Theo chàng về dinh ngay từ năm thứ hai đại học
Gắn bó cùng nhau từ nhỏ bởi hai gia đình vốn thân thiết, với chị Kim Huyền, anh Thanh Tùng như một người anh trong nhà. “Đến năm cấp ba, mình vẫn chưa nảy sinh bất kỳ tình cảm nào khác với anh dù cả hai đã được bố mẹ hai bên hứa hôn ngay từ khi còn bé. Anh ngang tuổi với anh trai của mình nên trong suy nghĩ của cả hai, mình giống như một đứa em út hơn. Có lẽ cũng bởi tính cách của anh ấy là người ít nói, có phần khép kín còn mình khi ấy còn trẻ con, lại có xu hướng hướng ngoại nên chưa tìm được điểm kết nối.”, chị nhớ lại.
Tuy nhiên, một bước ngoặt chẳng thể ngờ đã tới để đưa hai anh chị xích lại gần nhau hơn. “Năm 1988, bố anh mất khi anh đang theo học trường sỹ quan không quân tại Nha Trang. Anh quyết định chuyển xuống làm mặt đất nên quay về Hà Nội. Cả hai khi ấy đều đã trưởng thành hơn, đồng thời, với sự thúc đẩy từ hai bên gia đình nên quyết định tìm hiểu và dần nảy sinh tình cảm với nhau. Có lẽ vì anh hơn mình ba tuổi nhưng quan trọng khi đó mình là sinh viên, tính tình trẻ con nên mình luôn được chiều chuộng. Những buổi đi chơi của lớp mình thường xuyên có sự góp mặt của anh.”
Có những chuyện tình từ yêu đến cưới là một con đường bằng phẳng nhưng cũng có những cặp đôi mà chuyện tình của họ giống như định mệnh được sắp đặt từ trước. Đến giữa năm thứ hai và thứ ba đại học, mẹ của anh bị nghi là ung thư đại tràng giai đoạn cuối. “Bởi anh là con trưởng, bố mất sớm nên bà mong muốn hai đứa kết hôn để Bà yên tâm nếu có vấn đề gì xảy ra với Bà. Thời điểm ấy, việc lấy chồng khi còn đi học là một trường hợp đặc biệt, đôi khi là rất mang tiếng. Thầy cô, bạn bè khi ấy đềurất ngạc nhiên về quyết định này của mình và gia đình. Để có thể đi đến quyết định cho mình cưới sớm, Bố mình đã phải nói chuyện với gia đình anh và đưa ra yêu cầu là tạo điều kiện để cho mình học tiếp đại học và phải sau khi học đại học xong thì mới được sinh con.Và sau đám cưới 4 năm, bạn đầu lòng mới ra đời.”
Mối duyên cưới chồng sớm cũng kéo theo muôn vàn trắc trở với chị Kim Huyền khi cân bằng giữa chuyện nhà và việc học. Vừa đảm nhận vai trò một người phụ nữ có gia đình, vừa hoàn thành chương trình học luôn là khoảng thời gian khó khăn với bất kỳ ai phải trải qua. “Mỗi lần nghĩ lại giai đoạn khó khăn ấy, mình luôn biết ơn sự hỗ trợ của hai bên gia đình, đặc biệt là mẹ chồng luôn tạo điều kiện cho mình trong việc học. Mặc dù có cảm thấy hơi thiệt thòi khi bản thân phải hạn chế tham gia các hoạt động, hội hè do trường lớp tổ chức hay tạm dừng kế hoạch học lên cao hơn nhưng nhờ vậy, mình có đủ thời gian chăm lo gia đình, chu tất việc nội trợ, thực hiện nghĩa vụ của một người con dâu, người vợ.”
Một đám cưới ngọc trai với hành trang là sự đồng thuận
29 năm trong hôn nhân là một quãng đường dài để mỗi người có thể cùng nhìn lại, cảm nhận các cung bậc cảm xúc cùng những vất vả, lo toan trong cuộc sống. Có những lúc tưởng như không thể nào giải quyết được, những cuộc cãi vã, bất hòa… Nhưng nhiều hơn là những yêu thương, sẻ chia, quan tâm và lo lắng,… Đến hiện tại, hai anh chị vẫn luôn bên nhau không cách rời, vẫn là điểm tựa vững chắc của đối phương.
Với chị Kim Huyền và anh Thanh Tùng, cơ hội cùng công tác trong ngành hàng không tại VNA giúp cả hai hiểu và thông cảm cho những khó khăn của nhau trong công việc. Dù anh làm bên đoàn bay, còn chị làm mảng kỹ thuật, tuy không thể hỗ trợ cho nhau trong lĩnh vực chuyên môn nhưng hai vợ chồng lại có được sự đồng thuận. “Bởi tàu bay khai thác liên tục cả ngày lẫn đêm nên công việc của các thành viên khối Kỹ thuật là đảm bảo cho tàu bay hoạt động tốt. Anh luôn thông cảm những tình huống vợ phải đi sớm về muộn , thậm chí là về đến nhà rồi nhưng khi máy bay gặp vấn đề thì vẫn phải giải quyết công việc ngay lập tức. Đặc biệt là những khoảng thời gian 2, 3 năm liên tục mình tham gia các dự án lựa chọn thiết bị cho đội tàu bay mới như A350, A787.”
Theo chị Kim Huyền, để giữ hạnh phúc lâu dài thì điều quan trọng nhất là niềm tin. Khi vợ chồng luôn có sự tin tưởng nhất định đối với nhau thì sẽ không có bất cứ điều gì phải lăn tăn gây phân tán tư tưởng “Nếu chồng làm ở một lĩnh vực khác và không có sự thông cảm, tin tưởng thì chắc chắn khó khăn hơn nhiều. Nhờ sự đồng thuận của chồng giúp tạo điều kiện cho mình tận tâm, hết mình trong công việc. Ttrong cuộc sống, vợ chồng sẽ không thể tránh được những lúc tranh cãi, giận dỗi nhưng khi có được niềm tin tuyệt đối thì hai bên có thể bỏ qua tất cả, cùng hướng tới một cái chung.” . Ngoài ra, cần phải có sự tôn trọng lẫn nhau cũng như biết giảm bớt cái tôi của bản thân vì hạnh phúc gia đình.
Với chị, gia đình là bến Bình yên. Dù có bận rộn, vất vả đến đâu nhưng nếu luôn có chồng, các con bên cạnh và ủng hộ mình sẽ vững tâm để vượt qua và vươn lên.
Vu Hoang Quy-COMM