Chuyến bay đón năm mới. (Ảnh: ĐTV).
Tất cả chúng tôi đều mang những cảm xúc trạng thái khác nhau, một chút tiếc nuối khi không được tham gia giây phút chuyển bước năm mới ở nhà nhưng đã quá quen, một chút háo hức vì sẽ được trải nghiệm đón năm mới ở một đất nước khác, hay chí ít là niềm vui nho nhỏ được cùng những đồng nghiệp chí cốt của mình trải qua thời khắc năm mới trên con tàu Airbus 350 ở một độ cao nhất định nào đó, cảm giác mà không phải ai cũng dễ gì được trải nghiệm.
Sau 4 tiếng bay, chúng tôi hạ cánh tại sân bay Kansai, Osaka. Chào đón chúng tôi là thời tiết lạnh 4 độ C, mọi người nhanh chóng trang bị áo khoác ấm để cùng nhau lên xe về khách sạn. Tưởng chừng điều thú vị chúng tôi sẽ được khám phá khi vào tới thành phố, lên trung tâm nhưng điều khiến tôi – một thành viên trẻ nhất tổ, chưa được khám phá các nơi nhiều như các anh chị cảm thấy thú vị đó là đoạn đường từ sân bay Kansai vào tới khách sạn chúng tôi sẽ đi qua một cây cầu bắc qua biển để vào đất liền.
Cảm giác thích thú đó đã thôi thúc tôi tìm hiểu. Đây là công trình được xây dựng trên một đảo nhân tạo giữa vịnh Osaka, ngoài khơi đảo Honshu, sân bay Kansai được mở cửa vào ngày 4 tháng 9 năm 1994, giúp giảm tình trạng quá tải cho Sây bay quốc tế Osaka, sân bay mà từ sau thời điểm này chỉ phục vụ các chuyến bay nội địa. Khu nhà ga số 1 (Terminal 1) được thiết kế bởi kiến trúc sư người Italia Renzo Piano, để hoàn thành công trình tạo đảo và xây dựng sân bay, người Nhật đã phải mất 20 năm trời với 1500 tỉ Yên phí tổn. Đầu tiên người ta bỏ ra 6 năm với 550 triệu Yên để hoàn thành hòn đảo nhân tạo (bao gồm làm móng xây đê và đổ đất làm đảo). Và quan trọng hơn hết, để duy trì giao lưu giữa sân bay với bên ngoài, trước hết các kỹ thuật viên cho xây cầu sắt nối liền đảo với đất liền dài 3,7 km. Quả là một công trình vĩ đại! Đối với tôi, khoảnh khắc đẹp nhất là tôi được đón ngày đầu tiên của năm mới trên cây cầu này đúng lúc bình minh bắt đầu lấp ló trên đại dương.
Sân bay Osaka nhìn trên không. (Ảnh: sưu tầm).
Khoảng cách từ sân bay tới khách sạn Washington nơi chúng tôi ở khá gần, chúng tôi nhanh chóng nhận phòng và nghỉ ngơi sau cả đêm thức trắng làm nhiệm vụ. Sau khi thức giấc, chúng tôi quyết định đi lên trung tâm thành phố Osaka là Namba. Phương tiện giao thông được sử dụng phổ biến nhất là tàu điện, ở đây mọi chi tiết về tuyến đường đi, thời gian tàu chạy rất chi tiết ở trên bảng thông báo. Sau 40 phút ngồi trên tàu, tôi đã đến Namba, nơi sầm uất nhất Osaka. Người Nhật ăn Tết Dương lịch nên vào ngày đầu tiên của năm mới này, người dân đi chơi tham quan bên ngoài rất nhiều, tạo một khung cảnh đông vui, nhộn nhịp.
Namba là khu phố sầm uất bậc nhất Osaka với rất nhiều các địa điểm mua sắm, tham quan, ăn uống tập trung ở đây. Namba là khu vực được gọi là Minami (phía nam) Osaka. Từ Kita (phía Bắc) Umeda, đi theo hướng Nam con đường chính Midosuji, vì nằm ở cuối hướng Nam nên được gắn tên là Minami. Namba là trung tâm của Minami khu vực phía nam với ga có các tuyến đường sắt, tuyến điện ngầm, tuyến JR chạy qua, có tuyến tàu chạy thẳng trực tiếp từ sân bay quốc tế Kansai, là địa điểm giao thông cực kỳ thuận tiện. Có Shinsekai, Dotonbori, Shinsaibashi là những địa điểm tham quan rất được yêu thích của phía Nam. Ngoài ra, số lượng các cửa hàng ăn uống ở đây nhiều đến mức ngạc nhiên nên có sự canh tranh rất cao về giá cả cũng như hương vị của các cửa tiệm.
Namba là khu phố sầm uất bậc nhất Osaka. (Ảnh: ĐTV).
Đó là những thông tin tôi tìm hiểu được về Namba khi ngồi trên tàu điện, đến nơi theo bước chân của các anh chị dẫn tôi đến Dotonbori – con phố trải rộng dọc sông Dotonbori. Đặc biệt ở khu vực phía nam của con sông là con phố ẩm thực, với rất nhiều cửa hàng có các món ăn nổi tiếng như takoyaki, mì ramen, cua, mang một hình ảnh rất đặc trưng Osaka. Khu vực Ebisubashi nơi có Tấm bảng đèn quảng cáo của thương hiệu bánh kẹo Glico thường được làm nền cho những bức ảnh kỷ niệm cũng tập trung rất đông người.
Sau một hồi chụp ảnh tại đây, chúng tôi đi tiếp tới con phố Shinsekai, nơi có ngọc tháp đặc trưng mà du khách thường gọi là tháp Eiffel của Osaka. Nơi đây hội tụ các món ăn ẩm thực tinh tế nhất của thành phố này. Với những ai chưa biết, người dân Nhật Bản có câu “muốn thấy kimono thì tới Kyoto, còn muốn ăn uống thì tới Osaka”. Ấm thực vùng Osaka bao gồm okonomiyaki (bánh cake chiên), takoyaki (bạch tuộc tẩm bột nướng), udon (một loại mì), món sushi địa phương và những thức ăn Nhật Bản truyền thống khác. Người ta nói có nguyên một ngành công nghiệp phục vụ ẩm thực ở Osaka, có cả những món ăn trên trung bình, được phục vụ nhanh mà rẻ. Mỗi người chúng tôi chia nhau mua những món ăn khác nhau để cùng thưởng thức một cách đa dạng.
Tiếp đó, nhắc tới Namba, ngoài ẩm thực ra, nơi đây còn nổi tiếng để mua sắm. Để mua sắm thì Namba có 2 con phố đông đúc và sầm uất nhất là Shinsaibashisuji Shotengai và Sennichimae Doguyasuji. Đầu tiên là Shinsaibashisuji Shotengai với hơn 180 cửa tiệm có tại đây. Các cửa hàng của thương hiệu thời trang nổi tiếng cao cấp, ngoài ra còn có Trung tâm thương mại Daimaru chiếm trọn một góc của khu phố này. Khách du lịch nước ngoài có thể an tâm vì các nhân viên của cửa tiệm có thể nói tiếng Anh và bảng chỉ dẫn cũng bằng tiếng Anh.
Khu phố mua sắm với hàng trăm cửa hiệu. (Ảnh: ĐTV).
Thời gian đã đổ về chiều, trời tối khá nhanh nên chúng tôi quyết định lên tàu trở về khách sạn. Kết thúc một ngày tại Osaka bằng một bữa tối với bò nướng kiểu Nhật tươi ngon và ấm cúng. Quay trở lại khách sạn chuẩn bị hành lý và nghỉ ngơi để hôm sau về lại Việt Nam, chúng tôi chia nhau những bức ảnh đã chụp, cùng nhau lưu lại những khoảnh khắc đáng nhớ về một Osaka ngày đầu năm, thầm cảm ơn nghề nghiệp đã tạo cơ hội để chúng tôi có những giây phút đáng quý bên nhau. Hẹn gặp lại Osaka vào một ngày đẹp trời khác để cùng khám phá thêm những điều thú vị!
Nguyen Minh Trang – ĐTV