Dọc dòng sông Sêrêpôk huyền thoại

“Cù lao này là nơi vua voi Y Thu Knul từng lập làng, lập bản để sinh sống cùng với những người dân bản địa dọc dòng Sêrêpôk từ thời xa xưa…” – chú A Ma Vông vừa cầm chiếc cuốc đưa cho tôi, vừa nói, khi tôi đang bung chiếc lều ra để chuẩn bị cho đêm cắm trại ở nơi này. Tôi dừng tay lại để tập trung nghe thêm câu chuyện về vùng đất Buôn Đôn bình yên bên dòng sông Sêrêpôk huyền thoại này.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Chú A Ma Vông say sưa kể: Ngày xưa, khi vua voi Y Thu Knul đi tìm vùng đất mới cho dân làng, xuôi theo dòng Sêrêpôk xuống vùng núi Yok Đôn phát hiện ra những khu bồi đất cao bên cạnh ghềnh đá có hình dáng như bàn tay, nơi con sông gặp những ghềnh đá lớn và bị chia thành bảy nhánh. Vùng đất được những bụi cây si già vây quanh bảo vệ, nên ông tin rằng ở đây có thể trồng trọt, săn bắt, hái lượm. Ông đã đưa người bản địa đến đây sinh sống.

Chẳng bao lâu sau, khu vực này trở thành điểm giao thương quan trọng của ba nước Đông Dương: Lào, Việt Nam và Campuchia nhờ vào sự thuận lợi của dòng chảy sông Sêrêpôk. Trong những chuyến ngược dòng sông để buôn bán, người Lào bắt gặp vùng đất trên cao đầy quyến rũ này nên nhiều người đã ở lại cùng đồng bào M’Nông, Ê Đê bản địa xây dựng ngôi làng ở bên cạnh dòng sông. Người Lào gọi nơi này là “Bang Don” – nghĩa là “Làng Đảo”, đồng bào Ê Đê gọi là Keng Apa và người M’Nông thì gọi là Bun Rkau, còn người Kinh gọi là Buôn Đôn, hay Bản Đôn.

alt text
Mặt sông phẳng lặng như tờ, phản chiếu tia nắng sớm xuyên qua những tán cây rừng nguyên sinh.

Cù lao nơi tôi đang đứng cùng với chú A Ma Vông còn được gọi là đảo Vua Voi, nằm bên một nhánh sông của thác Bảy Nhánh. Khu vực này yên ả đến lạ thường. Mặt sông phẳng lặng như tờ, phản chiếu tia nắng sớm xuyên qua những tán cây rừng nguyên sinh. Không gian trở nên ảo diệu hơn với làn sương sớm bồng bềnh trên mặt nước. Tôi khẽ khua mái chèo và nhẹ trôi trên tấm ván chèo đứng (SUP) và thấy một chú voi đang từ trong rừng già băng qua con suối nhỏ để về bản. Sau một thời gian dài nâng cao ý thức về bảo vệ động vật hoang dã, dân trong buôn không còn dùng voi để chở người nữa mà thay vào đó là dạy chúng những hoạt động thân thiện hơn để làm bạn với du khách.

Khi chiếc ván SUP cập bến ở đảo Vua Voi, chú A Ma Vông tiếp tục kể: “Dòng Sêrêpôk này đặc biệt lắm, nó vừa chảy ngược mà lại còn chia ra làm hai dòng, bên đục bên trong…”. Điều này tôi đã nghe nhiều rồi, nhưng giờ mới có dịp tìm hiểu sự kỳ thú này. Khác với nhiều dòng sông khác khi đều chảy ra biển, sông Sêrêpôk lại chảy ngược lên hướng thượng nguồn sang đất Campuchia trước khi hợp vào dòng Mekong, xuôi về miền Tây Nam Bộ Việt Nam rồi mới hòa vào biển lớn.

alt text
Chú A Ma Vông.

Dòng Sêrêpôk được hợp lưu từ hai con sông Krông Nô và Krông Ana, một dòng thường có màu đục, một dòng lại trong veo. Hai dòng gặp nhau tại ngã ba sông rồi hợp thành sông Sêrêpôk cuồn cuộn chảy. Những người dân ở đây gọi sông Krông Nô là sông Chồng (hay sông Đực), còn sông Krông Ana là sông Vợ (hay sông Cái) và xem đó là biểu tượng của lòng chung thủy vợ – chồng.

Người dân cũng hay truyền nhau huyền thoại rằng xưa kia chỉ có một dòng sông Sêrêpôk thôi. Thời ấy, có một chàng trai của buôn Kuôp đem lòng yêu một người con gái ở bên kia sông. Tình yêu của họ ngày một sâu đậm. Hai dòng họ của đôi trai gái này vốn đã có hiềm khích với nhau nên tìm mọi cách ngăn cản, chia cắt tình yêu của họ. Trong một đêm trăng thanh gió mát, đôi uyên ương đã cùng nhau nhảy xuống sông tự vẫn. Sau khi họ chết đi, mây đen bỗng nhiên kéo đến, dòng sông cuồn cuộn nước chảy ầm ầm và chia đôi con sông thành hai dòng như vậy.

Những câu chuyện xoay quanh dòng Sêrêpôk chưa kịp khiến tôi hết bất ngờ thì tôi đã được dẫn tới ngọn thác đầu tiên của dòng sông này, nơi được vua Bảo Đại đặt tên là Gia Long, hay còn được gọi là thác Dray Sáp Thượng. Tôi như bước vào một thế giới khác khi xung quanh chỉ là màu xanh cũng những cánh rừng nguyên sinh và nổi bật là dòng nước đổ từ độ cao khoảng 30m xuống. Tôi mon men theo cầu treo nhỏ để đi xuống phía hồ nước xanh ngọc bích tự nhiên ở ngay dưới thác Gia Long, nơi có một thanh niên Ê Đê chờ sẵn bên một chiếc xuồng phao để dẫn tôi tiếp tục hành trình khám phá dọc sông Sêrêpôk.  

alt text
Tôi bước nhanh hơn để được chiêm ngưỡng ngọn thác được đánh giá hùng vĩ nhất khu vực Tây Nguyên.

Chiếc thuyền dần trôi, tôi đắm chìm vào vẻ đẹp thiên nhiên tuyệt vời. Màu xanh lá của cánh rừng hai bên con sông, màu xanh dương của bầu trời Tây Nguyên cùng những áng mây trắng trôi lững lơ được phản chiếu trên mặt sông xanh biếc. Thỉnh thoảng, chiếc thuyền vượt ghềnh thác nhỏ cũng khiến tôi phấn khích hơn. Có những đoạn sông rất thanh bình khi các tra bản đang đánh bắt cá, các cô, các chị  khoan thai giặt giũ. 

Chiếc thuyền phao đưa tôi đến thác Dray Nur, từ xa, đã nghe rõ âm thanh rền vang. Tôi bước nhanh hơn để được chiêm ngưỡng ngọn thác được đánh giá hùng vĩ nhất khu vực Tây Nguyên. Một bức tường nước khổng lồ dần hiện ra cùng những làn khói nước huyền ảo lơ lửng giữa không trung. 

Đắm chìm trong khung cảnh tráng lệ ấy đến khi tiếng gọi của người chèo thuyền kéo tôi về với thực tại cũng là lúc trời chiều đã buông. Tôi tạm biệt thác Dray Nur để tiếp tục hành trình của riêng mình, cũng như con sông ấy tiếp tục chảy ngược.

Website http://heritagevietnamairlines.com/và Fanpage https://www.facebook.com/TapchiHeritagevn/ là các kênh thông tin, tương tác dành cho những độc giả yêu mến Vietnam Airlines, yêu mến Heritage và đam mê du lịch, thời trang, khám phá các giá trị văn hóa, lịch sử của Việt Nam cũng như các vùng đất trên toàn thế giới.

Theo: Heritage

Nguyen Mai Huong-COMM

Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.