Với số lượng 16 đảo, rộng 76km2 và diện tích mặt biển thuộc hệ thống Vườn Quốc gia lên đến 140km2, để khám phá hết Côn Đảo không hề dễ dàng. Sở hữu đặc trưng khí hậu của biển Việt Nam, lại nằm trong vòng ảnh hưởng cận xích đạo nhiệt đới gió mùa, Côn Đảo có mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau, trong đó các tháng 3 và tháng 4 là lúc cuối xuân đầu hè trời trong xanh mát mẻ lại không gặp gió chướng nên thích hợp cho các hoạt động vui chơi khám phá; còn mùa mưa tuy kéo dài 7 tháng nhưng từ tháng 5 đến tháng 9 biển êm sóng lặng và lượng mưa chưa cao, dành tặng cho ai muốn nghỉ dưỡng trong yên bình thơ mộng.
Côn Đảo có tọa độ khá đặc biệt: cùng kinh độ Đông với TP.Hồ Chí Minh (106°36′) và cùng vĩ độ Bắc với tỉnh Cà Mau (8°36′). Nhìn vào tổng quan bản đồ Côn Đảo, người ta có thể thấy hình dáng này giống như một con gấu lớn mà tấm lưng khổng lồ hướng về đất liền còn các chân lại vươn ra biển Đông; trung tâm Côn Đảo nằm ở vị trí bụng gấu, 2 chân trước chính là mũi Lò Vôi và mũi Cỏ Ống, còn Hòn Bà và mũi Cá Mập tương ứng với 2 chân sau. Vịnh Đầm Tre nằm ở cực Bắc của đảo, là nơi kín gió hoang sơ và huyền bí nhất, không chỉ bởi khung cảnh vắng người mà còn ở hệ sinh thái rừng ngập mặn kết hợp với rặng san hô lớn và các loài động vật quý hiếm cư trú trong vịnh.
Vươn mình sang Đông, mũi Cá Mập độc đáo y như tên gọi, là địa điểm hoàn hảo nhất ở Côn Đảo dành cho việc ngắm bình minh. Dân địa phương truyền tai nhau rằng, từ trung tâm thị trấn cứ theo đường Bến Đầm xuôi về Nam, bám theo cung đường biển cong mềm mại tới khi thấy trước mắt là phiến đá trắng lớn nhô ra biển thì có thể dừng chân nghỉ đợi ánh nắng đầu ngày từ phía chân trời. Còn lúc nắng tắt, đừng bỏ qua phút tráng lệ cuối ngày nhìn từ mũi Chân Chim – tương truyền được đặt tên theo bãi đất liền hình chân chim 3 cạnh. Tọa độ này còn cho phép du khách ngắm trọn vẹn được hòn Bảy Cạnh – hòn đảo có diện tích lớn thứ 2 trong quần thể 16 đảo, được phủ kín bởi rừng nguyên sinh xanh mát và cũng là nơi bảo tồn rùa biển lớn nhất Việt Nam.
Còn nếu để cùng nhau đi dạo trong thanh bình của đá trắng và biển xanh thì không đâu xứng đáng hơn Bãi Nhát, nơi từng được bình chọn là 1 trong 6 bãi biển hoang sơ nhất châu Á. Nằm ở phía Nam trên bản đồ du lịch và chỉ khoe trọn vẹn cảnh bãi bờ khi thủy triều rút xuống, Bãi Nhát luôn được coi là nét “duyên ngầm” của Côn Đảo. Trong ánh tà dương, giữa khung cảnh thiên nhiên thuần khiết không một dấu vết nhân tạo, nhìn về phía núi Tình Yêu có dáng hình như một cặp tình nhân đang ôm lấy nhau, người ta chỉ thấy một cảm giác tĩnh lặng an nhiên, y như đôi câu thơ tác giả Tùng Văn đã dành tặng mảnh đất này:
Côn Đảo giờ đây đã khác xưa
Rừng vàng biển bạc đẹp như mơ
Ai về Côn Đảo xin nhắn nhủ
Hãy giữ thuỷ chung với bến bờ!
Du lịch xanh trong thập niên qua phát triển mạnh mẽ trên Côn Đảo, tận dụng ưu thế mà các tạp chí du lịch nước ngoài từng ngợi khen: “Là nơi có những vách đá dốc đứng bên cạnh những bãi biển hoang sơ và làn nước xanh trong vắt; là thiên đường thiên nhiên với những cánh rừng rậm rạp, làn nước màu ngọc bích, những bãi cát trắng và là ngôi nhà của bò biển, cá heo, rùa biển và những rạn san hô ngoạn mục”. Bên cạnh đó, Vườn Quốc gia Côn Đảo với sự đa dạng về động thực vật, tự hào được công ước quốc tế Ramsar – công ước về Bảo tồn và Sử dụng tài nguyên từ đất ngập nước – công nhận trong danh sách 9 khu Ramsar của Việt Nam. Trong kế hoạch phát triển của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Côn Đảo đã được đặt làm trọng tâm qua đề án tổng thể du lịch sinh thái – nghỉ dưỡng – giải trí, mục tiêu thu hút khách du lịch trong và ngoài nước với tầm nhìn đến năm 2030.
Không chỉ quyến rũ vì mỹ cảnh nhân gian, Côn Đảo còn có 3 trong số 11 điểm cơ sở (tại Hòn Tài Lớn, Hòn Bông Lan, Hòn Bảy Cạnh) là các cột mốc chính cùng 2 cột mốc phụ ở Hòn Cau và Hòn Bà; giữ vai trò cực kỳ trọng yếu trong việc xác lập chủ quyền vùng nội thủy và tính chiều rộng với lãnh hải. Hiểu được ý nghĩa của đường biên giới trên biển đó, lại được tắm mình trong nắng tự do và gió dạt dào của biển trời Côn Đảo, chắc rằng ai cũng thêm trân quý diện mạo hiền hòa và sức sống mạnh mẽ của mảnh đất này, dù phải trải qua những thời khắc hào hùng xen lẫn bi thương vẫn tươi đẹp rạng ngời, để một lần được đặt chân đến thì sẽ nhớ mãi không quên. Từ trong giấc mơ xanh thẳm giữa bến bờ đảo xa, ta lại nghe ngân nga câu thơ Nguyễn Khoa Điềm ngày trước: “Khi ta lớn lên, Đất nước đã có rồi …”
Theo: Heritage
Le Thi Hang-COMM