Jeju Air, Jin Air Co., T’way Air Co. và nhiều hãng hàng không giá rẻ khác đã nỗ lực vượt qua một đợt suy yếu trầm trọng kéo dài suốt bốn năm qua do kinh tế toàn cầu giảm tốc, doanh số vé ảm đạm trên các chặng bay đến các thành phố của Nhật Bản và tác động của đại dịch COVID-19.
Công ty đầu tư tài chính IBK Investment & Securities Co. nhận định với sự gia tăng vốn của các hãng và sự phục hồi tiềm năng của các chuyến bay quốc tế, ba hãng hàng không giá rẻ nói trên đang bước vào một giai đoạn cơ hội mới sau khi vượt qua một thời kỳ tồi tệ hơn.
IBK cho biết, các hãng hàng không này được dự đoán sẽ “lội ngược dòng” khi nhu cầu đi lại quốc tế được cho là sẽ vẫn ở mức cao đến cuối năm 2023.
Máy bay của hãng hàng không giá rẻ Jeju Air. (Ảnh: Reuters).
Các hãng hàng không giá rẻ của Hàn Quốc đã và đang mở rộng dịch vụ bay quốc tế sau khi các quy định giới hạn liên quan đến dịch COVID-19 được nới lỏng ở cả trong và ngoài nước.
Jeju Air đã phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) tại Hàn Quốc vào năm 2014, còn Jin Air và T’way Air đã lần lượt “lên sàn” vào tháng 12/2018 và tháng 8/2018.
Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát tại Hàn Quốc vào đầu năm 2020, ba hãng hàng không này đã nhận được lượng vốn khẩn cấp tổng cộng lên đến 1.100 tỷ won (875 triệu USD) trong nỗ lực nhằm duy trì hoạt động.
IBK dự đoán Jeju Air sẽ phục hồi mạnh mẽ vào năm tới, với doanh thu có thể tăng hơn gấp đôi lên 1.600 tỷ won, và lợi nhuận hoạt động kinh doanh được dự đoán đạt khoảng 150 tỷ won.
Trong khi đó, Jin Air, công ty con vận hàng mảng hàng không giá rẻ của hãng hàng không Korean Air Lines Co, được dự đoán sẽ có lãi từ quý IV năm nay, với doanh thu từ các chuyến bay quốc tế tăng mạnh từ 276 tỷ won năm nay lên khoảng 821 tỷ won năm 2023.
T’way Air cũng được dự đoán sẽ có lãi từ quý cuối cùng của năm nay nhờ doanh thu gia tăng từ các chặng bay quốc tế và sẽ ghi nhận lợi nhuận hoạt động kinh doanh cao kỷ lục trong năm tới.
Theo TTXVN