Các hãng hàng không thế giới tìm cách vượt qua khủng hoảng Covid-19

Ngày 16/7, hãng hàng không United Airlines của Mỹ và nghiệp đoàn phi công của hãng đã đạt được thỏa thuận nhằm giảm số nhân viên buộc phải cắt giảm vào mùa Thu năm nay và đảm bảo duy trì số phi công làm việc khi nhu cầu đi lại tăng sau cuộc khủng hoảng do dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Hãng United Airlines và Hiệp hội phi công hàng không quốc tế (ALPA) đã nhất trí về 2 gói hỗ trợ bao gồm thỏa thuận nghỉ hưu sớm đối với các phi công ở độ tuổi từ 62 tuổi trở lên và gói lựa chọn khác nhau cho phép phi công tự nguyện giảm giờ làm hoặc nghỉ làm nhưng có thể nhận được các trợ cấp y tế, cũng như tiếp tục được tập huấn với chi phí do United Airlines chi trả. 

Chủ tịch ALPA Todd Insler cho biết thỏa thuận trên có những điều khoản mang tính đột phá nhằm đưa ra lựa chọn cho các phi công để họ duy trì năng lực làm việc khi nhu cầu đi lại của hành khách tăng trở lại. Tuần trước, hãng hàng không có trụ sở tại Chicago này thông báo dự kiến giảm 36.000 nhân viên làm việc tại Mỹ, khoảng 45% nhân viên của hãng, trong đó có 2.250 phi công.

alt textCác máy bay của United Airlines tại Sân bay Liên lục địa George Bush ở Houston, Texas. (Ảnh: Reuters).

Các hãng hàng không của Mỹ, vốn đang chật vật vì lợi nhuận sụt giảm mạnh do Covid-19, cảnh báo nguy cơ hàng chục nghìn việc làm bị cắt giảm khi gói cứu trợ trị giá 32 tỷ USD của Chính phủ Mỹ cho ngành hàng không hết hiệu lực vào tháng 9 tới. 

Trong khi đó, nhiều hãng hàng không lớn đang đề xuất các gói khuyến khích nghỉ hưu sớm nhằm hạn chế cắt giảm nhân viên. Nhìn chung, nhiều hãng hàng không miễn cưỡng cho phép phi công nghỉ làm do việc đào tạo và đưa phi công trở lại với công việc sẽ tốn nhiều thời gian và chi phí. 

Cũng do đại dịch Covid-19 tác động đến nhu cầu hàng không thế giới, hãng hàng không British Airways của Anh ngày 17/7 thông báo sẽ ngừng khai thác toàn bộ máy bay Boeing 747 “Jumbo Jet” trong đội tàu bay của hãng. Với 31 chiếc máy bay Jumbo, hãng British Airways hiện vận hành nhiều máy bay thuộc dòng này hơn các hãng hàng không khác.

Tháng 5 vừa qua, công ty IAG – chủ sở hữu hãng British Airways – thông báo lỗ ròng 1,68 tỷ euro (1,8 tỷ USD) trong 3 tháng tính đến cuối tháng 3 vừa qua. Hãng hàng không của Anh cũng vừa công bố kế hoạch giảm 12.000 nhân viên. 

Tương tự như nhiều hãng hàng không khác trên thế giới, hãng hàng không Cathay Pacific của Hong Kong (Trung Quốc) cũng thiệt hại nặng nề vì nhu cầu hàng không toàn cầu sụt giảm trong thời gian đại dịch. Trong một tuyên bố ra cùng ngày, hãng này dự báo sẽ chịu khoản thua lỗ lịch sử lên tới 9,9 tỷ HKD (1,3 tỷ USD) trong nửa đầu năm 2020, so với mức lợi nhuận ròng 1,3 tỷ HKD trong cùng kỳ năm ngoái. Theo Cathay Pacific, số hành khách trong tháng 6 vừa qua giảm 99,1% so với cùng kỳ năm 2019.

Nguồn TTXVN

Spirit Vietnam Airlines
Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.