Trở thành phi công… bắt đầu từ đâu?

Với phi công Hoàng Nhật Tân, việc từ bỏ công việc truyền thống gia đình về mảng sản xuất hàng điện tử vốn đã gắn bó nửa thập kỷ không phải là một quyết định bước ngoặt mà chỉ đơn giản là “thời điểm thích hợp để trở lại với đam mê”. 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Bán của hồi môn để lấy chi phí đầu tư đi học

Quay ngược lại khoảng thời gian khi còn cắp sách đến trường, cậu bé Nhật Tân ngày ấy đã bộc lộ rõ sự quan tâm đặc biệt với nghề phi công khi trong xóm có một người anh đang gắn bó công việc điều khiển những “chú chim sắt”. “Hình ảnh chiếc máy bay là một cái gì đó rất thu hút mình. Có một câu chuyện đùa mình hay chia sẻ với bố rằng vào buổi tối khi nhìn lên bầu trời, nếu có bất kỳ chiếc máy bay bay nào ngang qua thì con chỉ cần nhìn đèn chớp của máy bay là có thể biết được đấy là loại máy bay gì nhưng khi ngồi nhìn đồ điện tử của ba thì con lại thấy cái nào cũng giống cái nào”.

Với tình yêu tưởng như không giới hạn dành cho máy bay, anh Nhật Tân luôn bị thu hút bởi tất cả các môn thể thao hàng không như câu lạc bộ mô hình máy bay điều khiển, dù bay, các trò chơi lái máy bay mô phỏng… “Mỗi lần đi du lịch của hai vợ chồng ra nước ngoài, tới những trung tâm cho thuê buồng lái mô phỏng thì mình đều dành rất nhiều thời gian để vào đó trải nghiệm”.

alt text
Chàng trai trẻ Hoàng Nhật Tân đặc biệt yêu thích nghề phi công. (Ảnh: NVCC).

Đam mê máy bay là vậy, nhưng quyết tâm vào nghề phi công của anh không nhận được sự ủng hộ từ tất cả thành viên trong gia đình. “Mình là con trai duy nhất trong gia đình nên tâm lý bố muốn con nối nghiệp mình. May mắn là vợ thấy mình đam mê quá nên động viên theo đuổi, đồng thời cũng là người thuyết phục bố đẻ mình đồng ý cho mình theo nghiệp. Hai vợ chồng đã quyết định bán của hồi môn để lấy chi phí đầu tư đi học tự túc”, anh Tân nhớ lại. 

alt text
Anh Nhật Tân và vợ quyết định bán của hồi môn để lấy chi phí đầu tư đi học tự túc. (Ảnh: NVCC).

Hành trình chắp cánh ước mơ bay

Điểm đến đầu tiên trên hành trình “vươn cao” của chàng trai Nhật Tân là trường bay Phoenix East Aviation thuộc bang Florida tại Mỹ. Cụ thể, thời gian học thực hành bay được chia làm 4 giai đoạn gồm bằng phi công cá nhân, khả năng bay bằng thiết bị, khả năng bay máy bay nhiều động cơ và bằng lái máy bay thương mại. “Mỗi giai đoạn đều được chia ra các học phần lý thuyết và thực hành hết sức cụ thể. Tổng thời gian du học của mình tại xứ sở cờ hoa là khoảng 1 năm”.

Sau khi trở về Việt Nam, anh Nhật Tân quyết định “chọn mặt gửi vàng” nộp đơn vào Đoàn bay 919. Tuy nhiên, theo tiêu chuẩn của VNA thì anh Tân còn thiếu một số chứng chỉ như chứng chỉ lý thuyết phi công vận tải hàng không ( ATPL frozen), chứng chỉ tổ lái nhiều thành viên (MCC)…

alt text
alt text

Anh Nhật Tân đầu quân cho VNA ngay khi về Việt Nam. (Ảnh: NVCC).

“May mắn là lúc đó Trường Phi công Bay Việt thuộc VNA mở khoá ATPL Frozen đầu tiên tại Việt Nam, mình dành khoảng 8 tháng để lấy được các chứng chỉ. Sau đó với sự giới thiệu của Bay Việt, mình theo học lớp đào tạo chứng chỉMCC tại Học viện hàng không Esma ở Pháp mất 2 tháng nữa rồi quay về Việt Nam để hoàn tất thêm chứng chỉ huấn luyện phi công ở trường sỹ quan không quân Nha Trang. Cuối cùng, mình tiếp tục phải theo một số chương trình để lấy được năng định bay loại máy bay thương mai như A320, A321 tại Trung tâm huấn luyện bay (FTC) và Đoàn bay 919trong 6 tháng để được ra bay khai thác chính thức với vị trí cơ phó huấn luyện”.

Đến giờ, khi nhìn lại hành trình gần 3 năm (từ tháng 7/2011 đến tháng 6/2014) theo đuổi đam mê, anh Nhật Tân vẫn có phần “toát mồ hôi hột”. “Con đường” trở thành phi công không chỉ tiêu tốn tiền bạc thời gian mà còn đòi hỏi tinh thần quyết tâm thực sự, bởi vì mỗi một giai đoạn đều có khó khăn nhất định. Có thể kể đến như một người chưa có kiến thức về hàng không phải học 14 môn Lý thuyết vận tải hàng không, mỗi một môn thường là một cuốn sách vài trăm trang với yêu cầu học và thi trong vòng từ 2 đến 3 tuần. Trong đó có những môn được đánh giá vô cùng khó như Dẫn đường, Khả năng và giới hạn của con người…

Về phần thực hành bay:“Trong một lần hạ cánh, mình gặp phải gió to và suýt bị lật máy bay nên bị ám ảnh không thể hạ cánh. Cũng rất may mắn là gặp được một người thầy rất tốt tại Mỹ, thầy đã chọn những hôm gió rất to  lôi mình ra phi trường chỉ để tập hạ cánh máy bay. Thầy bảo rằng “You trained to be captain, why were you scared?”, đại ý rằng cậu được đào tạo để trở thành cơ trưởng mà sao cậu còn sợ gió? Nhờ vậy mình dần dần lấy lại được tự tin và hoàn thành hành trình đào tạo”.

alt text
“Con đường” trở thành phi công không chỉ tiêu tốn tiền bạc thời gian mà còn đòi hỏi tinh thần quyết tâm thực sự. (Ảnh: NVCC).

Đến thời điểm hiện tại, sau hơn 7 năm gắn bó với Đoàn bay 919, anh Nhật Tân đã trở thành Cơ trưởng và chưa bao giờ cảm thấy hối tiếc về quyết định “rẽ ngang” của bản thân. “Bố mình từng nói rằng, bố từng muốn con nối nghiệp nhưng thật sự nhìn thấy con là phi công như thế này thì bố công nhận con đã trưởng thành và là một người đàn ông. Nhờ câu nói đó mình rất tự hào và  đã đi theo con đường này thì mình luôn cố gắng hoàn thành mọi nhiệm vụ một cách tốt nhất, có những chuyến bay an toàn nhất và đã là phi công của đoàn bay 919 thì không có gì phải tiếc nuối”.

Nếu bạn ước mơ trở thành phi công và đam mê khám phá những vùng đất mới trên những chuyến bay do chính mình điều khiển, bạn có thể nộp hồ sơ đăng ký qua hai đơn vị trực thuộc VNA:

– Trung tâm Huấn luyện bay có nhiệm vụ tạo nguồn học viên phi công cơ bản (PCCB). Hàng năm, Trung tâm Huấn luyện bay tổ chức thông tin và hướng nghiệp về nghề phi công tại các trường đại học, cao đẳng, phổ thông trung học trên toàn quốc. Các ứng viên được lựa chọn sẽ gửi đi huấn luyện tại các trung tâm huấn luyện phi công tại Úc, New Zealand, Nam Phi,… và có cơ hội trở thành phi công của VNA sau khi tốt nghiệp. Ứng viên nộp hồ sơ online qua email: Tuyensinhphicong.ftc@vietnamairlines.comtuyensinhphicong.ftc@gmail.com

– Trường phi công Bay Việt (Viet Flight Training) được thành lập theo chủ trương của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam vào tháng 6/2008. Bay Việt hiện là trường đào tạo phi công dân dụng duy nhất tại Việt Nam được Cục Hàng không Việt Nam phê chuẩn, với lộ trình huấn luyện rõ ràng theo chuẩn EASA (châu Âu). Thông tin chi tiết vui lòng liên hệ: https://www.facebook.com/daotaobayviet/

CTV Hoàng Quy

Spirit Vietnam Airlines
Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.