TVT Nhật Lan: Giáo viên phải là một tiếp viên mẫu mực

Gần 20 năm công tác trong ngành Hàng không, trong đó nhiều năm làm giáo viên đào tạo tiếp viên, cứ mỗi dịp 20/11, TVT Mai Nhật Lan 16 lại bồi hồi xúc động.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

TVT – Giáo viên Mai Nhật Lan 16.

Nhớ ơn thầy cô

“Cứ đến ngày này chúng tôi lại nhớ về thầy, cô giáo cũ của mình, những người góp phần xây dựng cho chúng tôi nhân cách sống, kiến thức để trưởng thành như hôm nay”, chị Nhật Lan chia sẻ. “Tôi muốn gửi lời yêu thương, tình cảm kính trọng nhất đến những người thầy, người cô giáo trong cuộc đời của tôi”.

Giải thích lý do trở thành giáo viên dịch vụ, chị nói mình cần chia sẻ và gửi gắm những kinh nghiệm, vốn sống nghề nghiệp mà chị đã tích lũy, truyền lại cho các em TV trẻ mới vào nghề: “Nghề này thực sự cần nhiều trải nghiệm chứ không chỉ là trình độ thuần túy. Việc giảng dạy lâu ngày càng khiến tôi gắn bó, thấy các TV trẻ lớn mạnh, giỏi giang thì càng vui, càng tự hào vì có công sức mình góp phần. Ngày trước vào nghề, chúng tôi chưa được đào tạo bài bản chuyên nghiệp như bây giờ, vì vậy chúng tôi thấy cần phải tự trau dồi nâng cao trình độ hơn và cứ thế ngày càng say mê hơn…”.

Chị Nhật Lan cho rằng để trở thành người giáo viên dịch vụ hôm nay, chị phải cảm ơn các anh chị lãnh đạo của VNA nói chung và ĐTV nói riêng cùng các anh chị giáo viên đi trước đã cho chị cơ hội phát triển, đóng góp với nghề những giá trị ý nghĩa như các thầy cô giáo của tôi năm xưa.

Chị đánh giá công việc hiện tại “đầy thú vị”, vì ngoài công tác giảng dạy dịch vụ chị vẫn thực hiện nhiệm vụ TVT các chuyến bay. Hai công việc song song này đã bổ trợ cho nhau, giúp chị duy trì thực tiễn nghề nghiệp để đưa vào các bài giảng thú vị, sinh động và mang tính ứng dụng cao.

Khi được phòng Đào tạo gửi kế hoạch phân công, chị thực hiện các bài giảng trên lớp về kiến thức tiêu chuẩn dịch vụ của VNA, cách giao tiếp ứng xử, xây dựng hình ảnh, kỹ năng chăm sóc khách hàng, cách thao thác chuẩn các kỹ năng phục vụ, cách xử lí và giải quyết vấn đề cho khách hàng, team work, phối hợp với đồng nghiệp…. 

Để thực hiện bài giảng tốt, chị thường dùng một ngày làm ở văn phòng để chuẩn bị trước khi giảng dạy. “Tôi và đồng nghiệp phải xem lại giáo án, giáo trình, slide, thậm chí cả phim ảnh, audio, của môn học mặc dù đã được phòng Đào tạo biên soạn, chuẩn bị sẵn cho các giáo viên, kiểm tra các dụng cụ thực hành kỹ năng, tra cứu các vấn đề trên chuyến bay mà TV đang vướng mắc và cách giải quyết”, chị kể.

Chị đánh giá công việc hiện tại “đầy thú vị”, vì ngoài công tác giảng dạy dịch vụ chị vẫn thực hiện nhiệm vụ TVT các chuyến bay.

Giáo viên dịch vụ – nghề bận rộn

Theo chị Nhật Lan, đặc thù của từng môn học lại yêu cầu sự chuẩn bị khác nhau, ví dụ dạy phát thanh tiếng Anh cần loa, micro, máy ghi âm, audio các bài phát thanh mẫu. Các môn xây dựng hình ảnh thì cần sổ tay để tập thẳng lưng, ống hút để tập cười, gương mỹ phẩm trang điểm, làm tóc, các môn kỹ năng thì cần dụng cụ như trên máy bay, thức ăn giả để TV thực hành trong Mockup (máy bay giả định)…

Trước khi lên lớp, chị sẽ thống nhất cùng giáo viên đồng giảng về đối tượng TV, phương pháp giảng dạy và kiểm tra đánh giá… để có được ngày giảng dạy hiệu quả. Sau đó, giáo viên phải chuẩn bị đồng phục giáo viên cho mình thật đẹp, chỉn chu, để TV nhận diện được giáo viên và hình ảnh giáo viên được chuyên nghiệp, đồng bộ và mẫu mực.

Mỗi lớp học, khóa học có những thời lượng khác nhau. Giáo viên có khi đứng giảng dạy cả tuần nhưng cũng có ngày học về thực hành kỹ năng phục vụ, trang điểm, xử lí tình huống hay teambuilding. Học trò thường rất say sưa, hứng thú trong những buổi học này mặc dù các giáo viên thường xuyên dạy đến 6,7 giờ tối.

Theo chị, giáo viên dạy về dịch vụ là người truyền, dạy nghề, thì trên hết phải là một người tiếp viên mẫu mực trong nghề dịch vụ. Ngoài ra, đó phải là người có tố chất tận tụy, sự quan tâm, tìm tòi trong nghề dịch vụ cùng kiến thức mới mỗi ngày và sự sáng tạo thì giáo viên mới có thể truyền lửa nhanh nhất, tạo ra sự thuyết phục, tự giác học hiệu quả nhất cho học trò.

“Tôi phải cảm ơn nghề nghiệp của mình vì nhờ trở thành TV hàng không, tôi được học hỏi rất nhiều và có rất nhiều các kinh nghiệm trong cuộc sống, từ các kỹ năng giao tiếp, nhận diện và chăm sóc khách có vấn đề về sức khoẻ, chăm sóc người lớn, trẻ em đến các kỹ năng sinh tồn… và tôi thật sự hạnh phúc về điều đó”, chị bồi hồi nhớ lại.

alt text
alt text

"Giáo viên dạy về dịch vụ là người truyền, dạy nghề, thì trên hết phải là một người tiếp viên mẫu mực trong nghề dịch vụ".

Cầu nối tới dịch vụ 5 sao

Chị Nhật Lan kể qua thực tế đi bay, cũng như quá trình tham quan, học tập một số hãng hàng không tiên tiến, tôi nhận thấy tiềm năng của VNA không thua kém gì các hãng 4, 5 sao hiện nay và đội ngũ TV cũng như vậy. 

“Thời gian vừa qua, tôi đã thấy sự thay đổi mạnh mẽ của VNA để đạt được 4 sao thì 5 sao cũng là điều rất lạc quan”, chị đánh giá. “Để có được như vậy, tôi nhìn thấy sự thay đổi, tăng tốc của từng cá thể trong tổ chức VNA, sự phối hợp tốt hơn và các kênh thông tin truyền thông của VNA rất mạnh mẽ, lan tỏa đến từng người lao động trong công ty. Tuy nhiên, tôi nhận thấy vẫn cần sự gắn kết, sự đồng bộ và tốc độ nhanh hơn nữa của các bộ phận trong công ty, từ trên xuống và ngược lại, từ chuyên môn đến hệ thống hành chính, thủ tục”.

Chị Lan mong muốn sự thay đổi đồng bộ mindset của những người làm frontline của VNA về nhận thức, quan điểm làm dịch vụ.

Tuy vậy, chị Nhật Lan mong muốn hãng sẽ thể hiện cụ thể hơn về bản sắc, giá trị cốt lõi của VNA dựa trên bản sắc văn hóa VNA, văn hóa Việt Nam. Từ đó, mới có thể triển khai hành động cụ thể và xuyên suốt theo đường nét, tôn chỉ và trung thành với giá trị khác biệt của VNA với các hãng HK khác.

“Tôi mong muốn sự thay đổi đồng bộ mindset của những người làm frontline của VNA về nhận thức, quan điểm làm dịch vụ”, chị mạnh dạn chia sẻ. “Từ đó nó thay đổi hành vi nhanh nhất từ việc bảo vệ, giữ gìn sạch sẽ máy bay, không lãng phí từ cái tăm, ly nước, và lớn hơn phải ứng xử để khách hài lòng, hiểu văn hóa của họ, khách thấy được quan tâm chân thành, ấm áp, và sẽ quay trở lại với VNA mà không thể đi hãng khách cho dù hãng đó là 5,7 sao”.

Hành trình ‘hụt’ với nghệ thuật

Không nhiều người biết rằng, chị Nhật Lan là con gái của NSND Thu Hiền, một nghệ sĩ “quốc dân” nổi tiếng với giọng ca ngọt ngào. Chị chia sẻ: “Mẹ là người mà tôi luôn yêu thương nhất. Tôi có được mọi thứ như ngày hôm nay không thể thiếu được hình bóng của mẹ. Mẹ chính là người thầy của tôi”, chị nhấn mạnh.

Chị kể, mẹ chị từng mong muốn chị trở thành ca sỹ giống mẹ. Từ năm lên 8 tuổi, chị đã học bộ gõ và đàn piano tại Nhạc viện Hà Nội. Nhưng sau đó vì lý do gia đình phải chuyển vào TP HCM theo bố, thấy mẹ vất vả, chị nghĩ nếu mình cũng theo đuổi theo con đường nghệ thuật sẽ không có nhiều thời gian dành cho gia đình. Vì vậy chị quyết định theo nghề của bố, làm việc trong lĩnh vực hàng không. Chị bắt đầu công việc ở VNA với vị trí một nhân viên phục vụ hành khách tại sân bay rồi sau đó Nhật Lan chuyển qua nghề tiếp viên vì những giấc mơ bay của mình.

Tuy nhiên, niềm đam mê về nghệ thuật không bao giờ ngừng chảy trong chị. Chị Nhật Lan thường xuyên tham gia vào các chương trình văn nghệ của Tổng công ty và Đoàn Tiếp viên từ khi mới vào đội ngũ nhân viên của VNA. “Mẹ luôn bên tôi, mẹ vẫn luôn háo hức và tư vấn, chọn bài hát cho tôi mỗi dịp tôi biểu diễn trong một dịp nào đó tại cơ quan dù lớn hay nhỏ… Dù chỉ là biểu diễn nghiệp dư nhưng đối với tôi, được sống và thể hiện những đam mê của mình đó là niềm hạnh phúc nhất…”, chị háo hức kể lại.

Chị Nhật Lan thường xuyên tham gia vào các chương trình văn nghệ của TCT và ĐTV.

Chị kể rằng, mẹ chị (NSND Thu Hiền) vẫn luôn hãnh diện khi lên máy bay và được các bạn tiếp viên vui vẻ chào bà. Bà hãnh diện không phải vì mình là NSND được mọi người biết đến, mà vì con gái bà cũng được đứng trong đội ngũ tiếp viên của hãng hàng không Quốc gia – Vietnam Airlines và là đồng nghiệp của các bạn, những cánh chim bay luôn nhiệt thành phục vụ hành khách.

Nhật Lan luôn cảm thấy vui khi mẹ chị không bao giờ hối hận vì đã cho con lựa chọn nghề TVHK và luôn hạnh phúc khi thấy chị bước trên con đường này với những biến chuyển tốt trong công việc. Sau mỗi chuyến bay đường dài về tới Việt Nam, người đầu tiên gọi điện thoại cho chị luôn luôn là mẹ. Mẹ vui vì chị có những chuyến bay thành công vì đã mang lại niềm vui và sự an toàn cho hành khách.

Nhật Lan luôn cảm thấy vui khi mẹ chị không bao giờ hối hận vì đã cho con lựa chọn nghề TVHK.

Chia sẻ về dự định tương lai, chị nói không đặt ra cho mình những dự định quá cao, “Tôi chỉ muốn là một giáo viên gương mẫu, hoàn thành tốt những điều kiện của hãng đưa ra kể cả trong công việc đi bay hay đi dạy. Trong cuộc sống, tôi chỉ mong ước gia đinh được mạnh khỏe, hạnh phúc, cố gắng dạy và hướng cho các con luôn ngoan ngoãn và học giỏi”.                 

Nhân dịp 20/11, chị kểvề sự hy sinh, cống hiến và gắn bó của nghề giáo viên nói chung và các giáo viên dịch vụ nói riêng: “Có các anh chị giáo viên dịch vụ đã và đang dạy nghề hơn 25 năm rồi. Có người đã nghỉ hưu nhưng chưa ai bỏ nghề giữa đường cả. Tôi đã học được ở những tấm gương ấy và cũng luôn răn mình rằng hãy hạnh phúc với điều mình đang có, tận tâm hết sức vì nó thì bạn cũng sẽ nhận được những thành quả, những tấm lòng, tình cảm tri ân tương xứng và đó cũng chính là triết lý nhân quả ở đời”.

Spirit Vietnam Airlines
Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.