Cà Mau đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng mở rộng sân bay
Chiều 17/3, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Hồ Hải cùng Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thành Ngại kiểm tra thực tế công tác giải phóng mặt bằng Dự án mở rộng, nâng cấp Cảng hàng không Cà Mau và tiến độ thi công Cầu Gành Hào nối Cà Mau – Bạc Liêu.

Hai công trình do Trung ương đầu tư, khi hoàn thành sẽ thúc đẩy kinh tế – xã hội địa phương, dự kiến giúp Cà Mau đạt mức tăng trưởng 8% năm 2025 và hướng đến hai con số trong tương lai.
Bí thư Nguyễn Hồ Hải nhấn mạnh tầm quan trọng của giải phóng mặt bằng, yêu cầu thực hiện đúng pháp luật, bảo đảm quyền lợi người dân, đồng thời ngăn chặn trục lợi, thất thoát. Ông cũng chỉ đạo cả hệ thống chính trị vào cuộc, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, đồng thời xem xét tinh giản cán bộ thiếu trách nhiệm.
Để đẩy nhanh tiến độ, lãnh đạo tỉnh yêu cầu cấp ủy, chính quyền tăng cường tuyên truyền, đặc biệt cán bộ, đảng viên phải tiên phong. UBND tỉnh cần nâng cao cơ chế phối hợp, tránh ách tắc vì lỗi nhỏ, đồng thời đề xuất Trung ương hỗ trợ giải quyết khó khăn về cát thi công.
Dự án mở rộng, nâng cấp Cảng hàng không Cà Mau do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đầu tư, tổng mức đầu tư 2.400 tỷ đồng, sử dụng 100% vốn của ACV. Dự án bao gồm xây dựng mới đường cất hạ cánh 2.400m × 45m, đủ điều kiện khai thác máy bay A320, A321. Công tác giải phóng mặt bằng liên quan đến hơn 105ha đất, ảnh hưởng đến hơn 600 hộ dân.
Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu hoàn thành giải phóng mặt bằng vào giữa tháng 4/2025, với tinh thần “có mặt bằng chờ thi công, không để thi công chờ mặt bằng.”
Cuối ngày, đoàn công tác kiểm tra Dự án cầu Gành Hào, tổng vốn hơn 650 tỷ đồng, hiện đã đạt 80% khối lượng. Chủ đầu tư cam kết đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành công trình đưa vào sử dụng dịp 30/4/2025.
Hàng không dân dụng Nga mất 58 máy bay chỉ trong một năm
Người đứng đầu Cơ quan Vận tải hàng không Liên bang Nga ( Rosaviatsia) – ông Dmitry Yadrov trong một cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Interfax cho biết, vào năm 2024, các hãng hàng không của nước này đã buộc phải cho ngừng hoạt động tới 58 máy bay.
Nguyên nhân chính là tần suất xảy ra sự cố hàng không ngày càng tăng và không thể sửa chữa toàn bộ do thiếu hụt phụ tùng thay thế nghiêm trọng. Ngày nay, các hãng hàng không có 1.138 máy bay và 920 trực thăng, nhưng việc tiếp tục cắt giảm đội bay vẫn là mối đe dọa thực sự.

Các lệnh trừng phạt do Hoa Kỳ, EU và nhiều quốc gia khác áp đặt vào năm 2022 đã gần như làm tê liệt khả năng tiếp cận công nghệ phương Tây của các hãng hàng không Nga.
Tập đoàn Boeing và Airbus đã ngừng cung cấp linh kiện và hỗ trợ kỹ thuật, điều này khiến các nhà khai thác mất đi khả năng tiến hành những cuộc kiểm tra bắt buộc về tình trạng máy bay, bao gồm Kiểm tra C – được thực hiện 1,5 đến 2 năm một lần và Kiểm tra D kỹ lưỡng hơn – được thực hiện 6 đến 12 năm một lần.
Vì khoảng 70% đội bay của các hãng hàng không Nga là phi cơ nước ngoài, đảm bảo tới 90% nhu cầu vận tải hành khách trong nước, nên ngành hàng không đã rơi vào tình trạng khủng hoảng.
Để duy trì hoạt động, các hãng bay buộc phải tháo dỡ một số chiếc để lấy phụ tùng thay thế, một phương pháp này được gọi là “tự tháo dỡ”. Ngay cả dòng Sukhoi Superjet-100 (SSJ-100) sản xuất trong nước, với số lượng khoảng 150 chiếc trong đội bay, cũng phải phụ thuộc vào các linh kiện nhập khẩu, làm trầm trọng thêm vấn đề.
Theo Kommersant, các hãng hàng không Nga phải đối mặt với số lượng sự cố kỷ lục vào năm 2024: 11 lần hỏng động cơ được ghi nhận từ tháng 12 đến tháng 1, nhiều gấp đôi so với con số của những tháng trước.
Các chuyên gia cho rằng nguyên nhân là do sử dụng phụ tùng đã hết hạn và thiếu dịch vụ bảo trì được chứng nhận. Để lách lệnh trừng phạt, Nga đang cố gắng thiết lập hoạt động sản xuất linh kiện thay thế cùng với tập đoàn nhà nước Rosatom và hãng hàng không lớn nhất Aeroflot.
Một nhà máy sửa chữa hệ thống điều hòa không khí và chiếu sáng cho phi cơ của Boeing và Airbus đã đi vào hoạt động từ tháng 8 năm 2024, nhưng công suất vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của ngành.
Nguồn: Nhân Dân điện tử, Interfax/Kommersant