Lớn lên cùng lời kể của ông về cuộc sống phi công và những chuyến du hành kỳ thú trên không…
Sinh ra trong gia đình có ông ngoại, mẹ và dì ruột đều làm trong ngành hàng không, Trường sớm được tiếp xúc với những câu chuyện về bầu trời, về những chuyến bay xa xôi. “Những ngày còn nhỏ, Trường thường được nghe ông ngoại – một cựu phi công với hơn 30 năm kinh nghiệm làm việc tại Đoàn bay 919 kể về chuyện lái máy bay, chuyện cuộc sống của phi công trên trời, về những khó khăn khi điều khiển máy bay chiến đấu… Trường ấp ủ và nuôi dưỡng ước mơ trở thành phi công qua chính những lời kể đó”.
Tuy nhiên, con đường “chinh phục bầu trời” không hề dễ dàng. Khi học xong cấp 3, chính sách đào tạo phi công thay đổi, nếu muốn đi học phải bỏ ra một khoản tiền lớn lên tới vài tỷ đồng. Gia đình không đủ điều kiện nên chàng trai trẻ tạm gác lại giấc mơ để theo học ngành quản trị kinh doanh của một trường Đại học trong nước.
Sau 4 năm ra trường, gần 2 năm đi làm, Trường vẫn đau đáu với giấc mơ trở thành phi công, được mở cánh cửa buồng lái để ngắm nhìn những khoảnh khắc diệu kỳ của bầu trời và mặt đất – đa sắc, vô tận, được tiếp tục hành trình kết nối của gia đình.
“Sau khi tích cóp được chút vốn liếng, mình quyết tâm về thưa chuyện cùng ông ngoại và bố mẹ với mong muốn được thi tuyển đi học nghề phi công. Tuy nhiên, thời điểm đó, nghề phi công bắt đầu có dấu hiệu “bão hoà”, nhiều người khuyên mình từ bỏ nhưng mình vẫn quyết học”, Trường chia sẻ.
Và Trường biết, mọi thử thách lúc này chỉ là mới bắt đầu: “Khi vừa bước chân sang đến trung tâm đào tạo phi công ở New Zealand cũng là thời điểm dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát ở toàn cầu. Do ảnh hưởng từ dịch, thay vì đào tạo 1,5 năm ở nước ngoài, khóa của Trường đã phải đào tạo tới hơn 2 năm, mọi chi phí theo đó cũng tăng lên”.
Bên cạnh đó, những khác biệt về ngôn ngữ giao tiếp cũng như văn hóa chính là rào cản lớn đối với Trường. Suốt quãng thời gian học tập tại New Zealand, ngày nào cũng thế, trước mỗi lần lên lớp, Trường đều chuẩn bị rất kĩ bài vở, xem trước sách, hễ rảnh là lại nhờ bạn bè truyền đạt cho kinh nghiệm học ngoại ngữ. Nhờ thế mà Trường cũng sớm hòa nhập được với môi trường mới.
Năm 2022, Trường quay về lại TP. Hồ Chí Minh để học khóa cuối cùng trong 4 tháng. Đây là quãng thời gian quyết định thành bại của cả một quá trình học tập và nỗ lực của Trường.
“Trong 4 tháng, Trường ứng dụng tất cả những gì mình đã học, nhất là kiến thức đã tích lũy được khi học ở Trung tâm huấn luyện bay FTC vào việc điều khiển một chuyến bay thật với các hành khách và các thành viên phi hành đoàn khác. Nhờ sự hướng dẫn nhiệt tình và kinh nghiệm dày dặn của các thầy cô, Trường đã có thể hoàn thành quá trình học của mình một cách suôn sẻ”, Trường chia sẻ.
… Hơn 500 giờ bay với những áp lực nghẹt thở
“Mình vẫn nhớ như in hồi mới bay, khi được phân công làm nhiệm vụ trên chặng bay TP. Hồ Chí Minh – Hàn Quốc gặp đúng hôm thời tiết trở lạnh. Nhiệt độ giảm liên tục. Máy bay sau khi trả khách tại Hàn Quốc, chuẩn bị bay trở lại Việt Nam bất chợt gặp sự cố một số bộ phận tàu bay bị tuyết phủ, ảnh hưởng việc cất cánh”.
“Hành khách liên tục thắc mắc khiến phi hành đoàn sốt ruột không kém. Song sau khi cất cánh, đoàn bay đã gửi lời xin lỗi tới hành khách và nhận được sự thông cảm nhiệt tình”, Trường nói thêm.
Chia sẻ thêm về nghề phi công, chàng cơ phó trẻ tuổi cho biết, áp lực của nghề phi công là đảm bảo chuyến bay an toàn từ khi cất cánh đến khi hạ cánh, phải luôn giữ được sự tỉnh táo để nhìn nhận, phán đoán và xử lý tình huống.
“Không giống như lái ô tô, lái máy bay là lái trong một không gian mở hơn nhiều và máy bay không thể dừng lại giữa bầu trời, nên mọi hành động đều cần kiên quyết và chuẩn xác. Ví như khi máy bay đi vào vùng có mây lớn, hay gặp nhiễu động, để tránh sự rung lắc mạnh, phi công phải biết quan sát phán đoán, nhìn nhận đám mây đó cánh hàng trăm km, xem máy bay có thể xuyên qua hay không. Nếu không thể an toàn xuyên qua thì có thể gọi về trung tâm xin ý kiến chuyển hướng”, Trường nói.
“Mỗi lần gặp khó khăn, Trường lại nghĩ về ông ngoại và tự dặn lòng, dù khó thế nào cũng không thể bằng thời của ông được. Mà hồi đấy khó thế, khổ thế mà các thế hệ trước vẫn kiên nhẫn vượt qua. Hà cớ gì giờ mình đã có điều kiện hơn, mà không chăm chú học hỏi để vượt khó?” – Trường lạc quan trước những khó khăn và từng bước nỗ lực để tiếp tục nuôi dưỡng ước mơ của mình.
“Dự định sắp tới của mình là tiếp tục học hỏi để khi tích lũy đủ giờ bay và nếu công ty có đợt tuyển sẽ thi lên vị trí cơ trưởng – người chịu trách nhiệm cao nhất của mỗi chuyến bay”, chàng cơ phó chia sẻ.