Ước tính của Tổ chức hoạt động vận tải hàng không (Air Transport Action Group – ATAG) cho thấy khoảng 4,8 triệu việc làm trong ngành đang gặp rủi ro do nhu cầu đi lại bằng đường hàng không giảm hơn 75% (số liệu tháng 8/2020 so với tháng 8/2019). Ảnh hưởng của việc đóng cửa biên giới và các biện pháp cách ly để ứng phó dịch Covid-19 đã khiến cho ngành hàng không sụp đổ, hàng loạt máy bay “nằm đất”, kéo theo khả năng sản xuất máy bay và cơ sở hạ tầng bị ngưng trệ.
IATA và ITF yêu cầu chính phủ thế giới liên tục kêu gọi các giải pháp hỗ trợ tài chính cho ngành hàng không, đồng thời triển khai hệ thống xét nghiệm toàn cầu cho hành khách trước khi khởi hành chuyến bay để có thể mở lại biên giới một cách an toàn mà không cần tới biện pháp cách ly.
Hàng không cần sự giúp đỡ khẩn cấp của chính phủ để ngăn chặn thảm họa việc làm. (Ảnh: sưu tầm)
“Ngành hàng không đang đối mặt với một thảm họa việc làm chưa từng có. Các hãng hàng không đã cắt giảm chi phí đến mức tận cùng, tiền mặt ước tính chỉ còn lại 8,5 tháng trong điều kiện hiện tại. Hàng chục ngàn việc làm đã mất, con số này có thể tăng lên hàng trăm ngàn nếu như chính phủ không hỗ trợ nhiều hơn về tài chính. Hàng không đóng vai trò thiết yếu trong việc kết nối các quốc gia và vận chuyển hàng hóa, và chính phủ chính là đối tượng được hưởng lợi nếu họ mang lại thêm các biện pháp viện trợ tài chính để duy trì sự tồn tại của ngành hàng không. Nhưng quan trọng hơn nữa, chính phủ thế giới cần hợp tác để cùng nhau mở lại biên giới một cách an toàn thông qua việc đưa ra kế hoạch xét nghiệm Covid-19 toàn cầu cho hành khách trước chuyến bay. Nếu thực hiện được, các biện pháp cách ly có thể được gỡ bỏ và hành khách có thể tự tin bay trở lại, ”Alexandre de Juniac, Tổng giám đốc kiêm Giám đốc điều hành của IATA cho biết.
“Ngành hàng không toàn cầu đang trong tình trạng khủng hoảng kéo dài. Vào cuối năm nay, gần 80% quỹ tiền lương trong kế hoạch sẽ cạn kiệt, và nếu không có sự can thiệp khẩn cấp từ phía chính phủ, chúng ta sẽ chứng kiến cuộc khủng hoảng việc làm lớn nhất trong lịch sử ngành hàng không. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng này có thể tránh được bằng một chiến lược phối hợp rõ ràng được xây dựng trên các biện pháp cứu trợ, phục hồi và cải cách. Hàng không thế giới đang kêu gọi các chính phủ hành động lập tức, cung cấp hỗ trợ tài chính nhằm đảm bảo việc làm và cam kết hợp tác với các tổ chức công đoàn và người sử dụng lao động để hỗ trợ tiến trình phục hồi dài hạn của ngành. Lao động hàng không là nguồn lực tay nghề cao đã, đang và sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc ứng phó và phục hồi Covid của các quốc gia. Nếu các chính phủ không hành động và hỗ trợ ngành hàng không, họ sẽ không chỉ làm tổn hại đến toàn ngành mà cả xã hội”, Stephen Cotton, Tổng thư ký ITF cho biết.
Ngoài việc mở lại biên giới bằng biện pháp xét nghiệm trước chuyến bay và hỗ trợ tài chính, hai tổ chức cũng kêu gọi các chính phủ xây dựng một lộ trình phục hồi dài hạn, bao gồm đầu tư vào đào tạo lại lực lượng lao động và nâng cao tay nghề; và công nghệ xanh, đặc biệt là bảo vệ môi trường, đặc biệt là nhiên liệu sinh học bền vững cho ngành hàng không.
Tuyên bố chung khẳng định: “Khả năng và tốc độ phục hồi từ Covid-19 của các quốc gia liên quan chặt chẽ đến việc khôi phục kết nối hàng không toàn cầu. Sự can thiệp và đầu tư của chính phủ không chỉ hỗ trợ cho ngành vận tải hàng không mà còn đảm bảo việc hỗ trợ đưa thế giới trở lại bình thường sau đại dịch.”
Theo IATA
Nguyen Xuan Nghia – COMM