Xin chào anh Thương và anh Huyên! Cảm xúc của hai anh thế nào khi lọt vào top 5 xuất sắc của Gamification VHAT 2022?
Anh Thương:
Bản thân tôi lần thứ 2 tham gia cuộc thi với mong muốn vừa học tập vừa chơi thông qua game, lần này được lọt vào vòng chung kết thực sự là một bất ngờ và thú vị. Cảm gác đặc biệt tự hào hơn nữa vì cả đơn vị VIAGS chúng tôi có 3/5 người cùng vào vòng chung kết và đều nhận được động viên khuyến khích rất lớn ngay từ các vòng đầu của Lãnh đạo Công ty, Lãnh đạo Chi nhánh. Tôi cho đó là tinh thần ham học hỏi đồng thời cũng rất “ham chơi” của VIAGS!
Anh Huyên:
Đối với tôi, cho đến giờ tôi vẫn rất bất ngờ, vui mừng và phấn khởi khi lọt vào top 5, sau đó thì lo lắng và hồi hộp vì vòng chung kết là vòng thuyết trình mà còn thuyết trình tại Hội Nghị An toàn trước tất cả lãnh đạo cấp cao của TCT nên có chút hồi hộp.
Trải qua các vòng thi Gamification VHAT 2022, hai anh ấn tượng nhất điều gì?
Anh Thương:
Trải qua các vòng thi, tuy là chơi nhưng điều ấn tượng nhất của tôi là cảm giác áp lực thú vị khi chạy đua cùng thời gian (nhanh nhất) và lựa chọn (đúng nhất). Ấn tượng vì cách sắp xếp các câu hỏi, cách thức chơi “biến hóa” qua các vòng làm cho người chơi buộc phải thật sự tập trung và nắm chắc mới vượt qua được!
Anh Huyên:
Đó là câu hỏi trắc nghiệm ở vòng 3 (có hình ảnh kèm theo). Quá trình đánh giá rủi ro an toàn thực chất nhằm xác định: Câu trả lời đúng là: Hai yếu tố cấu thành rủi ro an toàn. Tuy nhiên. Dựa vào “Tặng phẩm: Nhắc đáp án trả lời đúng” của chương trình thì lại là đáp án sai. Do đó ta có thể thấy bất cứ cái gì mà làm bởi con người thì sẽ có sai số, rủi ro, cho dù là trong cuộc thi về an toàn.
Vậy còn điều gì thôi thúc các anh tham gia Gamification VHAT 2022 và đạt được thành tích ấn tượng khi trở thành 1 trong 5 người dự Hội nghị và thuyết trình? Đặc biệt các câu hỏi trắc nghiệm trong các vòng được xem là không hề dễ với kiến thức khá rộng?
Anh Thương:
Tôi cho rằng mình may mắn hơn đa phần các người chơi khi lọt vào vòng cuối. Học tập, thực hành an toàn là công việc hàng ngày nên chơi game để hiểu thêm văn hóa an toàn với bản thân là điều rất thú vị.
Hơn nữa với vai trò phụ trách bộ phận Phục vụ Sân Đỗ, tôi thấy mình có trách nhiệm khuyến khích toàn thể anh chị em cùng tham gia vì kiến thức dễ tiếp thu và nhớ lâu hơn khi “đua” cùng trò chơi. Có thể nói kiến thức cần để trả lời là khá rộng nhưng bên cạnh đó TCT cũng đã có một thư viện VHAT đầy đủ dữ liệu để nghiên cứu và trả lời.
Anh Huyên:
Tôi nghĩ rằng, tham gia Gamification VHAT CBNV không những có thêm kiến thức về VHAT mà còn có phần thưởng, tuy nhiên việc vào đến vòng chung kết thì thật sự là rất bất ngờ. Các câu hỏi trong các vòng thi khá là khó nhưng nhờ vào các “Tặng phẩm” trong từng vòng thi đã giúp tôi trả lời đúng hết các câu hỏi trắc nghiệm. Đó là một trải nghiệm thú vị.
Tại Vòng 5 “Tự tin tỏa sáng” hai anh đã thuyết trình về chủ đề gì và điều gì để anh lựa chọn nội dung đó?
Anh Thương:
Tại bài luận ở vòng 4 và là cơ sở để thực hiện vòng 5, chủ đề tôi lựa chọn là nói về “Nhân tố con người” đơn giản vì tôi nhận thấy triết lý “Con người là một phần của vấn đề và cũng là một phần của giải pháp” trong khóa học “Human Factor” là phù hợp với người làm việc tuyến trước như chúng tôi.
Anh Huyên:
Tôi chọn chủ đề thuyết trình ở vòng chung kết là nêu các giải pháp mang tính thực tiễn để thực thi Chính sách An toàn – Chất lượng nêu trên nhằm mục tiêu VHAT đạt mức 5 – Tiên tiến (Generative) vào năm 2025.
Và theo góc nhìn, quan điểm của một người nhân viên như tôi thì tôi nghĩ yếu tố con người là quan trọng nhất để thúc đẩy VHAT đạt mức 5.
Quay trở lại với câu chuyện VHAT tại đơn vị. Vậy tại VIAGS, câu chuyện về VHAT được triển khai sâu rộng như thế nào?
Anh Thương:
Với chúng tôi an toàn là câu chuyện trong tất cả các hoạt động thường ngày, là một phần rất lớn trong mỗi một suy nghĩ và hành động của toàn thể CBNV. Điều này đã cụ thể hóa trong hệ thống tài liệu, nhất là 08 nguyên tắc an toàn của VIAGS, là cơ sở để tôi liên hệ thực tiễn trong bài thuyết trình của mình. Và thực tế, qua số liệu thống kê cuộc thi, có thể khẳng định 100% CBNV VIAGS chúng tôi đều tích cực tham gia vào cuộc thi tìm hiểu VHAT.
Anh Huyên:
VHAT được triển khai sâu rộng trong VIAGS. Tại VIAGS còn có 8 nguyên tắc an toàn và toàn bộ CBNV đều biết về nó. Với số lượng người tham gia cao nhất trong cuộc thi đã thể hiện sự quan tâm của CBNV trong toàn VIAGS đối với VHAT.
Là một trong những cán bộ tuyến trước dự thi và lọt vào vòng cuối cùng, anh muốn truyền tải điều gì về VHAT đến các anh chị em đồng nghiệp?
Anh Thương:
Điều tôi muốn truyền tải cũng chính là điều tôi gửi gắm qua bài dự thi, đó là: việc học tập nhằm nâng cao trình độ nhận thức về VHAT là việc làm thường xuyên của tất cả mọi người vì có như vậy chúng ta mới cập nhật đầy đủ kiến thức về an toàn, có nhận thức đúng và hành động đúng.
TCT chúng ta luôn xem “con người là tài sản quý giá nhất” thì việc đạt mức văn hóa “tiên tiến” vào năm 2025 là hoàn toàn khả thi với các mục tiêu, chính sách và giải pháp thực thi VHAT đã đề ra.
Anh Huyên:
Tôi muốn truyền thông đến tất cả CBNV trong VIAGS cũng như toàn thể TCT rằng: rủi ro luôn luôn quanh ta ngay trong công việc cũng như cuộc sống hàng ngày. Vì vậy mọi người khi làm bất cứ điều gì cũng phải nghĩ tới an toàn đầu tiên để đảm bảo an toàn cho chúng ta và cho tất cả.
Là một nhân viên vệ sinh máy bay tôi đã tham gia và thi VHAT đến vòng chung kết, tôi làm được thì mọi người cũng sẽ làm được. Hãy luôn nghĩ đến an toàn và thực hiện mọi công việc được an toàn, cùng nhau chúng ta sẽ xây dựng nên một VHAT “Tiên Tiến”.
Xin cảm ơn và chúc mừng hai anh. Xin chúc VIAGS luôn là đơn vị đi đầu trong phát triển VHAT lên mức “Tiên tiến” của VNA.