấn đã bày tỏ sự biết ơn đến những đóng góp của các gia đình TBLS đối với sự nghiệp Cách mạng của Tổ quốc và thay mặt trao quà cho các đại diện gia đình TBLS của Ban. Buổi lễ được tiếp nối bằng các hoạt động giao lưu nội bộ nâng cao tình đoàn kết trong Ban. Đêm Gala Tri ân mang đặc trưng “sản vật” vùng cao đã diễn ra trong không khí “đầm ấm” gần 30oC của núi rừng Tây Bắc, khép lại chuyến đi đáng nhớ của Ban TTBSP.

alt text
Đoàn tri ân các gia đình của CBNV Ban TTBSP có công với cách mạng. (Ảnh: TTBSP).

Đoàn trở về Hà Nội với một chút tiếc nuối vì thời gian ngắn ngủi chưa cho phép tham quan những danh thắng khác của Cao Bằng như hồ Thang Hen, chùa Phật Tích… Tuy vậy, đây vẫn là một chuyến đi về nguồn đầy ý nghĩa, giúp chúng tôi – những người phần lớn ra đời sau giải phóng, chưa được chứng kiến sự tàn khốc của chiến tranh – thêm hiểu biết về những gian khổ, hi sinh của người làm cách mạng, của Bác, được ngắm nhìn và thêm yêu vẻ đẹp của vùng đất Cao Bằng, của quê hương Việt Nam. 

Spirit Vietnam Airlines
Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.