Tháng 7/2012, tôi được bổ nhiệm giữ chức Đoàn trưởng Đoàn Bay 919. Trước khi nhận cương vị này, tôi đã trải qua nhiều vị trí công tác lãnh đạo, quản lý tại Đoàn Bay và TCT trong suốt quá trình gắn bó với hàng không dân dụng từ năm 1984.
Nhìn lại cả quá trình công tác của mình cùng Đoàn bay 919 tôi luôn thấy tự hào với từng mốc phát triển của đơn vị, tự hào với đội ngũ đồng nghiệp phi công Đoàn Bay và trân trọng những đóng góp của mỗi các nhân trong từng bước phát triển ấy.
P.TGĐ Nguyễn Hồng Lĩnh, nguyên Đoàn trưởng Đoàn bay 919.
Đoàn Bay 919 – tiền thân là Trung đoàn Không quân vận tải 919 được xây dựng và trưởng thành cùng với sự phát triển của Không quân nhân dân Việt Nam và ngành hàng không dân dụng nước nhà. Lịch sử Không quân và hàng không Việt Nam đã có nhiều ghi nhận về những chiến công, sự đóng góp trong công cuộc chiến đấu, phục vụ chiến đấu và xây dựng đất nước của phi công, cán bộ chiến sĩ Đoàn Bay 919.
Như chúng ta đã biết, những ngày đầu thành lập, đơn vị chỉ có vài ba loại máy bay như AN-2, IL-14, Mi-4… 60 năm qua, lực lượng phi công của Đoàn Bay đã lần lượt làm chủ công nghệ khai thác máy bay và huấn luyện, đào tạo phi công điều khiển hơn 30 loại máy bay khác nhau trên thế giới. Dù ở bất cứ thời điểm nào, Đoàn Bay luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quản lý, cung cấp phi công bay khai thác trên các các loại máy bay và mạng đường bay trong nước và quốc tế của TCT; hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị bay chuyên cơ và là lực lượng dự bị cho công tác an ninh quốc phòng của quốc gia. Phi công Đoàn Bay đã hoàn toàn xứng đáng với sự tin cậy của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân khi đảm nhiệm và hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ trong các sự kiện chính trị xã hội nỏng bỏng như giải cứu lao động, đồng bào người Việt tại Li Bi, thảm họa hạt nhân, động đất, sóng thần tại Nhật Bản, cơ động lực lượng giữ gìn an ninh trật tự tại Tây Nguyên… Phi công Đoàn bay 919 vinh dự, tự hào đã có mặt khắp các châu lục để phục vụ công tác kinh tế, chính trị, ngoại giao của Quốc gia.
Trong sự nghiệp đổi mới ngành hàng không, đặc biệt là từ năm 1990 trở lại đây, đội ngũ người lái máy bay của Đoàn Bay 919 đã nhanh chóng làm chủ kỹ thuật công nghệ mới, độc lập điều khiển các loại máy bay thế hệ mới của TCT như ATR-72, Fokker-70. A-320, A-330, B-767, B-777… đến nay Đoàn Bay đã phát triển và làm chủ công nghệ điều khiển những loại máy bay thế hệ mới, thuộc dòng tân tiến nhất thế giới như B-787 và A350.
Đã từng là phi công của Đoàn Bay trên các loại máy bay thế hệ cũ như AN-24, AN-26, IL18…, và đảm nhiệm nhiều vị trí quản lý tại Đoàn bay và TCT, nhưng khi nhận nhiệm vụ Đoàn trưởng Đoàn bay 919, lãnh đạo quản lý lực lượng phi công, điều này đưa lại cho cá nhân tôi không chỉ là sự tự hào về cả một quá trình phát triển được tổ chức và anh em ghi nhận mà còn đòi hỏi trách nhiệm cá nhân ở mức độ cao hơn nữa, khi đội máy bay của VNA đã phát triển vượt bậc cả về số lượng và công nghệ.
Lãnh đạo TCT luôn ghi nhận những thành tích trong công tác an toàn bay và huấn luyện phi công của đội ngũ phi công, CBNV Đoàn bay 919.
Như một cơ duyên, giai đoạn tôi bắt đầu đảm nhiệm vị trí Đoàn trưởng Đoàn Bay nằm trong thời kỳ 2011 – 2015, đây giai đoạn đánh dấu bước phát triển mới, thực sự mạnh mẽ của VNA và lực lượng phi công Đoàn Bay 919.
Từ hình ảnh một hãng hàng không ít được biết đến, cuối năm 2014 – 2015, VNA giới thiệu hình ảnh, diện mạo mới mà điểm nhấn là hệ thống nhận diện thương hiệu và đội máy bay mới A350/ B787. Liên tục từ năm 2016 đến nay, VNA là hãng hàng không tiêu chuẩn quốc tế 4 sao ba năm liên tiếp. Để làm nên “điểm nhấn” then chốt ấy cho danh hiệu 4 sao ấy, phi công Đoàn bay đã hoàn thành xuất sắc mục tiêu làm chủ công nghệ điều khiển những loại máy bay thế hệ mới, thuộc dòng tân tiến nhất thế giới như B-787 và A350. Cả quá trình chuẩn bị, Đoàn Bay đã chủ động đẩy nhanh huấn luyện chuyển loại giữa phi công cơ bản và huấn luyện nâng cấp lên lái chính nhằm cân đối lực lượng phi công giữa các đội bay, đáp ứng nhu cầu kế hoạch khai thác của Tổng công ty.
Cao điểm năm 2015, Đoàn Bay đã thực hiện chuyển loại, huấn luyện chuyển giao công nghệ cho phi công 2 đội bay mới A350 và B787, nâng cấp lái chính, huấn luyện giáo viên và phi công cơ bản lên tới hơn 300 lượt phi công. Việc đồng thời tiếp nhận, chuyển giao công nghệ và khai thác an toàn hai loại máy bay mới B787 và A350 trong năm 2015 và trong những năm kế tiếp của Đoàn Bay 919 là sự kiện lịch sử quan trọng, đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của đội ngũ phi công Đoàn Bay 919, được lãnh đạo Tổng công ty, các đối tác cung cấp máy bay và các hãng hàng không đánh giá cao.
Năm 2017, Đoàn bay chia tay đội tàu bay B-777-200ER sau gần 15 năm gắn bó. Đội bay B-777 đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử, đã tạo những dấu ấn nổi bật trong quá trình phát triển cùng Đoàn bay 919. Chia tay đội tàu bay B-777 – Những Hiệp sĩ của bầu trời cũng là một bước cơ bản trong việc trẻ hóa đội tàu bay thân rộng với chiến lược phát triển mới của TCT. Sự kiện này lần nữa khẳng định Đoàn Bay có thể chủ động phát triển nguồn lực, phi công Việt Nam có thể nhanh chóng chuyển đổi, tiếp thu chuyển giao công nghệ khai thác bất kỳ loại máy bay mới, hiện đại nào của thế giới để đảm bảo chiến lược phát triển mạng đường bay và đội tàu bay của TCT.
Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên phi công Đoàn bay 919 chúng tôi đã có những đóng góp rất lớn trong mục tiêu đào tạo phi công Việt Nam dần thay thế phi công nước ngoài. TCT đặt mục tiêu cho đến năm 2025 sẽ đào tạo đủ 100% phi công Việt Nam thay thế phi công nước ngoài để tiết kiệm chi phí và khẳng định phi công Việt Nam có thể hoàn toàn làm chủ công nghệ hàng không hiện đại. Trước năm 2010, tỷ lệ phi công Việt Nam, phi công nước ngoài tương đương 50 – 50%. Đến cuối năm 2017, tỉ lệ phi công Việt Nam đã đạt là 72%. Thời điểm này, số phi công Việt Nam chiếm hơn 76% trong tổng số gần 1.200 phi công của VNA. Với những quyết tâm của cả guồng máy tạo nguồn, huấn luyện của VNA và nỗ lực của đội ngũ giáo viên phi công Đoàn bay 919, tôi tin tưởng đến 2025 chúng ta sẽ thực hiện được mục tiêu đã đề ra.
Cùng với các Phi công – Giáo viên “gạo cội” của Đoàn Bay, chúng tôi có chung một niềm tự hào sâu sắc, đó là trong mỗi bước phát triển, đã luôn giữ vững vị trí như những cánh chim đầu đàn, luôn đi tiên phong trong lĩnh vực chuyển giao công nghệ khai thác máy bay mới hiện đại ở Việt Nam. Thành tích trong công tác đào tạo, huấn luyện, phát triển nguồn lực người lái máy bay trong những năm qua được ghi nhận mang lại lợi ích tầm Quốc gia, đồng nghĩa với việc ngân sách tiết kiệm, cắt giảm chi phí được hàng trăm tỉ đồng mỗi năm để thuê phi công nước ngoài.
Cuối năm 2017, tôi được bổ nghiệm giữ chức Phó Tổng giám đốc – Giám đốc Lĩnh vực Khai thác bay của VNA. Mặc dù vị trí công tác mới, nhưng do yêu cầu của công việc quản lý ngành nghề đặc thù, nên tôi vừa đảm nhiệm công tác lãnh đạo Khối, vừa sát cánh cùng anh em phi công Đoàn Bay trực tiếp tham gia khai thác bay với chức danh Giáo viên bay – Cơ trưởng máy bay B-787. Đó là một điều kiện thuận lợi để tôi vẫn được gần gũi với lực lượng phi công, dành sự quan tâm, theo sát với từng hoạt động của Đoàn Bay, qua đó, cùng Ban Lãnh đạo TCT đề ra những kế hoạch, mục tiêu để xây dựng lực lượng phi công của Đoàn ngày càng chất lượng, chuyên nghiệp đáp ứng nhu cầu phát triển của TCT.
Luôn gần gũi lực lượng phi công, dành sự quan tâm, theo sát với từng hoạt động của Đoàn bay.
Nhìn nhận lại cả quá trình hoạt động của Đoàn Bay, chúng ta đã vinh dự và tự hào khi những phi công thế hệ trước của Đoàn Bay 919 Anh hùng đã ghi những dấu ấn trong lịch sử chiến đấu bảo vệ Tổ quốc bằng những chiến công “không đối không, không đối đất và không đối biển đầu tiên” của lực lượng Không quân, thì trong giai đoạn này, chúng ta hoàn toàn có thể tự tin ghi tiếp vào truyền thống của đơn vị những thành quả của ngày hôm nay. Bởi đội ngũ phi công, CBNV Đoàn Bay 919 chúng ta đã có những thành tích vượt bậc trong công tác an toàn bay và huấn luyện phi công.
Thành tích đảm bảo hơn 22 năm giữ an toàn tuyệt đối trong khai thác bay và công tác huấn luyện chuyển loại cả về lý thuyết, huấn luyện SIM, thực hành bay cho tất cả các đội bay đều được thực hiện bởi phi công Việt Nam là thành tựu lớn nhất của Đoàn Bay trong giai đoạn hiện nay. Chính thành tích đã tạo lên hình ảnh người phi công VNA chuyên nghiệp, chất lượng, giỏi giang, có đầy đủ các phẩm chất và chuẩn mực mang tính toàn cầu, ghi được dấu ấn trên thị trường nhân lực hàng không trong khu vực và quốc tế. Chúng ta, những CBNV và phi công của Đoàn Bay 919, của VNA hoàn toàn có quyền tự hào về điều ấy.