Kiểm tra an ninh hàng không tại sân bay quốc tế Nội Bài
Bộ GTVT, Công an và Quốc phòng đánh giá nguy cơ uy hiếp an ninh, an toàn hàng không (Ảnh: Báo Giao thông).
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Phó Trưởng ban Thứ nhất Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố quốc gia, Chủ tịch Ủy ban An ninh hàng không dân dụng Quốc gia tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020.
Phó Thủ tướng giao các Bộ GTVT, Công an và Quốc phòng, căn cứ chức năng nhiệm vụ của mình, nghiêm túc thực hiện công tác đánh giá nguy cơ rủi ro uy hiếp an ninh, an toàn hàng không theo quy định của pháp luật, hướng dẫn của ICAO và các văn bản phối hợp liên ngành; Tích cực chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp, trao đổi, xử lý thông tin liên quan để nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo an ninh, an toàn hàng không, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn và ứng phó kịp thời các tình huống khẩn nguy có thể xảy ra.
Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT trong việc thành lập Công ty TNHH MTV An ninh hàng không theo đúng quy định pháp luật; bảo đảm tinh, gọn, hiệu lực và hiệu quả.
Vi phạm quy định sử dụng tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ có thể bị xử lý hình sự
Tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ đang bị lạm dụng, trở thành mối đe dọa uy hiếp an ninh, an toàn của hoạt động hàng không dân dụng (Ảnh: Báo Giao thông).
Phó Thủ tướng giao Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ GTVT, các bộ, ngành liên quan khảo sát, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về quản lý tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ; đồng thời, chủ động rà soát, đề xuất bổ sung các chế tài mạnh, đủ tính răn đe (đưa vào xử lý ở mức hình sự) đối với các vi phạm của loại hình này để ngăn chặn hiệu quả các vi phạm pháp luật trong công tác quản lý tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, bảo đảm tuyệt đối quốc phòng và an ninh Quốc gia, trật tự và an toàn hàng không trong mọi tình huống.
Bộ Quốc phòng sớm trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung, thay thế Nghị định 36/2008/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý tàu bay không người lái, các phương tiện bay siêu nhẹ phù hợp tình hình thực tiễn.
Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan sớm triển khai nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp quốc gia về làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo hệ thống kiểm soát tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ để bảo đảm an toàn cho hoạt động hàng không dân dụng.
UBND các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật về sử dụng, quản lý hoạt động của các phương tiện bay không người lái.
Thực tế, do đặc điểm gọn nhẹ, dễ vận chuyển, dễ điều khiển, dễ chế tạo, lắp ráp, sử dụng, có thể hoạt động trong các điều kiện môi trường mà con người khó có thể tiếp cận, giá thành rẻ, lại được quản lý chưa chặt chẽ nên tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ cũng đang bị lạm dụng, trở thành mối đe dọa uy hiếp an ninh, an toàn của hoạt động hàng không dân dụng.
Xử nghiêm, hiệu quả hành vi trộm cắp trên tàu bay
Rất nhiều kẻ gian trà trộn trộm cắp hành lý của hành khách đi máy bay (Ảnh: Báo Giao thông).
Về công tác phối hợp quản lý hành khách bị từ chối nhập cảnh; tình trạng trộm cắp tài sản, hành lý trên tàu bay, Phó Thủ tướng giao Bộ Công an phối hợp Bộ GTVT rà soát, nghiên cứu, bảo đảm xác định rõ cơ quan chịu trách nhiệm quản lý hành khách bị từ chối nhập cảnh.
Theo Phó Thủ tướng, cần có biện pháp giải quyết những trường hợp bị từ chối nhập cảnh trong thời gian sớm nhất, phù hợp các quy định pháp luật Việt Nam và yêu cần của ICAO về quy trình vận chuyển hành khách trên toàn cầu, đồng thời đảm bảo quyền nhân thân của hành khách cũng như các yêu cầu an ninh, chính trị của Việt Nam.
Bộ Công an và Bộ GTVT cũng cần chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp các đơn vị liên quan của ngành hàng không xây dựng phương án, kế hoạch đấu tranh hiệu quả với tình trạng trộm cắp tài sản hành lý của hành khách đi tàu bay.
Theo: Báo Giao thông
Nguyen Mai Huong-COMM