Hãng hàng không Hàn Quốc Korean Air vừa cảnh báo sự bùng phát của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 có thể đe dọa sự tồn vong của hãng, sau khi hơn một nửa thế giới áp đặt hạn chế đối với du khách tới từ Hàn Quốc.
Trong một thông báo nội bộ gửi tới các nhân viên, Chủ tịch Korean Air Woo Kee-hong (U Ki Hông) cho biết hơn 80% công suất vận chuyển quốc tế của hãng hàng không lớn nhất Hàn Quốc này đã bị cắt giảm do các biện pháp hạn chế đi lại toàn cầu, trong khi con số này là 18% trong giai đoạn cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997-1998.
Ông nhấn mạnh: “Chúng ta có thể dễ dàng hình dung ra sự khốc liệt của cuộc khủng hoảng mà chúng ta đang phải đối mặt khi làm các phép so sánh đơn giản. Và đáng lo ngại hơn khi tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn vào bất cứ lúc nào và chúng ta thậm chí không thể tiên đoán được nó sẽ kéo dài bao lâu.”
Theo ông Woo, Korean Air đã phải ngừng khai thác 100 trong tổng số 145 máy bay chở khách. Hãng cũng đã thực hiện các biện pháp như trì hoãn các khoản đầu tư, giảm chi phí vận hành và khuyến khích nhân viên tự nguyện nghỉ việc.
Tuy nhiên, ông cảnh báo tình hình hiện tại tiếp tục kéo dài sẽ đe dọa tới sự tồn tại của hãng.
Một điểm sáng hiếm hoi lúc này là với các nhân viên là công ty vẫn “mạnh mẽ và có sức chống chịu tốt” và “sẽ luôn giữ vững nguyên tắc cơ bản là hạn chế tối đa việc gây tổn hại tới lợi ích của nhân viên”.
Nhân viên chuẩn bị phun thuốc khử trùng trên máy bay của Korean Air nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại sân bay quốc tế Incheon, Hàn Quốc, ngày 4/3. (Ảnh: AFP/TTXVN).
Ngành hàng không tại Hàn Quốc đã chịu ảnh hưởng nặng nề do hàng loạt chuyến bay bị hủy. Hồi tuần trước, Nhật Bản đã góp mặt vào danh sách những quốc gia áp đặt hạn chế đối với các du khách từ Hàn Quốc.
Trong ngày 9/3, các hãng hàng không của Hàn Quốc như Asiana Airlines, Jin Air, Air Busan và T’way cũng đã ngừng khai thác tất cả các tuyến Nhật Bản-Hàn Quốc.
Không chỉ các hãng hàng không Hàn Quốc đối mặt với tình hình kinh doanh “ảm đạm,” hãng hàng không Air France KLM của Pháp cũng có chung tình cảnh tương tự khi ghi nhận sự sụt giảm số lượng hành khách trong tháng Hai vừa qua.
Cụ thể, trong tháng qua, Air France KLM chỉ vận chuyển dưới 7 triệu lượt hành khách, giảm 0,5% so với một năm trước.
Tuy nhiên, các số liệu của tháng Hai về cơ bản là việc cắt giảm tất cả các chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc cũng như tác động ban đầu của dịch COVID-19 tại châu Á.
Hãng cảnh báo tác động của virus SARS-CoV-2 gây COVID-19 sẽ trở nên rõ rệt hơn trong những tháng tới khi dịch bệnh bùng phát tại nhiều nơi trên thế giới.
Cho tới nay, Air France KLM đã hủy tất cả các chuyến bay tới các thành phố và vùng lãnh thổ của Trung Quốc như Bắc Kinh, Thượng Hải, Hong Kong và Đài Loan trong khi cắt giảm các dịch vụ tới Seoul và Singapore.
Các chuyến bay tới Italy của hãng cũng đã bị cắt giảm trong khi ngành dịch vụ hàng không châu Âu bị cắt giảm 25%.
Trong khi đó, tại Đức, người đứng đầu Viện Nghiên cứu kinh tế Đức (Ifo) cho biết cuộc khủng hoảng dịch COVID-19 sẽ làm bùng phát một cuộc khủng hoảng tại quốc gia Tây Âu này.
Chuyên gia kinh tế Clemens Fuest dự đoán thế giới đang trên bờ vực của một cuộc khủng hoảng kinh tế và có mức độ tương đương với năm 2018, thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính.
Ông cũng đánh giá Chính phủ Đức đã hành động đúng đắn và kịp thời khi hỗ trợ các công ty rút ngắn thời gian làm việc cho người lao động, song vẫn còn nhiều việc phải làm.
Tính đến hết ngày 9/3, Đức đã ghi nhận 1.224 trường hợp nhiễm bệnh và 2 trường hợp tử vong.
Chính phủ liên bang cũng đã quyết định hủy Diễn đàn Đối thoại chuyển đổi năng lượng ở Berlin, vốn diễn ra hàng năm với sự tham gia của khoảng 2.000 người từ 90 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Nguồn: Vietnamplus