Tuần trước, hình ảnh một nữ tiếp viên hàng không trẻ cẩn thận đắp chăn cho một nữ hành khách bị ngất xỉu trên máy bay và ngồi giữ chặt để hành khách này khỏi ngã trong suốt quá trình máy bay hạ cánh trên chuyến bay VN385 của Vietnam Airlines từ Haneda (Nhật Bản) về Nội Bài (Hà Nội, Việt Nam) ngày 2/7 do một hành khách chụp lại khiến nhiều người cảm động.
Nữ tiếp viên ngồi giữ hành khách bị ngất xỉu trong suốt quá trình máy bay hạ cánh (hình ảnh do hành khách đi cùng chuyến bay cung cấp).
Câu chuyện của nữ tiếp viên trẻ
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nữ tiếp viên tên là Trần Trà My, mới làm tiếp viên hàng không được 2 năm. Chị chia sẻ trên chuyến bay HND – HAN ngày 2/7, trong quá trình đi kiểm tra khoang khách chuẩn bị hạ cánh, tiếp viên phát hiện một hành khách bị ngất xỉu tại cửa nhà vệ sinh. Khi phát hiện ra hành khách ngất xỉu ngã xuống sàn, chị My nhanh chóng gọi trợ giúp của tiếp viên trưởng và các bạn tiếp viên khác.
“Khi đó khách vẫn có phản ứng nhưng khi hỏi thì khách không thể nói được. Không may mắn lắm khi máy bay đang chuẩn bị hạ cánh mà lại không tìm được bác sĩ nào trên chuyến bay nên chị Nga 31, chị Trang 34 cùng tiếp viên trong tổ nhanh chóng đưa hành khách nằm lên hàng ghế và phân công tôi ngồi cạnh đảm bảo an toàn cho hành khách. Trong suốt quá trình hạ cánh, tôi vẫn luôn kiểm tra thân nhiệt, đắp chăn và tiếp tục theo dõi tình hình của hành khách. Ngay khi máy bay hạ cánh, nhờ sự trợ giúp trước đó của tổ lái, nhân viên mặt đất, y tế tại sân bay đã có mặt kịp thời để chăm sóc y tế cho hành khách”– tiếp viên Trà My chia sẻ.
“Với tiếp viên chúng tôi, một khi đã bước lên máy bay thì đồng nghiệp, hành khách cũng như là người nhà, là gia đình của mình vậy. Tôi thấy, việc chăm sóc, quan tâm hành khách đó cũng như là đang chăm sóc cho em gái của mình. Tôi nghĩ trong hoàn cảnh đó, bất kỳ một tiếp viên nào khác cũng sẽ luôn sẵn sàng trợ giúp hành khách giống như vậy”– tiếp viên trẻ nói một cách giản dị.
Nữ tiếp viên hàng không Trần Trà My (thứ 3 từ trái sang) cùng các đồng nghiệp. (Ảnh NVCC).
Theo tiếp viên trẻ này, đây cũng là trường hợp rất hay xảy ra trên các chuyến bay nên đoàn tiếp viên đã tích luỹ được nhiều kinh nghiệm cộng thêm với những kiến thức đã được học, bình tĩnh sơ cứu cho hành khách.
“Với những trường hợp khách bị ngất xỉu, một trong những nguyên nhân là do thiếu máu lên não, vậy nên sơ cứu bước đầu chúng tôi để khách nằm, nâng chân khách lên cao để máu về não dễ dàng hơn, đồng thời kiểm tra phản ứng của khách. Trong khi chị Trang 34 gọi điện báo cáo tình hình cho anh Bảo 2 và chị Nga 31 là tiếp viên trưởng phía trên thì chúng tôi tiếp tục kiểm tra mạch và thân nhiệt của hành khách. Anh Bảo đọc phát thanh tìm kiếm và kêu gọi sự trợ giúp của bác sĩ trên máy bay đồng thời thông báo cơ trưởng để gọi trợ giúp y tế tại sân bay Nội Bài. Không tìm được bác sĩ trên chuyến bay, các thành viên trong tổ đã đưa hành khách nằm lên ghế theo sự chỉ đạo của tiếp viên trưởng để kịp cho máy bay hạ cánh. Và nhờ sự hướng dẫn, chỉ đạo của tiếp viên trưởng cũng như sự trợ giúp tối đa của các thành viên trong tổ nên quá trình sơ cứu được diễn ra nhanh chóng và đảm bảo an toàn cho hành khách để máy bay thực hiện việc hạ cánh”– chị My chia sẻ về quá trình phối hợp sơ cứu hành khách.
Chia sẻ về quá trình đào tạo của bản thân tại đoàn tiếp viên liên quan đến quy trình, công tác chăm sóc, sơ cứu hành khách, chị Trà My cho rằng có lẽ ai cũng nghĩ tiếp viên đơn thuần là người phục vụ hành khách thông thường, mang đến cho khách hàng những dịch vụ tốt nhất, nhưng không chỉ dừng lại ở đó, những người tiếp viên còn là những người đảm nhiệm các vấn đề sức khoẻ của họ. Đó là một quá trình học tập bài bản và đòi hỏi sự nhanh nhạy trong việc xử lý sức khoẻ bất thường của hành khách.
“Trong quá trình đào tạo, các thầy cô đã dạy bảo kỹ lưỡng và nhấn mạnh về việc sơ cứu sức khoẻ hành khách là vô cùng quan trọng. Chúng tôi bắt buộc phải học định kỳ hằng năm với những bài học tình huống liên quan đến an toàn và sức khoẻ của hành khách và cách giải quyết chúng. Bên cạnh đó phải luôn luôn ghi nhớ và thực hiện nguyên tắc “3T: Tận Tâm, Tận Lực, Tận Tình” của tổng công ty đưa ra. Và nhờ có nguyên tắc đó mà chúng tôi luôn làm việc hết mình”– chị nói.
Bình tĩnh trong mọi tình huống
Tiếp viên trưởng của chuyến bay, anh Vi Quốc Bảo (SN 1975, đã có thâm niên 20 năm trong nghề) cho biết sau khi tiếp viên báo cáo khách bị ngất ở gần cửa thoát hiểm số 3, lại đang trong quá trình máy bay hạ cánh, có rất nhiều việc phải làm, anh đã nhanh chóng chỉ đạo phân công các tiếp viên, mỗi người một việc để bảo đảm quá trình sơ cứu hành khách hiệu quả và bảo đảm an toàn bay.
Trong khi tiếp viên trưởng báo cáo cơ trưởng, tiếp viên khác thì sơ cứu hành khách, người thì kêu gọi hành khách bác sĩ giúp đỡ, người thì liên hệ mặt đất… tất cả đã làm đúng quy trình được học. Nhờ được đào tạo ban đầu và huấn luyện định kỳ hằng năm về kỹ năng sơ cứu nên các tiếp viên rất bình tĩnh, biết cách xử lý tình huống một cách nhanh chóng, triển khai mọi việc nhịp nhàng.
“Có thể lúc ban đầu cũng hơi mất bình tĩnh một chút, nhưng là tiếp viên hàng không, cần phải bình tĩnh làm đúng quy trình trong mọi tình huống, đặc biệt mình lại là tiếp viên trưởng, càng phải giữ vững bình tĩnh để chỉ đạo, phối hợp để triển khai. Nhất là, có bình tĩnh thì quá trình sơ cứu hành khách mới chuẩn, để tạo điều kiện cho công tác y tế mặt đất tiếp theo, bảo đảm mức cao nhất an toàn của hành khách gặp sự cố”– anh Bảo chia sẻ.
Anh cho biết trong quá trình công tác suốt 20 năm đã từng gặp nhiều trường hợp phức tạp hơn song đều đã sơ cứu hành khách tốt. “Mỗi tình huống lại phát sinh những yếu tố phức tạp, bất ngờ riêng, song điều giúp chúng tôi luôn vững vàng trong những tình huống ấy là luôn tâm niệm phải làm tốt công việc của mình, đặc biệt cần coi hành khách như người thân. Khi chúng ta đang cùng trên một chuyến bay, chúng tôi coi hành khách như người nhà của mình và việc bảo đảm an toàn cho hành khách là trên hết. Với những sự cố như thế này, khi khách ra khỏi máy bay, tình trạng sức khỏe của khách khá hơn, đó chính là niềm vui của chúng tôi”– tiếp viên trưởng chia sẻ.
TVT Vi Quốc Bảo chụp với tiếp viên Hàn Quốc nhân ngày sinh nhật trên chuyến bay. (Ảnh: NVCC).
Trong quá trình đi bay tôi cũng đã gặp khá nhiều trường hợp liên quan đến sức khoẻ của hành khách. Tôi nhớ trong một ca trực trên chuyến bay đi Sydney, có một bà mẹ người nước ngoài ôm em bé khoảng 3, 4 tuổi chạy xuống bếp nhờ sự trợ giúp của tiếp viên khi mà em bé bị chảy máu cam mãi mà vẫn chưa ngừng. Nhờ những kiến thức và kinh nghiệm các anh chị truyền đạt lại, tôi và 2 bạn tiếp viên khác đã giúp em bé cầm máu bằng cách để em bé cúi đầu về phía trước, lấy khăn bọc đá đặt lên mũi và gáy của em bé. Khoảng 5 phút sau thì máu ngừng chảy. Lúc đó tôi mới thở phào nhẹ nhõm. Trong giây phút ấy tôi biết mình phải giữ bình tĩnh để cho hành khách được an tâm và phối hợp cùng tiếp viên khác một cách tốt nhất. Thật sự chính trong những tình huống này tôi mới cảm thấy biết ơn những gì mình đã được học và trau dồi từ lúc mới bắt đầu đi bay cho đến ngày hôm nay. Thế mới biết quá trình rèn luyện và học hỏi là không ngừng nghỉ.
Tính chất của công việc của tiếp viên vô cùng vất vả nhưng mà vì đam mê yêu nghề cũng như được nuôi dưỡng đam mê ấy từ các anh chị đi trước đã giúp tôi có thêm động lực và cố gắng để hoàn thành tốt công việc. Hơn nữa, được sự giúp đỡ quan tâm tận tình của ban lãnh đạo đoàn, liên đội trực thuộc, đặc biệt là thư động viên mỗi dịp cao điểm của đoàn trưởng, tôi cũng như toàn thể tiếp viên luôn dốc hết sức mình, nỗ lực hoàn thành tốt mỗi chuyến bay. Và điều sau cùng hơn cả là những nụ cười của hành khách, của đồng nghiệp và của cả tôi nữa. Một nụ cười hạnh phúc! Và tôi tự hào khi khoác trên mình bộ áo dài xanh của hãng hàng không quốc gia.
Theo Báo NLĐ