Cụ thể, chỉ số lượng hành khách vận chuyển (RPK) đã tăng 76% so với tháng 3/2021. Mặc dù con số này thấp hơn mức tăng 115,9% trong tháng 2/2021, nhưng đã tiệm cận các mốc từng ghi nhận trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát vào năm 2019, chỉ thấp hơn khoảng 41%.
Lưu lượng vận tải hành khách nội địa cũng tăng 11,7% so với cùng kỳ năm ngoái, song vẫn thấp hơn mức 59,4% ghi nhận hồi tháng 2 năm nay.
Máy bay của Hãng hàng không Lufthansa, Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN).
Riêng lưu lượng vận tải hành khách của các hãng hàng không châu Á – Thái Bình Dương đã tăng 197,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tác động của cuộc xung đột tại Ukraine đối với nhu cầu đi lại bằng máy bay nhìn chung khá hạn chế trong khi phần lớn các thị trường châu Á vẫn chịu tác động từ các đợt bùng phát liên quan đến biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2.
Trong khi Hàn Quốc, New Zealand, Singapore và Thái Lan, đang tiếp tục nới lỏng các hạn chế, Trung Quốc và Nhật Bản vẫn duy trì hạn chế nhập cảnh với du khách nước ngoài nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Tổng giám đốc IATA, ông Willie Walsh, nhấn mạnh trong bối cảnh các rào cản đối với việc di chuyển của người dân dần giảm bớt, nhu cầu đi lại bằng đường hàng không đã được phục hồi sau thời gian chờ đợi.
Tuy nhiên, hiện vẫn xảy ra tình trạng hoãn chuyến kéo dài tại nhiều sân bay do nguồn lực hạn chế trong việc phục vụ số lượng hành khách ngày càng tăng.
Theo ông Walsh, tình trạng này cần phải được giải quyết gấp rút nhằm tránh làm nản lòng hành khách sử dụng các dịch vụ hàng không.
Theo TTXVN