Theo một nghiên cứu mới nhất của Hội đồng Sân bay Quốc tế châu Âu (ACI), các sân bay của châu Âu đã mất 1,72 tỷ lượt hành khách trong năm 2020, giảm 70,4% so với 2019. Năm 2020, họ chỉ đón 728 triệu lượt hành khách, so với 2,4 tỷ lượt của năm trước đó. Với mức này, lưu lượng hành khách chỉ bằng mức được ghi nhận vào năm 1995.
Các sân bay trong Liên minh châu Âu (EU) mất 1,32 tỷ hành khách vào năm 2020, giảm 73% so với năm 2019. Các sân bay này bị ảnh hưởng đáng kể hơn so với các sân bay ngoài khối. Các sân bay nằm ngoài khối mất 400 triệu hành khách, giảm 61,9% so với cùng kỳ 2019.
Lưu lượng hành khách tại các sân bay Áo, Czech, Phần Lan, Hungary, Ireland, Slovenia và Slovakia đều giảm 90% so với cùng kỳ năm 2019. Trong khi các sân bay tại Pháp, Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Bulgaria đều tăng nhẹ so với mức trung bình của EU. Ngoài EU, lưu lượng hành khách tại Nga chỉ giảm 44,2% trong Quý 4/2020 so với cùng kỳ năm 2019.
Hàng không là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong đại dịch. Các biện pháp phong tỏa, lệnh cấm đi lại, đóng cửa biên giới và thời gian cách ly khiến nhiều chuyến bay của châu Âu tạm dừng, hoặc hoạt động với nhu cầu rất ít. Để tồn tại, các hãng hàng không và sân bay đã kêu gọi sự hỗ trợ của chính phủ nhiều hơn nữa. Một số hối thúc các nhà lãnh đạo nới lỏng các biện pháp phòng dịch, cho phép mọi người đi lại tự do hơn.
Olivier Jankovec , giám đốc ACI châu Âu, cũng không tin rằng mức hỗ trợ hiện tại là đủ và tin rằng không ngành công nghiệp nào có thể chống chọi được một cú sốc như Covid-19. Đến nay, chỉ có 2,66 tỷ USD được dành để hỗ trợ tài chính cho các sân bay ở châu Âu và con số này chỉ bằng 8% doanh thu mà các sân bay bị mất trong năm 2020.
Bên cạnh đó, nhiều người cũng thắc mắc về tình hình kinh doanh của các hãng bay cách đây 26 năm như thế nào, khi lưu lượng khách bằng với năm 2020. Khi đó, các hãng bay giá rẻ như EasyJet và Ryanair đều mới bắt đầu khởi nghiệp. Ngày nay, đội bay của EasyJet đã có hơn 300 tàu bay phục vụ các tuyến khắp châu Âu. Còn Ryanair của Ireland từ đội bay gồm 11 chiếc, nay vận hành hơn 470 máy bay và là một trong những hãng hàng không lớn nhất châu Âu. Khi đó, Air France và KLM có trụ sở tại Hà Lan vẫn chưa hợp nhất.
Ngoài Concorde, máy bay phản lực jumbo Boeing 747 đang thống trị bầu trời khi đó. Không có những chiếc A380 hay 787 Dreamliners, còn Boeing 777 chỉ mới ra mắt vào năm 1994 và vẫn đang tìm chỗ đứng trong ngành.
Theo CGTN