Ấn Độ: Thiên đường của các nữ phi công

Là một nước nổi tiếng nặng nề tư tưởng trọng nam khinh nữ nhưng Ấn Độ lại đang vượt mặt các nước phương Tây…

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Là một nước nổi tiếng nặng nề tư tưởng trọng nam khinh nữ nhưng Ấn Độ lại đang vượt mặt các nước phương Tây trở thành quốc gia có tỉ lệ nữ phi công cao nhất trên thế giới. Nữ phi công Ấn Độ còn được ưa chuộng và ưu ái không kém gì các nam đồng nghiệp.

Chế độ đãi ngộ chỉ Ấn Độ mới có

Ấn Độ đang sở hữu tỉ lệ nữ phi công thương mại cao nhất trên thế giới (12%). Con số này cao gấp 2 lần so với hầu hết các nước phương Tây, bao gồm cả Mỹ và Australia. Theo Hiệp hội Nữ Phi công Hàng không quốc tế, cả thế giới có chưa đầy 5% phi công là phụ nữ.

Bên cạnh đó, lương phi công tại Ấn Độ được trả dựa trên thâm niên và giờ bay theo thỏa thuận của công đoàn, đặc biệt, nghề này là một trong số hiếm những nghề tại Ấn Độ không xảy ra tình trạng lương phân biệt theo giới tính.

Lương khởi điểm bao gồm trợ cấp bay cho phi công từ 25.000 – 47.000 USD/năm tùy thuộc vào hãng hàng không cũng như loại máy bay. Mức lương này tương tự như lương khởi điểm của luật sư và kiến trúc sư.

Hơn nữa, nữ phi công còn được hưởng các chế độ đãi ngộ “có một không hai”. Chẳng hạn, tại Hãng hàng không IndiGo, có khoảng 13% phi công là nữ.

Công ty có chế độ cho phép nhân viên nghỉ việc trong ngày “đèn đỏ” hay cũng tạo điều kiện cho nữ phi công mang thai tạm thời chuyển sang làm việc văn phòng và nhận mức lương tương đương với số tiền họ được hưởng khi bay.

Tại SpiceJet, hãng có khoảng 12% phi công là nữ và đặt mục tiêu tăng lên 33% trong vòng 3 năm tới. Công ty còn có chính sách đảm bảo an toàn cho phụ nữ. Đó là cung cấp dịch vụ đón/trả nhân viên từ 18 – 6h sáng. Nữ nhân viên sẽ được một bảo vệ có vũ trang là nam giới đi cùng, ngăn chặn những thảm kịch hiếp dâm xảy ra tràn lan tại Ấn Độ.

Cô Shweta Singh vượt rào cản xã hội và trở thành phi công của hãng Jet Airway.

Một trong những lý do có thể đã giúp Ấn Độ đạt tỉ lệ cao về phi công nữ đó là nhu cầu tuyển dụng phi công trong ngành Hàng không đang tăng rất cao. Tập đoàn sản xuất máy bay Boeing ước tính, ngành Hàng không thế giới cần 790.000 phi công mới trong vòng 20 năm nữa, gấp đôi nhân lực hiện tại giữa bối cảnh nhu cầu đi lại bằng đường hàng không đang tăng cao.

Trong đó, Ấn Độ là thị trường hàng không phát triển nhanh nhất với công suất nội địa tăng 22% chỉ trong nửa đầu năm nay. Chính vì vậy, các hãng hàng không đang đối mặt với áp lực thiếu nhân sự nặng nề. Và tuyển dụng phụ nữ là cách rõ ràng nhất giúp khắc phục vấn đề thiếu hụt này.

Nỗ lực vượt rào cản xã hội

Dù vậy, để phụ nữ có thể bước chân vào nghề phi công là điều không đơn giản. Họ thực sự phải có tinh thần mạnh mẽ và quyết tâm cao để đối phó với những tư tưởng gia trưởng, “trọng nam khinh nữ” đã ăn sâu vào xã hội Ấn Độ.

Giáo sư về lịch sử và giới tính học tại Đại học Indiana – bà Maria Bucur khẳng định, còn nhiều rào cản xã hội xung quanh việc tuyển dụng phụ nữ vào ngành Hàng không. “Những đòi hỏi từ khi đào tạo đến lúc phấn đấu trở thành phi công buộc phụ nữ phải lựa chọn đi ngược lại hầu hết những định kiến về giới trong xã hội, nhất là khi phụ nữ đến tuổi sinh đẻ”, bà Bucur chia sẻ.

Câu chuyện của cô Shweta Singh trên con đường hiện thực hóa giấc mơ bay là điển hình cho những rào cản khắt khe trong xã hội Ấn Độ mà nhiều người như cô phải trải qua khi muốn trở thành phi công.

Nhớ lại lúc bắt đầu bước chân vào nghề từ 20 năm trước, Shweta Singh cho biết, thời điểm đó vô cùng khó khăn. “Phi công là nghề chủ yếu do nam giới đảm nhiệm và rất khó để có thể lách chân vào”, cô nói.

Trở ngại đầu tiên cô phải đối mặt không phải là những khó khăn trong công việc mà làm sao thuyết phục bố mẹ cho cô đi theo công việc mà xã hội Ấn đánh giá là “bất thường” đối với phụ nữ. Sau đó, cô tiếp tục phải đối mặt với những ánh mắt không mấy thiện cảm từ các đồng nghiệp nam khi làm việc trong cùng buồng lái.

Tuy nhiên, Singh khẳng định, nhiều năm trở lại đây, xã hội Ấn Độ dần thay đổi, hiện nay mọi người dễ chấp nhận phụ nữ làm nghề này hơn. Đồng thời, ngày càng có nhiều phụ nữ ở đất nước đông dân thứ 2 thế giới dám “ôm giấc mơ bay”.

Theo báo Giao thông

Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.