Đi dọc Việt Nam, nơi nào có hoạt động đánh bắt hải sản là nơi ấy có những nét văn hóa ẩm thực riêng. Chỉ một tô cháo hàu nóng hổi ở đầm Ô Loan – Phú Yên, một bát bún quậy đầy ắp tôm, mực, chả cá ở Đảo Ngọc Phú Quốc hay những chiếc nem cua bể giòn rụm ở Hải Phòng cũng đủ để thực khách nhớ về vùng đất đã in dấu chân mình. Những món ăn ấy không chỉ ngon bởi nguyên liệu tươi từ thiên nhiên ban tặng, mà còn bởi bàn tay khéo léo và tình yêu quê hương của những người con vùng biển.
Nem cua bể Hải Phòng
Trong danh sách món ngon đất Cảng, không bao giờ thiếu vắng món nem cua bể. Nếu người Việt thường giới thiệu món nem truyền thống với bạn bè quốc tế, thì người Hải Phòng tự hào về món nem cua bể đặc trưng của quê hương mình. Không giống nem truyền thống cuốn dài, nem cua bể được gói vuông vức, đầy đặn, nhân bên trong là sự kết hợp của thịt cua, tôm biển, thịt lợn xay, miến, mộc nhĩ, nấm hương, giá đỗ, hành khô… gói trong bánh đa nem mỏng. Khi rán lên, lớp vỏ ngoài vàng ruộm, giòn tan, nhân bên trong ngậy thơm mùi cua và đậm đà vị biển. Nem cua bể thường ăn kèm bún, rau thơm và nước mắm đủ vị chua – cay – mặn – ngọt. Đó là món ăn có thể bắt gặp trong bữa cơm gia đình, trong quán vỉa hè hay cả những nhà hàng sang trọng. Dù ở đâu thì những chiếc nem vuông đầy ắp nhân cũng thấm đượm cái hồn phóng khoáng và hào sảng của người xứ Cảng.
Cháo hàu đầm Ô Loan
Ở Phú Yên, đầm Ô Loan không chỉ là điểm đến nổi tiếng bởi vẻ đẹp yên ả mà còn là nơi có món đặc sản bình dị: cháo hàu. Người địa phương tiết lộ rằng hàu có quanh năm nhưng ngon nhất vào độ đầu hè, lúc này những con hàu mọng nước và ngọt thịt. Để bắt được hàu, người dân phải đi từ sáng sớm tinh mơ, tìm chúng ở những bờ đá, thành cầu nơi chúng bám chặt rồi dùng dao sắc để nạy, tách lớp vỏ cứng xù xì mới lấy được ruột hàu béo múp. Ghé đầm Ô Loan, du khách có thể thưởng thức nhiều món được chế biến từ hàu tươi như hàu nướng mỡ hành, hàu nướng phomai, canh hàu… nhưng sau tất cả, dường như không ai bỏ lỡ tô cháo hàu nóng hổi, thơm hương vị biển. Nồi cháo hàu được nấu từ gạo tẻ đỏ, kết hợp một chút gạo nếp, ninh nhừ để tạo độ sánh mịn. Ruột hàu được ướp gia vị xào thơm cùng mỡ, hành rồi đổ vào nồi cháo, múc ra bát, thêm chút hành, ngò, tiêu là thực khách đã có ngay một tô cháo mặn mòi vị biển
Bún quậy Phú Quốc
Du khách lần đầu đến Phú Quốc thường rất tò mò với món bún quậy. Cái tên nghe lạ tai này thực chất là sự kết hợp giữa cách ăn và cách chế biến độc đáo. Nhiều ý kiến cho rằng bún quậy có nguồn gốc từ món bún tôm Bình Định. Ở Phú Quốc, thực khách sẽ thấy điểm đặc biệt của bún quậy nằm ở chỗ tất cả nguyên liệu đều tươi và được chế biến ngay khi gọi món.
Tô bún gồm những sợi bún tươi vừa ép nóng hổi, cùng chả tôm, chả cá, hoặc mực xay nhuyễn – tất cả đều được tráng sống trực tiếp vào thành bát, sau đó chan nước lèo nóng lên để chín tự nhiên. Nước lèo của bún quậy không hề sử dụng gia vị đặc trưng nào hay nước hầm xương cầu kì, mà là phần nước trong nhẹ thanh, chỉ vừa đủ làm nổi bật vị ngọt tự nhiên của hải sản.
Tuy nhiên, “linh hồn” của món ăn lại nằm ở chén nước chấm tự pha. Mỗi thực khách sẽ dùng muối, đường, ớt, tắc hay chanh, tiêu và bột ngọt – tuỳ khẩu vị mà pha thành loại nước chấm riêng, rồi quậy (khuấy) đều tay để tạo nên hương vị hòa quyện. Chấm miếng chả vừa chín tới vào bát nước chấm mặn, ngọt, chua, cay, ta sẽ hiểu vì sao món bún này lại có cái tên gần gũi và vui tai đến vậy.
Giữa bao la sóng nước và thênh thang nắng gió, những món ăn dân dã ấy như nhịp cầu nối giữa con người với thiên nhiên, giữa hiện tại với ký ức quê hương. Khám phá các bài viết mới nhất tại Heritage nhé!