Giữ hồn ẩm thực vùng cao

Ngoài cảnh quan, trang phục, phong tục, ẩm thực vùng cao Việt Nam cũng rất đặc sắc và gắn với từng dân tộc, được nhiều người trong và ngoài nước đam mê, chung tay gìn giữ.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Ba người 8X giữ món vùng cao và truyền tải tinh thần “dân tộc đổi mới”

Phạm Kiều Duyên và Phạm Quang Việt là hai chị em ruột ở huyện Thuận Châu, Sơn La, đều tốt nghiệp đại học. Từ tấm bé, họ đã nghe mẹ là bà Thắm, giáo viên cắm bản nói tiếng dân tộc, và nấu cho ăn những món ăn của đồng bào.

Vào một ngày đẹp trời, Duyên về Hà Nội dự một khóa học về kinh doanh và gặp giảng viên 8X Vũ Thị Thu Huyền. Họ hợp nhau, cùng yêu văn hóa vùng cao và cùng quyết định xây dựng một dự án quảng bá ẩm thực, văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số. Việt trở thành đầu bếp chính bởi anh đã được mẹ truyền dạy các món ăn của người Mông, Thái, Mường… mà bà đã học được trong 40 năm dạy học ở vùng cao.

alt text
Phạm Kiều Duyên và Phạm Quang Việt, Vũ Thị Thu Huyền nói chuyện với một người phụ nữ H'mong.

Duyên, Việt và Huyền đã mời và giới thiệu với chúng tôi những món ăn đầy bản sắc. Đó là món lạp (nộm da trâu) thơm nức nhờ nước ngâm măng; là pa pỉnh tộp (cá nướng) với gia vị nêm nếm rất khéo, cả hai đều là món của người Thái Tây Bắc; là thịt trâu khô cùng lòng lợn gác bếp đỏ hồng, thơm phức mà ngọt lịm, béo bùi; là xôi ngũ sắc làm từ nếp nương hạt dài, dẻo thơm có nguồn gốc từ Lào Cai.

Tôi đặc biệt chú ý đến chiếc bánh pizza sâu tre. Sâu này sống trong thân tre, là món khoái khẩu của người Thái và mang đến vị ngậy cho món pizza du nhập. Việt còn làm pizza thịt gác bếp, cá hồi chế biến với táo mèo, chấm chẩm chéo khô; cá vược sốt với trám đen Cao Bằng… Cùng với các đồ uống cocktail hay mocktail có hương vị táo mèo Yên Bái hay dưa chuột Điện Biên, đây là những món truyền tải tinh thần “dân tộc đổi mới” và được 3 bạn trẻ gọi vui là món Tây Tây Bắc.

alt text
Nguyên liệu làm món xôi ngũ sắc.

Duyên, Huyền, Việt cho biết sẽ hỗ trợ đồng bào xây dựng các vùng nguyên liệu, làm video giới thiệu ẩm thực và văn hóa vùng cao với người miền xuôi và ra thế giới. Họ cũng vừa có cuộc trải nghiệm văn hóa ẩm thực ở Lào Cai mà Việt là nhân vật lên nương, đi chợ, vào bếp.

Chia sẻ với chúng tôi, Huyền nói: “Chúng em muốn giới thiệu những điều đẹp đẽ của dân tộc, không kể đó là Kinh hay Tày, Mường hay Thái. Không chỉ quảng bá đồ ăn, mà còn muốn giới thiệu văn hóa vùng cao cho người Việt dưới xuôi và cả người nước ngoài, khát vọng lớn nhất là đưa ẩm thực vùng cao ra thế giới”.

alt text
Ông Matsuo Tomoyuki

Người đàn ông Nhật Bản làm mì tam giác mạch

Tam giác mạch (kiều mạch, mạch ba góc, tên khoa học là Fagopyrum esculentum) từ lâu nay đã nổi tiếng là một loài cây cho hoa đẹp vào mùa thu ở Hà Giang và các tỉnh miền núi phía Bắc. Hạt tam giác mạch cũng được người Mông, Dao dùng làm bánh, nấu rượu. Ít người biết rằng ở Nhật Bản có một loại mì rất phổ biến tên là Soba được làm từ loại hạt này và một người Nhật đã đến Hà Giang mua tam giác mạch về chế biến thành mì Soba để giới thiệu ở Việt Nam.

Ông tên là Matsuo Tomoyuki, Chủ tịch Hiệp hội ẩm thực Nhật – Việt, đồng thời cũng làm giám đốc điều hành, CEO của nhiều cơ quan, doanh nghiệp khác.

Năm 2014, khi đang làm nhiều công việc khác, tình cờ thấy hình ảnh cây tam giác mạch ở Việt Nam, vốn cũng được trồng ở quê ngoại của ông tại Nhật Bản để làm mì Soba, Matsuo Tomoyuki thuê xe lên thẳng Hà Giang. Ông đến xã Phố Cáo, huyện Đồng Văn, nơi nổi tiếng với nhiều nương tam giác mạch. Tại đây, Matsuo Tomoyuki rất vui khi được mời ăn bánh, uống rượu làm từ hạt tam giác mạch. Ông mua hạt tam giác mạch tại đây và mang về Bình Dương chế biến thành mì Soba rồi bán thử cho khách với giá 29.000 đồng một tô, được nhiều người hưởng ứng.

alt text
alt text

Mì soba và bánh kẹp làm từ bột tam giác mạch

Matsuo Tomoyuki cho biết, ngay tại Hà Giang, ông có thể chế ra 7 món mì Soba khác nhau từ bột tam giác mạch và các nguyên liệu địa phương, trong đó có các thực phẩm quen thuộc của đồng bào vùng cao như trứng luộc, lạp xưởng…

Ở Hà Giang, ông còn thấy hạt mắc khén, hạt dổi, hoa hồi, nhiều thứ rau ngon, nhiều loại ở Nhật Bản không có. Thế là ông lập ra Hiệp hội Ẩm thực Nhật – Việt với mục đích kết nối hai nền văn hóa ẩm thực. Ý tưởng là mời các đầu bếp Nhật Bản sang Việt Nam chế biến các món ăn từ các nguyên liệu vùng cao như ông đã từng dùng thịt dê, thịt gà, cải mèo, tôm sông để làm món mì Soba kiểu Nhật nhưng mang hương vị Việt Nam.

Người đàn ông Nhật Bản này cũng có ý tưởng lập nhà máy chế biến hạt tam giác mạch ở Hà Giang để xuất khẩu và mở rộng diện tích trồng loài cây này ở Việt Nam để đủ cho xuất khẩu. Tiếp theo là kêu gọi đầu tư làm mì Soba từ tam giác mạch để bán khắp thế giới.

Tin vui mới nhất từ tỉnh Hà Giang cho biết, Hiệp hội Ẩm thực Nhật Bản vừa thông báo trong năm 2022 sẽ xuất khẩu 600 tấn hạt tam giác mạch sang Nhật Bản. Con số này sẽ tăng lên 3.000 tấn vào năm 2025. Thế là từ một loài cây không mấy giá trị, tam giác mạch sắp trở thành một cây trồng cho thu nhập ở vùng cao nguyên đá Hà Giang nhờ tình yêu ẩm thực vùng cao của một người Nhật Bản.

Website http://heritagevietnamairlines.com/ và Fanpage https://www.facebook.com/TapchiHeritagevn/ là các kênh thông tin, tương tác dành cho những độc giả yêu mến Vietnam Airlines, yêu mến Heritage và đam mê du lịch, thời trang, khám phá các giá trị văn hóa, lịch sử của Việt Nam cũng như các vùng đất trên toàn thế giới.

Theo: Lưu Quang Thiên Ý – Heritage

Nguyen Mai Huong-COMM

Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.