[Valentine] OCC – mảnh đất của tình yêu

“Khi một tâm hồn mở ra để đón tình yêu thì bỗng dưng có hàng ngàn cách để biểu lộ tình yêu ấy, khi hai người yêu nhau, họ không nhìn nhau mà họ cùng nhìn về một hướng” và ở “mảnh đất” Trung tâm điều hành khai thác (OCC), có những tình yêu đã được đơm hoa kết trái, đã được nhân lên bội phần khi họ là đồng nghiệp, là vợ chồng cùng nhìn về một hướng.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Cặp đôi số 1: Anh Trần cẩm Tú (Trực ban trưởng) – chị Trần Thị Kim khánh (Chuyên viên)

Làm việc tại VNA, gắn bó với nhau có thể là hơn cả 8 tiếng mỗi ngày chính là cái nôi để “kết tóc se tơ” cho những ai chưa có đôi. Và mối duyên ấy đã đến với anh Trần Cẩm Tú và chị Trần Thị Kim Khánh, những đồng nghiệp đặc biệt của OCC.

alt text
Cả gia đình cùng nhau đi du lịch Quy Nhơn năm 2018. (Ảnh: NVCC)

Hơn ¼ thế kỷ về chung một nhà với bao sẻ chia từ công việc cho đến gia đình, chị Khánh không thể quên được kỷ niệm năm 2014 khi anh Tú tham gia đoàn của TCT đưa người lao động Việt Nam từ Lybia về nước. “Sau chuyến bay của TCT chở người Việt Nam từ Vũ Hán về nước, tôi lại nhớ tới chuyến công tác của anh Tú khi tham gia đoàn của TCT đưa người lao động Việt Nam từ Lybia về nước năm 2014. Lúc đó, chiến sự xảy ra tại vùng Trung Đông, Chính phủ đã tin tưởng giao VNA lập cầu hàng không sơ tán người lao động tại Lybia về nước. Người thân đi vào vùng chiến sự, mặc dù rất lo lắng nhưng mình không dám thổ lộ để anh yên tâm lên đường làm nhiệm vụ. Khi chuyến bay cuối cùng hạ cánh, trong niềm vui chung được đón người lao động về nước, đồng nghiệp đi cùng chuyến bay thì có cả niềm vui riêng đón anh trở về nữa” – chị Khánh xúc động nhớ lại ký ức đẹp đó.

alt text
Cả gia đình cùng sum họp là điều tuyệt vời nhất đối với chị Khánh. (Ảnh: NVCC)

Với đặc thù công việc có phần “lệch pha”, chị Khánh làm giờ hành chính còn anh Tú là Trực ban trưởng – công việc ca kíp nên những ngày lễ Tết hầu như không có ngày nghỉ. Khi gia đình sum họp là lúc anh Tú lên đường làm nhiệm vụ, đi trực thực xuyên nhưng đó cũng là điều kiện để hai anh chị đồng cảm, tin tưởng “cơm sôi bớt lửa” giữ gìn hạnh phúc gia đình, làm cho gia đình luôn là “nơi mong đến, chốn muốn về”.

Đồng cảm, thấu hiểu nhưng luôn chia sẻ thẳng thắn, anh chị cũng có những màn tranh luận “không nhân nhượng” mỗi khi thảo luận về chuyên môn, về công việc. “Nhiều khi mất cả buổi để tra cứu tài liệu, hỏi thêm ý kiến chuyên gia. Những lúc như vậy còn có sự tham gia của các con, tạo niềm đam mê, yêu nghề cho các bạn trẻ”, chị Khánh hào hứng nói.

Trong những ngày diễn ra dịch viêm phổi virus COVID-19, chị cũng không quên căn dặn anh Tú và các con tìm hiểu thông tin, chia sẻ hướng dẫn cụ thể từ TCT để đảm bảo sức khỏe và nỗ lực cùng TCT vượt qua giai đoạn khó khăn.

“Đã đi cùng nhau suốt chặng đường dài, hơn ¼ thế kỷ nên tôi tin là chỉ cần ánh mắt và trái tim đã đủ thay lời muốn nói”, chị Khánh hạnh phúc nhắn gửi tới “một nửa yêu thương” của mình.

Cặp đôi số 2: Anh Đinh Văn Hoà – Chị Trần Thị Lan Phương, chuyên viên OCC

Có lẽ câu chuyện cô thực tập sinh và anh chuyên viên hướng dẫn sẽ luôn là đề tài hấp dẫn cho những bộ phim tình cảm lãng mạn. Và tại OCC, thước phim ấy đã mang đến một “happy ending” đối với anh Hoà và chị Phương.

Bén duyên với nhau khi “Bà xã thực tập tại phòng anh (khi đó anh làm trên sân bay NBA – Phòng Điều hành khai thác Nội Bài Ban Điều hành bay – tiền thân của OCC bây giờ). Qua trao đổi học hỏi và các buổi dã ngoại của đơn vị, hai anh chị có cơ hội nảy sinh và phát triển tình cảm”, anh Hoà nhớ lại cuốn “nhật ký” tình yêu của mình.

alt text
Anh luôn nắm tay chị trên mọi hành trình. (Ảnh: NVCC)

Cô thực tập năm xưa nay đã là chuyên viên vàm việc tại Phòng Quản lý khai thác bay, còn chàng trai năm ấy cũng là chuyên viên đang làm việc tại OCC và một thời gian anh là Sup Điều phái, đi biệt phái ở K6 (Campuchia). Đây cũng là thời điểm để tình yêu của hai anh thêm nhiều trải nghiệm, ngày càng đậm nét hơn.

Được sự tín nhiệm của Ban Giám đốc OCC, anh Hoà được cử đi biệt phái làm nhiệm vụ tại một quốc gia khác và để chồng yên tâm công tác, cống hiến cho K6 nói riêng và TCT nói chung, là người vợ chị Phương cố gắng thu xếp thời gian hợp lý để vừa đảm bảo công việc chuyên môn tại Phòng Quản lý khai thác bay, vừa sắp xếp thời gian để chăm sóc hai con và mẹ chồng. Những ngày ấy, chị chia sẻ với các con về công việc của bố mẹ và công việc đi biệt phái của bố để cùng mẹ cố gắng phấn đấu học tập tốt và sắp xếp việc gia đình. Trong thời gian này cũng là thử thách với bản thân chị nhưng không phải là khó khăn vì chị nghĩ cố gắng hết mình để chồng có thể phục vụ cho TCT cũng là niềm vui hạnh phúc của bản thân và gia đình.

Chị Phương vẫn nhớ mãi ký ức thời gian anh đi biệt phái là thời điểm Hà Nội có dịch sốt xuất huyết rất nhiều người mắc phải, và không may là cả hai con đều bị sốt. Một mình chị ở nhà vừa đưa con đi viện khám và điều trị tại nhà vừa đảm bảo thời gian đi làm, tinh thần rất lo lắng nhưng may mắn đúng dịp Quốc Khánh 2/9 chồng xin phép về được 2 ngày đã hỗ trợ và động viên tinh thần cho cả mẹ và con. Các con cũng vui hơn và nhanh khỏe hơn, chị Phương nhớ lại.

alt text
alt text
alt text
alt text
alt text

Anh Hòa đồng hành cùng vợ trên mọi chuyến đi, từ chuyến đi gia đình đến những chuyến đi do phòng chị tổ chức, trở thành mỹ nam duy nhất của đoàn. (Ảnh: NVCC).

Làm cùng đơn vị, anh chị có nhiều điều kiện để đi công tác và nghỉ dưỡng cùng nhau cũng như với các anh chị em cùng phòng và Trung tâm, được đi cùng với nhau đến nhiều nước. Anh hay đi du lịch với phòng chị và trở thành mỹ nam duy nhất của đoàn. “Luôn đồng hành cùng vợ và các chị em trên các chuyến đi” là lời muốn nói của chị Phương gửi đến “anh xã” trong ngày 14/2 này và chị cũng không quên nhắn nhủ các đồng nghiệp VNA bình tĩnh, tự tin, giữ gìn sức khỏe cho bản thân và cho gia đình, cùng vượt qua giai đoạn khó khăn của dịch viêm phổi cấp và tận hưởng tinh thần ngày 14/2 đầy ý nghĩa.

Cặp đôi số 3: Anh Trần Mạnh Hùng Phó phòng Điều hành – Chị Lê Thị Thảo, Đội trưởng Trung tâm Chăm sóc khách hàng – SABRE

Nàng – cô sinh viên dạy thêm ngoại ngữ đã “va phải” chàng trai năm ấy ở một trung tâm tiếng Anh. Đến tận bây giờ, “khi hai ta đã về chung một nhà, khép đôi mi cùng một giường”, hai anh chị không nhớ nổi là anh làm quen trước hay chị làm quen trước nữa. “Sau này khi CNMB bắt đầu thành lập (1996), anh giới thiệu chị thi tuyển. Chị bắt đầu làm việc cho VNA từ CNMB” – Chị Thảo nhớ lại.

alt text
alt text

Gia đình điểm 10 của anh chị với đủ nếp đủ tẻ. (Ảnh: NVCC).

Gắn bó với nhau hơn 20 năm, chị Thảo vẫn không thể quên về đám cưới năm 1998 – khi nền kinh tế rơi vào khủng hoảng. “Khi ấy, hai anh chị cùng vượt qua giai đoạn khó khăn của khủng hoảng kinh tế, TCT cắt giảm lương (5% lương hàng tháng) trong gần 9 tháng, nhưng với tình yêu chín muồi hai anh chị vẫn quyết tâm tổ chức đám cưới vào cuối năm 1998” – chị Thảo nhớ lại.

Những câu chuyện và bí kíp giữ gìn hạnh phúc với chị Thảo không có gì to tát. Đó là những chia sẻ chân thành để mỗi người phát huy tốt nhất công việc, vun vén cho gia đình.

alt text
Mối duyên từ trung tâm tiếng Anh đến làm việc cùng ngành đã gắn bó hai anh chị với nhau hơn 1/4 thế kỷ. (Ảnh: NVCC).

Nói về những màn phối hợp “tác chiến” chăm sóc gia đình khi công việc của anh Hùng làm ca kíp và đi công tác nhiều, chị thường “ưu tiên” anh không phải chăm sóc con nhỏ mà việc đó sẽ “ưu tiên” cho chị và bác giúp việc. Có lần con bé ốm phải đi viện gấp trong đêm, khi anh đi vắng thì chị và bác giúp việc sẽ phối hợp “tác chiến”. “Cá biệt có lần cả hai vợ chồng cùng đi vắng bận, mà con bé ốm thì bác giúp việc sẽ tự đưa đi khám, thậm chí còn nợ được tiền phòng khám để trả sau. Mọi người đều nói chị may mắn, có “cung nô bộc” tốt”, chị nói. Dù công việc bận rộn như vậy nhưng việc hỗ trợ con khi học, khi gặp những bài toán hay tiếng Anh khó, hoặc khi hoạch định con đường học hành cho các con thì anh chị không hề lơ là bởi đó là tương lai của con và đôi khi chị “ưu tiên” phần lớn cho anh.

alt text
Chị Thảo nhắn nhủ tới các đồng nghiệp cùng vững tâm, đồng lòng vượt qua thử thách

Năm nay, dịch viêm phổi cấp do virus COVID-19 gây ra đang bùng phát dữ dội, công việc của anh chị lại càng áp lực hơn. Nhân viên chăm sóc khách hàng phải làm tăng cường, lượng cuộc gọi và email của khách hàng gấp đôi ngày thường (Có ngày Trung tậm CSKH nhận tới 10 000 cuộc gọi đến), chị Thảo chia sẻ, để thấy được sự nỗ lực không nhỏ của bộ phận khi dịch bệnh bùng phát.

Còn đối với anh Hùng, công việc yêu cầu anh đến văn phòng hoặc điều hành qua điện thoại bất kể cuối tuần hay ngoài giờ để ứng phó kịp thời đối với việc khai thác các đường bay bị ảnh hưởng bởi dịch Corona. Thậm chí phải trực qua đêm ở văn phòng, gần đây nhất là khi chuẩn bị cho chuyến bay đặc biệt giải cứu những đồng bào đang mắc kẹt tại Vũ Hán – tâm dịch, ngày 9/2 vừa qua của TCT.

Dù khó khăn là vậy, nhưng anh chị đều cảm thấy may mắn vì có vợ/chồng cùng làm trong ngành nên có sự đồng thuận, đồng lòng và hậu thuẫn lớn nhất.

“Năm 2020 là năm khó khăn, hi vọng mọi người cùng đồng lòng để cùng nhau vượt qua khó khăn, thử thách này. Dù là tuyến trước hay tuyến sau, cấp trên hay cấp dưới, có sự đồng lòng khi thực hiện sứ mệnh của VNA và hướng tới khách hàng thì chắc chắn là chúng ta sẽ mau chóng vượt qua thử thách” – khi được hỏi muốn nhắn nhủ điều gì nhân ngày Lễ tình nhân, chị Thảo cười nói chỉ muốn gửi gắm chút lời động viên, chia sẻ đến các đồng nghiệp của mình, còn “anh Hùng sẽ để nhắn riêng”.

Spirit Vietnam Airlines
Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.