Trưởng thành từ khổ luyện
Gia nhập Đoàn bay 919 của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) từ tháng 12-2023, chàng trai trẻ Nguyễn Anh Minh (sinh năm 1992) hiện đang là Cơ phó lái tàu bay Airbus A321 đã phải trải qua quá trình rèn luyện vất vả với không ít thử thách.
Minh tốt nghiệp Đại học, sau đó thử sức qua nhiều lĩnh vực, công ty khác nhau. Cuối cùng, Minh quyết định theo học nghề phi công, tiếp nối truyền thống làm việc trong ngành hàng không của gia đình.
Vốn có kỹ năng tiếng Anh, sức khỏe đủ điều kiện, Minh đã đăng ký khóa học và được gửi đi đào tạo tại Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) với thời gian ban đầu 3 tháng. Những ngày tháng này, chàng trai trẻ phải tự lập sinh hoạt, làm quen với môi trường ăn ngủ đúng giờ.
“Có học viên bay lần đầu trên khoang lái do tiền đình chưa bắt kịp khi ở môi trường trên không nên vừa bay vừa nôn, đây là những trải nghiệm khó quên. Đào tạo phi công rất khắc nghiệt. Nhưng chính sự trui rèn, quyết tâm ngay từ đầu sẽ là định hướng để xem xét bản thân có thực sự muốn theo đuổi giấc mơ bay,” Minh tâm sự.
Đam mê ngày một lớn dần và trở thành động lực thôi thúc anh đi theo con đường “chinh phục bầu trời”. Trải qua 4 năm được đào tạo và huấn luyện tại New Zealand, Minh đã thành công với chuyến bay đầu tiên do chính mình điều khiển mà không có thầy dạy phụ kèm bên cạnh. Lúc ấy, chàng trai trẻ vội vã điện về nhà để thông báo tin vui.
“Cảm giác một mình điều khiển ‘chim sắt’ cất cánh, chao lượn trên bầu trời rất vui sướng bởi mình đã vượt qua được thử thách của bản thân. Việc trở thành phi công chính thức của Vietnam Airlines không chỉ thỏa mãn ước mơ mà còn là niềm tự hào của gia đình.” Minh hào hứng nhớ lại.
Để đảm bảo an toàn bay, theo chàng Cơ phó trẻ, mỗi một phi công đều trải qua các bài kiểm tra gắt gao về khả năng ngoại ngữ (phải đạt mức 4); huấn luyện đặc thù về dạng hình khai thác bay trên buồng lái mô phỏng (SIM) để đào tạo khả năng ứng phó, xử lý của phi công trong các tình huống khẩn nguy như máy bay hỏng động cơ, chim va vào máy bay, bay trong thời tiết xấu, sương mù… và nếu trượt ở hạng mục nào thì bằng lái phi công sẽ bị treo.
“Hãy làm thế nào để tất cả những lần cất cánh của bạn đều phải an toàn”, đó là câu nói của thầy dạy mà mình rất tâm đắc. Phi công là công việc đòi hỏi học hỏi không ngừng nghỉ, trau dồi liên tục, nỗ lực hơn nữa trong công việc.” Minh chia sẻ.
Sau mỗi chuyến bay, cậu luôn ghi chú vào một quyển sổ những việc đã làm tốt hay chưa hiệu quả để đúc rút kinh nghiệm bay cho bản thân với tâm niệm: “Phi công bao giờ không bay nữa thì mới là phi công có giờ an toàn bay cao nhất vì lúc đó đã nghỉ hưu. Nếu còn bay là còn tập trung chú ý cao độ, không bao giờ lơ là để nâng cao tay nghề.”
Bay an toàn với “kỷ luật thép”
Trong nhà có ông ngoại vốn là phi công quân sự, mẹ và dì đều làm trong ngành hàng không, ngay từ bé, Trần Xuân Trường (sinh năm 1994, hiện đang là Cơ phó tàu bay A321) đã được nghe kể nhiều câu chuyện cuộc sống của phi công trên trời, khó khăn điều khiển máy bay, cảm giác ở trên không trung… Tất cả đã thôi thúc anh trở thành phi công. Thế nhưng, quá trình “chinh phục bầu trời” của Trường cũng trải qua con đường gập ghềnh chông gai.
Thu nhập của gia đình công chức không đủ tiền trang trải học phí phi công, chàng trai trẻ tạm gác lại giấc mơ từ thuở nhỏ để bước chân vào học ngành quản trị kinh doanh của một trường Đại học trong nước. Sau 4 năm ra trường đi làm thêm gần 2 năm, giấc mơ bay vẫn cứ luôn quẩn quanh trong đầu cậu. Vì thế, khi tích góp được một khoản tiền, Trường về thưa chuyện người thân trong nhà và mong muốn được theo học nghề phi công.
Khi xuất ngoại đến trung tâm đào tạo phi công ở New Zealand, cũng là thời điểm dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát ở toàn cầu, khóa học của chàng trai trẻ phải kéo dài từ 18 tháng lên tới 24 tháng, ngốn thêm nhiều chi phí tài chính kèm theo.
“Những rào cản, khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa khiến nhiều học viên mới rất bỡ ngỡ và đều phải nỗ lực cố gắng tìm hiểu để hòa nhập sớm hơn với môi trường xứ người. Học lái máy bay cũng có những khó khăn, vất vả. Đây là ngành nghề nhiều thách thức, thường xuyên phải đối mặt thời tiết xấu như sấm sét, mưa bão… khi bay. Việc thay đổi giờ giấc và thời tiết liên tục cũng là những khó khăn mà học viên phi công gặp phải.” Trường chia sẻ.
Gia nhập Vietnam Airlines vào năm 2022 và tiếp tục được đào tạo chuyên sâu. Sau một năm, chàng học viên này đã chính thức trở thành Cơ phó tham gia chuyến bay thương mại đầu tiên trên tàu Airbus A321.
Trải qua hàng trăm giờ bay và nhiều đất nước khác nhau, Trường bảo, áp lực lớn nhất của nghề phi công là đảm bảo chuyến bay an toàn từ khi cất cánh đến khi hạ cánh. Trong hành trình bay, đầu óc phải luôn tỉnh táo để nhìn nhận, phán đoán và xử lý tình huống để đưa ra các quyết định chính xác.
“Đối với bất kỳ công việc nào cũng cần có đam mê và sức khỏe, trách nhiệm với công việc, đặc biệt với nghề phi công. Thực hiện chuyến bay an toàn chính là thành công lớn nhất và mỗi phi công đều phải có “kỷ luật thép” với bản thân để hoàn thành nhiệm vụ.” chàng Cơ phó này nói.
Sinh năm 1992, Nguyễn Hồng Sơn hiện là Cơ trưởng – Giáo viên SIM Đoàn bay 919 cơ sở TP. HCM đã có 10 năm công tác tại Vietnam Airlines. Có bố là một phi công trong Đoàn bay 919, Sơn nuôi dưỡng đam mê máy bay từ nhỏ. Nhờ tố chất và học hành khổ luyện chăm chỉ, vào năm 2017, chàng trai trẻ này đã chính thức làm cơ trưởng khi chỉ mới 25 tuổi.
“Với nhiều người, việc thấy một người trẻ tuổi làm Cơ trưởng máy bay có thể gây ấn tượng nhưng đó là áp lực khi phải làm việc với những người lớn tuổi hơn, phải đảm đương vai trò chỉ huy. Tuy nhiên, tôi nhận ra rằng tuổi tác không quan trọng bằng khả năng thực hiện công việc một cách chuyên nghiệp và kỷ luật, đảm bảo an toàn cho mọi chuyến bay.” Sơn quả quyết.
Trong vai trò một giáo viên trong ngành đào tạo phi công, Sơn đã gặp rất nhiều học viên trẻ đầy đam mê, nhiệt huyết và luôn chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm của mình để hướng dẫn thế hệ phi công mới phát triển sự nghiệp và đạt được thành công.
Duy trì thói quen tốt để đảm bảo sức khỏe
Không chỉ đòi hỏi sự tập trung và năng lực chuyên môn, nghề phi công cũng có những yêu cầu khắt khe về sức khỏe, “chìa khóa vàng” để chinh phục bầu trời. Sức khỏe phi công không chỉ là trách nhiệm cá nhân mà còn là sự an toàn của hành khách và uy tín của hãng hàng không.
Cơ phó Xuân Trường chia sẻ: “Do đặc thù công việc, thời gian các bữa ăn phụ thuộc vào chuyến bay và giờ bay. Tuy nhiên mình cố gắng sắp xếp thời gian thật hợp lý để có thể duy trì bữa ăn gần đúng giờ nhất có thể. Ngoài ra, phi công cũng được công ty cung cấp các bữa ăn trên máy bay đầy đủ các chất dinh dưỡng, đảm bảo an toàn vệ sinh. Trước mỗi chuyến bay, phi công sẽ được kiểm tra ngẫu nhiên về sức khỏe, nghiêm cấm sử dụng rượu bia…để đảm bảo mọi người chấp hành tuyệt đối luật lệ an toàn khi bay.”
Bên cạnh đó, chàng Cơ phó thường xuyên tập luyện thể thao như bóng rổ, bóng chuyền, bóng bàn, cầu lông…để cơ thể cân bằng hơn và tăng tính linh hoạt phối hợp giữa tay chân mắt; thực hiện các giấc ngủ ngắn (power nap) khi nghỉ ở giữa các chặng bay dài nhằm hồi phục năng lượng và giúp tinh thần được tỉnh táo hơn.
Đối với Cơ trưởng Nguyễn Hồng Sơn, thực hiện chế độ ăn uống, rèn luyện hợp lý là điều anh đã thực hiện từ hàng chục năm qua. Anh tự hào “Bản thân tôi luôn tuân thủ chế độ ăn uống khoa học, hạn chế rượu bia nên hơn 10 năm nay vẫn giữ được số cân nặng không đổi”. Đặc thù của nghề phi công là thường xuyên di chuyển, thay đổi múi giờ nhiều nên Cơ trưởng Sơn luôn phải “ép” mình theo múi giờ sinh hoạt tại đất nước sẽ tới. “Ban đầu khá khó khăn để có thể đi ngủ lúc 6h chiều, tuy nhiên tập dần sẽ tạo được thói quen.” – anh chia sẻ. Cơ trưởng Sơn tiết lộ, bản thân bắt đầu chơi quần vợt từ khi học trung học và hiện đang tham gia câu lạc bộ quần vợt của Đoàn bay hơn 8 năm.
Bên cạnh đó, các phi công trẻ của Đoàn bay 919 cũng thường xuyên được giáo viên, các phi công đi trước truyền kinh nghiệm để có một thể trạng tốt nhất. Cơ phó Nguyễn Anh Minh chia sẻ: “Mình thường xuyên được các chú, các anh truyền cho một số kinh nghiệm về chế độ ăn uống, dinh dưỡng. Ví dụ như khi làm việc trong mùa mưa bão từ tháng 3 đến tháng 8 hàng năm, ăn trước khi bay thường được khuyến khích hơn để đảm bảo sức khỏe đối mặt với điều kiện và cường độ công việc tăng. Việc uống nước cũng rất quan trọng vì môi trường trong cabin thường thiếu độ ẩm và khô, cung cấp lượng nước vừa đủ sẽ giúp phi công duy trì trạng thái cơ thể tốt trong quá trình thực hiện nhiệm vụ bay.”
Với ý thức quyết tâm cao, kế thừa những giá trị truyền thống anh hùng của Đoàn bay 919, các phi công của Hãng Hàng không Quốc gia đang ngày ngày rèn luyện, hoàn thiện bản thân, chinh phục bầu trời bằng cả năng lực, bản lĩnh và trái tim. Dõi đôi mắt qua ô cửa sổ máy bay, tiếng động cơ vang rền, những ánh đèn vàng sáng rực cả một góc sân đỗ, ngay tối nay, những phi công trẻ như Trường và Minh của Đoàn bay 919 luôn thường trực suy nghĩ cần phải tận tâm cống hiến, sẵn sàng hoàn thành mọi nhiệm vụ mà đơn vị giao phó. Họ sẽ lại bắt đầu một hành trình mới để viết tiếp giấc mơ trở thành Cơ trưởng, điều khiển những loại tàu bay hiện đại nhất như Airbus A350 hay Boeing 787.