[Điểm đến] Chuyện của Mua

Tết với ai đó là trở về nhà sum họp, cùng nhau quây quần bên mâm cơm tất niên ấm cúng. Hay Tết là khi được mừng tuổi ông bà, bố mẹ với những phong bao lì xì tươi tắn, những lời chúc phúc … Và Tết – với ai đó khác nữa ­- là những chuyến đi lang thang đây đó, khám phá vùng đất mới, gặp gỡ những con người mới, kể một câu chuyện mới. Và lần này là câu chuyện về Mua, cô gái H’mong 29 tuổi ở Đồng Văn.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Gần 1 tháng sau trải nghiệm tại đây, tôi mới có thời gian ngồi viết lại những dòng này.

alt text
Mua (bên phải) và khách (Ảnh: NVCC).

Gặp Mua, ai cũng sẽ thấy cô dễ mến vì nụ cười tươi rói và vẻ khỏe mạnh, nhanh nhẹn toát ra từ mỗi cử chỉ, hành động. Không như những cô gái H’mong khác chỉ biết lên rừng lấy củi và chăm sóc gia đình, Mua là chủ của Đồng Văn H’mong Homestay. Homestay của cô được đăng ký trên các website du lịch như Airbnb, booking.com, agoda và được rating rất cao.

Cô không chỉ làm ruộng, chăm sóc con cái, nấu ăn mà còn nói tiếng Anh như gió, làm tour guide dẫn khách ở khu vực Hà Giang. Mua là cô gái H’mong thời đại mới, năng động, là một trong những người H’mong đầu tiên mở homestay của vùng đất Hà Giang, khi khái niệm homestay còn rất lạ lẫm với người dân nơi đây.

alt text
Mua có một em bé đáng yêu sau khi tốt nghiệp lớp 12 (Ảnh: NVCC)

Tốt nghiệp lớp 12, Mua lấy chồng và có con. Khi học trung cấp tài chính ở huyện, cô phải mang con nhỏ theo chăm sóc. Vất vả vì vừa học vừa chăm con, cô chẳng có thời gian giao lưu, đi chơi với bạn bè. Tốt nghiệp trung cấp, chưa có việc làm, cô về quê.

Trong thời gian đó, có thầy giáo thuộc tổ chức phi chính phủ lên Đồng Văn mở lớp dạy tiếng Anh giúp đỡ đồng bào miền núi. Mua xin học và được ghi tên. Học thế thôi nhưng Mua cũng chưa biết tiếng Anh dùng làm gì. Rồi Mua sinh đứa thứ hai, và lại vừa cắp con vừa học bài, đánh vật với từng câu chữ. Thật may mắn là chồng Mua làm việc ở huyện nên ủng hộ vợ hết lòng. Xong khóa tiếng Anh, Mua lại về làng làm ruộng. Thày giáo dạy xong lớp cũng về xuôi.

alt text
Lối vào Đồng Văn H’mong Homestay (Ảnh: NVCC).

Một thời gian sau, khi thày lên Đồng Văn công tác, Mua và chồng mời thày đến nhà chơi. Thày khen nhà Mua đẹp và gợi ý chuyện làm homestay. Mua ngần ngại vì vốn tiếng Anh còn quá ít ỏi và homestay là khái niệm mới, không biết bắt đầu từ đâu. Thày giáo ân cần động viên và bảo thày sẽ hỗ trợ trong thời gian đầu. Và thày giáo đã tự chụp ảnh, làm profile nhà của Mua, cho đăng lên các trang booking.com, airbnb …

Rồi lượt khách đầu tiên tới. Khi khách gọi điện thoại book phòng, Mua ái ngại bảo “Em ngại lắm …” vì chăn đệm chưa đủ, chưa có công trình vệ sinh riêng cho khách. Muốn trải nghiệm văn hóa địa phương nguyên sơ nên đoàn khách nọ vẫn nhất quyết: “Gia đình sinh hoạt thế nào, chúng tôi như thế, không yêu cầu gì khác”. Không có tiền, Mua đi mua chịu chăn màn rồi dần dần lấy tiền từ homestay thanh toán. Nhà cửa cũng vậy, có tiền đến đâu, sửa sang đến đó.

alt text
alt text

Cứ như vậy đã được 3 năm, giờ homestay của Mua có 2 dãy nhà gồm 5 phòng cho khách và một sảnh rộng rãi làm nơi sinh hoạt chung (Ảnh: NVCC).

Cứ như vậy đã được 3 năm, giờ homestay của Mua có 2 dãy nhà gồm 5 phòng cho khách và một sảnh rộng rãi làm nơi sinh hoạt chung. Từ sảnh có view nhìn ra ruộng bậc thang và phong cảnh núi non tuyệt đẹp. Nhà Mua có ba chị em gái ở cùng nhau và cùng phục vụ khách ăn bữa sáng, bữa tối. Ăn sáng có mỳ ăn liền với trứng hoặc bánh pancake với chuối, trà, café. Bữa tối khá nhiều món, cả tây, ta và dân tộc kết hợp: Thịt lợn rán, khoai tây chiên, canh đậu, trứng … Gia đình chủ và khách ngồi cùng ăn chung. Sau bữa tối, mấy vị khách kê ghế ngồi ở sân, xem hai cô em gái của Mua biểu diễn những điệu múa H’mong trong tiếng khèn của người chồng. Tiếng cười đùa rộn ràng, không khí ấm áp như trong một gia đình.

alt text
Gia đình chủ và khách ngồi cùng ăn chung (Ảnh: NVCC).

Những đoàn khách du lịch Hà Giang thường đi bằng xe máy để có thể len lỏi vào các bản xa, thưởng thức cho hết vẻ đẹp thiên nhiên của vùng cao nguyên đá này. Các biker lái xe chở khách đều là người Hà Giang, quen thuộc thung thổ. Trung, một biker ngoài 40 tuổi, trước đây phải đi làm thuê cho các mỏ đá, mỏ vàng thì nay có cơ hội việc làm mới, thấy còn đủ sức nên chuyển sang làm biker. Họ thường cộng tác với các công ty du lịch. Ngoài ra, có lượng khách quen gọi trực tiếp nên công việc khá bận rộn. Ai cũng cố gắng học chút tiếng Anh để giao tiếp với khách.

alt text
alt text

Một số hình ảnh khác trong chuyến đi của tôi đến Hà Giang (Ảnh: NVCC).

Mua đã từng được đi báo cáo điển hình ở huyện về kinh nghiệm làm homestay. Cô thích công việc này và nói rằng cô may mắn. Nhưng cơ may hẳn sẽ không đến nếu em không phải là người ham học hỏi, không chịu khó vất vả vừa nuôi con, vừa đi học. Ngoài homestay, người dân Hà Giang còn có thể làm biker nếu đủ sức khỏe và sự tháo vát, làm hướng dẫn viên du lịch nếu có đủ tiếng Anh … Có ngoại ngữ, có internet, chân trời mới, cơ hội mới sẽ đến với tất cả mọi người.

Câu chuyện của Mua, từ cô gái H’mong ở vùng sâu vùng xa dám vươn lên làm du lịch dù không có làng bản, tổ chức nào giúp đỡ sẽ là nguồn cảm hứng cho nhiều người dân tộc khác vươn lên trong cuộc sống. Cô không chỉ làm giàu cho gia đình mình mà còn góp phần làm cho du khách nước ngoài có cái nhìn thân thiện về con người Việt Nam.

Bạn có biết?

Từ nay đến hết ngày 31/3/2020, Vietnam Airlines triển khai chương trình bán vé với mức giá chưa từng có trên các chặng bay giữa Hà Nội và TP.HCM. Các chuyến bay khởi hành trước 6h00 hoặc sau 21h00 có giá vé chỉ từ 589.000 VND/chiều (đã bao gồm thuế, lệ phí). (Thông tin chi tiết)

Hướng dẫn đi Hà Giang từ Hà Nội bằng 3 loại phương tiện

Với lộ trình Hà Nội Hà Giang, du khách có thể chọn 1 trong 3 phương án: di chuyển bằng xe khách, phượt xe máy hoặc ô tô tự lái. 

1. Xe khách đi Hà Giang

Nếu bạn di chuyển bằng xe khách đi Hà Giang từ Hà Nội thì mất khoảng 6 – 7 tiếng. Đây là phương tiện phổ biến nhất với mức giá phải chăng. Có 3 loại xe khách cho bạn lựa chọn đó là:

Xe ghế ngồi: phù hợp với du khách có sức khỏe tốt, tùy giá có loại xe có bắt khách dọc đường hoặc không.

Xe giường nằm: phù hợp với du khách muốn được nghỉ ngơi trong quá trình xe di chuyển, nhất là khi đoàn có người lớn tuổi hoặc trẻ nhỏ.

Thuê ô tô lớn trọn gói cho đoàn đông: trong trường hợp bạn đi theo đoàn đông thì nên thuê xe ô tô lớn (16 chỗ trở lên).

2. Phượt Hà Giang bằng xe máy

Rất nhiều du khách trẻ thích khám phá Hà Giang trên chiếc xe máy để chủ động đi được khắp nơi, đồng thời tiết kiệm chi phí. Đi Hà Giang từ Hà Nội bằng xe máy sẽ mất khoảng 7 tiếng đồng hồ. Đây là khoảng thời gian di chuyển khá dài hơi, đường đi nhiều dốc đèo nên sẽ cần các bạn phải có sức khỏe là tay lái cứng.

3. Đi bằng ô tô tự lái

Trong trường hợp bạn di chuyển bằng ô tô tự lái thì sẽ mất khoảng 6 tiếng đồng hồ để đến được Hà Giang từ Hà Nội. Ưu điểm của hình thức di chuyển này là bạn chủ động được lộ trình của mình, phù hợp với các hộ gia đình hoặc các nhóm bạn 5 – 7 người.

(Hãy tham khảo tuyến đường đi xe máy và ô tô tự lại tại đây)

Nguyễn Thị Mai Hương – LS

Spirit Vietnam Airlines
Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.