[Điểm đến] Bình Liêu – Nơi tình yêu không giới hạn

Tiết trời se lạnh, nắng vàng hanh hao của những ngày cuối năm thật lý tưởng cho những chuyến dã ngoại. Chinh phục sống lưng khủng long ở Bình Liêu là mục tiêu của chúng tôi trong chuyến đi cuối tuần này.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Bình Liêu ở đâu? Người ta đến Bình Liêu để tìm kiếm điều gì?

Theo wikipedia, Bình Liêu nằm ở phía đông bắc của tỉnh Quảng Ninh; phía bắc giáp với huyện Ninh Minh, thành phố Sùng Tả và khu Phòng Thành, thành phố cảng Phòng Thành (Quảng Tây – Trung Quốc); phía Tây giáp với huyện Đình Lập (tỉnh Lạng Sơn); phía Đông giáp huyện Hải Hà, phía Nam giáp huyện Tiên Yên và huyện Đầm Hà (tỉnh Quảng Ninh).

alt text
Bình Liêu là một trong những địa danh du lịch mới nổi gần đây (Ảnh: NTMH).

Cách Hà Nội khoảng 280km, Bình Liêu là một trong những địa danh du lịch mới nổi gần đây, được biết đến bởi Sống Lưng Khủng Long huyền thoại. Sống lưng khủng long là cụm từ để chỉ sống núi đường lên mốc 1305, biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc –  mốc giới cao nhất của tỉnh Quảng Ninh. Để đến được cột mốc, các bạn cần vượt qua sống núi này mà nếu thời tiết thuận lợi sẽ mất khoảng hơn 2 giờ đi bộ.

Chúng tôi khởi hành từ chiều thứ Sáu, nghỉ đêm tại Quảng Ninh. Từ Quảng Ninh đến Bình Liêu cũng mất khoảng 2 giờ ô tô. Càng đi về phía Bắc, núi non ngày càng trùng điệp, làng mạc thưa thớt dần. Trên đường đến Bình Liêu, chúng tôi ghé qua cầu treo Nà Làng. Cây cầu thanh mảnh bắc qua con suối giờ cạn khô, lỏng chỏng đá cuội. Dưới lòng suối, những bụi lau vươn cao, phơ phất trong gió tô điểm cho cây cầu vẻ đẹp hoang sơ trên nền núi đá xa xa.

Sau khi check-in tại cửa khẩu Hoành Mô, chúng tôi bắt đầu hành trình chinh phục sống lưng khủng long. Nhìn con đường dốc đứng dài hun hút, tôi tự “vặn dây cót” lên tinh thần và hăm hở bước. Con đường này mới được đổ bê tông gần đây, giúp cho việc leo dốc dễ dàng hơn nhiều so với đi đường đất. Người đàn ông dân tộc Dao dưới chân dốc kể rằng chính ông trực tiếp tham gia làm con đường này và nó được hoàn thành trong 2 năm.

alt text
Cột mốc 1317 tại cửa khẩu Hoành Mô-6 (Ảnh: NTMH).

Đoạn đầu đường dốc thoai thoải nhưng càng lên cao, các bậc thang càng dốc đứng. Tôi cố gắng đếm từng bước chân, vượt qua hết con dốc này đến con dốc khác, nhịp thở ngày càng trở nên dồn dập, mồ hôi ướt đầm lưng áo. Thỉnh thoảng lắm mới gặp mấy người đi xuống, tôi vội hỏi còn bao xa nữa. Mấy bạn trẻ cười cười bảo: “Còn xa lắm, cố lên”! Rồi họ động viên rằng qua con dốc này sẽ thấy sống lưng khủng long, đẹp lắm. Như có động lực, tôi lại bước tiếp, bước tiếp  …

alt text
Đường đi lên sống lưng khủng long (Ảnh: NTMH).

Mùa khô, cỏ trên những triền núi cháy vàng, xơ xác. Sườn núi dốc đứng, trơ trọi, không một bóng nhà. Xa xa bên dưới, chỉ có những con đường mềm mại vắt ngang sườn núi. Và mây, những đám mây có thể xà xuống quanh bạn bất cứ lúc nào. Trời đang hửng nắng bỗng sương mù ập đến, đôi khi là những hạt mưa nhỏ li ti rơi. Chốc lát rồi mây tan đi, trả lại cho bạn bầu trời trong veo.

alt text
alt text
alt text
alt text
alt text

Chốc lát rồi mây tan đi, trả lại cho bạn bầu trời trong veo (Ảnh: NTMH).

Trời đã về chiều, mây mù dần che phủ các đỉnh núi. Chân đã chùn, gối đã mỏi, lượng sức mình nên tôi quyết định dừng lại. Đúng là:

“Chưa đi chưa biết Bình Liêu

Đi rồi mới thấy liêu xiêu cả người…”

Đêm hôm đó chúng tôi nghỉ tại homestay của “thày giáo cắm bản” người Tày tên là Hoàng Sằn. Tôi đã hy vọng được chơi đùa với các em học sinh nhưng hóa ra trường của thày cách đó 14km. Chúng tôi đành nhờ thày Sằn chuyển lại một số món quà đã chuẩn bị từ trước cho các cháu.

alt text
Bữa tối tại homestay Hoàng Sằn (Ảnh: NTMH).

Bữa tối được vợ thày và mấy người em chuẩn bị khá chu đáo, bày biện đẹp mắt. Sau đó, chúng tôi được mời cùng tham gia lửa trại với một hội khác cũng nghỉ tại homestay này. Có rượu, có thịt trâu nướng, khoai nướng, nhạc xập xình rất bốc nên mọi người nhảy múa, hát hò nhiệt tình. Vợ thày Sằn dọn dẹp xong cũng xuống chung vui, “quẩy” hết mình với khách.

alt text
Sticker kỷ niệm tại nhà nghỉ Hàng Sằn (Ảnh: NTMH).

Vợ chồng thày giáo Hoàng Sằn có lẽ đại diện cho thế hệ “giáo viên cắm bản” mới, thế hệ 9x. Không chỉ chăm lo dạy dỗ cho các con trẻ mà họ còn biết làm kinh tế, tổ chức homestay cho khách du lịch, vừa để giới thiệu vẻ đẹp của quê hương, vừa có nguồn thu nhập cá nhân. Và cô giáo vợ cũng rất năng động. Dù có con nhỏ nhưng cô vẫn đăng ký lớp học nhảy để còn “giao lưu với khách”. Khi cô bạn tôi khen cô nhảy đẹp, cô bảo “phải thực tập nhiều các chị ạ”. Yêu cô giáo miền núi vùng sâu vùng xa này quá!

Ngày mai, chúng tôi sẽ tiếp tục đi làm, trở về với cuộc sống công sở. Nhưng chuyến đi về Bình Liêu, về những triền núi hoang sơ màu vàng cỏ cháy xơ xác ấy sẽ còn lưu lại mãi trong ký ức. Nơi đó không chỉ có những con người bình dị hay những cánh rừng xanh bát ngát mà đó còn là những dãy núi trùng điệp, dốc đứng và trơ trọi một cách khắc nghiệt nhưng vẫn là một mảnh đất của Việt Nam yêu thương, nơi biết bao thế hệ đã gìn giữ.

Nguyen Thi Mai Huong-LS

Spirit Vietnam Airlines
Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.