Hành trình từ ước mơ trở thành hiện thực
Tôi đã mơ ước trở thành một Tiếp viên hàng không từ năm học lớp 11 vì ấn tượng với cách phục vụ chuyên nghiệp và niềm nở của một chị tiếp viên phó. Đến năm 22 tuổi, được sự ủng hộ từ gia đình, tôi quyết tâm nộp đơn thi và may mắn được tuyển vào ngành. Công việc này như một cánh cửa mở ra rất nhiều chân trời kiến thức mới, từ những thông tin thực tế về máy bay, về an toàn – an ninh hàng không, cho tới những thông tin rất lý thú về ẩm thực Việt Nam và nước ngoài. Đó cũng là cơ hội để tôi trau dồi và rèn luyện.
Tôi luôn quan điểm mỗi chuyến bay là một “cuộc đua” mà chiến thắng chỉ thuộc về tôi khi nhìn thấy ánh mắt tin tưởng, nụ cười và cái gật đầu hài lòng từ hành khách. Và đó cũng chính là cảm giác hạnh phúc và tự hào nhất của bản thân tôi mỗi khi tự giới thiệu mình là tiếp viên của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam, thành viên liên minh hàng không Skyteam.
Người ta vẫn hay nói “Sông có khúc, người có lúc”. Năm 2020 chứng kiến sự chao đảo trước dịch bệnh của hàng loạt ngành dịch vụ trên thế giới và hàng không cũng là một trong số đó. Có lẽ đây là một “khúc” ngoặt lớn của toàn nhân loại, nhưng đồng thời cũng là “lúc” để chúng ta chậm lại, suy xét và dành nhiều thời gian hơn để bồi dưỡng cho bản thân.
Tôi cũng như bao bạn bè đồng nghiệp khác đã có lúc cảm thấy lòng mình chùng lại, hoang mang trước tương lai, đặc biệt là giữa những ngày giãn cách xã hội, cả nước chỉ có khoảng 10 chuyến bay/ ngày. Nhưng cho tới bây giờ, tôi cảm thấy mình vẫn còn may mắn khi giữ được công việc này và được sống yên bình trong một đất nước có khả năng truy quét và dập dịch hàng đầu thế giới.
Nhân “cơ hội” đó, tôi quyết tâm rèn luyện, trau dồi thêm vốn tiếng Anh cho bản thân, học thêm các kiến thức chuyên môn về An toàn – An ninh và Dịch vụ để tăng cường chất lượng cho từng chuyến bay của mình. Bên cạnh đó, tôi còn dành được thời gian của các hoạt động thiện nguyện, hoạt động xã hội khác như tham gia cứu trợ đồng bào miền Trung bị hạn hán, lũ lụt…
“Tôi cảm thấy mình vẫn còn may mắn khi giữ được công việc này và được sống yên bình trong một đất nước có khả năng truy quét và dập dịch hàng đầu thế giới” (Ảnh: NVCC)
Niềm vui đón Tết cùng những cánh bay
Nói về những khoảng khắc giao thời giữa năm cũ và năm mới, tôi may mắn trải qua những cung bậc cảm xúc vui – buồn trong suốt 3 cái Tết làm TVHK. Năm đầu tiên đi làm và được nhận lương cùng thưởng Tết, tôi tự tay sắm sửa những thức quà để chưng lên bàn thờ trong ngày Tết, tự tay chuẩn bị mọi thứ tươm tất nhất để thắp hương gia tiên vào đêm giao thừa và rồi tạm biệt mẹ để “sải cánh” trong ngày Tết.
Năm thứ hai, tôi nhận lịch bay xuyên Tết, mọi thứ vẫn được chuẩn bị tươm tất nhưng là trước đó một vài ngày. Đêm cận Tết, khi kéo valy rời khỏi nhà, nhìn cảnh các gia đình khác trong xóm quây quần, đàn trẻ em háo hức chạy quanh các anh chị đang chuẩn bị nồi bánh chưng, lòng tôi bỗng thấy có chút buồn và tiếc nuối. Nhưng chính điều này đã khiến tôi nhận ra rằng mình nên dành thời gian và trân quý những lúc được ở cạnh gia đình nhiều hơn.
Đến năm vừa rồi, ngay trước khi dịch bùng phát, tôi lại lên đường bay sang Úc vào đêm mùng 1 Tết, đó cũng là cái Tết đầu tiên tôi trở thành một Tiếp viên trưởng. Trên chuyến bay, nhìn hành khách háo hức trở về quê hương sau những năm dài xa cách, tôi cũng cảm thấy háo hức vô cùng, đúng là “Đời nhiều cuộc phiêu du, nhưng chuyến mà ta mong đợi nhất, chẳng phải là chuyến đi về nhà hay sao?” (ca sĩ Soobin Hoàng Sơn).
Hạnh phúc khi góp sức vào những chuyến bay đoàn viên
Mỗi chuyến bay, đối với tôi là một kỷ niệm, nhưng chuyến bay mà tôi nhớ nhất là chuyến T.P Hồ Chí Minh – Hà Nội sáng ngày mùng 1 Tết cách đây 3 năm. Chuyến bay sáng hôm đó đầy khách, gương mặt ai cũng hiện lên nét háo hức, tươi tắn vì sắp được trở về quê hương mừng một năm mới sang. Tuy nhiên, tôi để ý nhất vẫn là một chị trạc ngoài 40, ăn mặc bình dân, khiêm nhường vác một chiếc túi bên trong đựng đầy bánh kẹo. Thấy chị tay xách nách mang, tôi chạy tới phụ chị tìm chỗ ngồi, hỗ trợ chị cất hành lý xong tôi có hỏi:
– Chị bận đi làm hay sao mà về quê trễ thế?
– Ừ em, chị làm ở xưởng gia công, Tết người ta cho nghỉ muộn, phải cúng vái nhà trong này xong mới khăn gói về quê được. Mà tàu thì hết vé nên đành mua vé máy bay rồi ngồi xe thêm một chặng mới về đến Thái Bình quê chị.
– Ơ, chị người Thái Bình ạ? Trùng hợp thế, bố em cũng người Thái Bình, quê em ở Vũ Thư, chị ạ.
– Thế à em? Chị người Thái Thụy đây. Ôi may mắn quá, gặp ngay cậu em cùng quê…
Tôi cũng không nhớ rõ sau đó chúng tôi đã trò chuyện những gì, nhưng cảm giác hạnh phúc khi giữa hàng trăm hành khách đang hướng về quê nhà thì chẳng thể nào quên. Và càng đặc biệt hơn khi tôi lại có duyên gặp gỡ với một chị đồng hương, một người con xa quê đang vội vã trở về nhà ăn Tết. Chuyến bay đầu năm đó thật giản đơn nhưng lại khiến tôi nhớ mãi, vì tôi biết rằng ngoài kia, vẫn còn những người tất bật đi làm ngày Tết giống như tôi.
Mặc dù công việc khác nhau, vị trí khác nhau, thu nhập khác nhau, tất cả chúng tôi đều có cùng điểm chung là hướng về gia đình trong những thời khắc giao mùa, cầu chúc cho những người thân yêu luôn được bình an, hạnh phúc. Và dù ở bất cứ nơi nào, bất cứ đâu, chúng tôi đều mong được trở về nhà ngay khi có thể…
Ngày Tết năm nay, tiếp viên chúng tôi sẽ có những nhiệm vụ khác nhau. Có những anh chị em sẽ được ở nhà cùng gia đình đón Tết. Nhưng cũng có những anh chị em sẽ thực hiện những chuyến bay xuyên giao thừa hay thậm chí phải cách ly xuyên Tết. Nhưng dù là bay đi đâu, làm những gì, chúng tôi vẫn luôn tự hứa rằng sẽ thực hiện nhiệm vụ thật tốt để đưa hành khách thân yêu đi đến nơi, về đến chốn và có những cảm giác tuyệt vời nhất khi bay cùng VNA – Hãng hàng không quốc gia đang “sải cánh, vươn cao”.