Từ những bước chân chập chững đầu tiên
Trầm ngâm sau câu hỏi của chúng tôi với dòng hồi tưởng đan xen, chú Trần Đình Ngoạn (nguyên là chuyên viên VP Đảng đoàn thể, Phó chủ Công đoàn Chi nhánh miền Trung) nhớ lại thời trai trẻ – những ngày đầu gắn bó với ngành hàng không, với một nụ cười nhẹ trên môi. Chú kể: “Tôi là người đầu tiên trong gia đình vào ngành hàng không. Ngày đấy, chúng tôi, những thanh niên mới lớn, chỉ mới mười tám, mười chín tuổi vừa học xong phổ thông, nghe theo tiếng gọi của Đảng, tuyển quân về ngành không quân.”
Chú say sưa kể về những ngày đầu như thể tất cả vừa mới xảy ra ngày hôm qua. Từ ngày được tuyển dự bị bay và làm kỹ thuật bay cho đến lúc được huấn luyện để trở thành cán bộ phục vụ kỹ thuật cho các chuyến bay. Những hồi ức, kỷ niệm như khắc sâu vào trong tâm trí của chú Ngoạn.
Trong giai đoạn từ năm 1979 đến năm 1983, chú là học viên trường Hàng không Krivoy Rog thuộc Liên Bang Nga (nay là Ukraina). Lớp có 16 thành viên thì có 12 người học trở thành phi công còn 4 người được đào tạo về mảng kỹ thuật, trong đó có chú Ngoạn.
Là người chứng kiến những thăng trầm của ngành hàng không Việt Nam từ những ngày đầu, chú Ngoạn suy tư: “Ngành hàng không có lúc thuận lợi, cũng có lúc khó khăn. Nhưng chưa lúc nào, khó khăn như hiện tại. Ảnh hưởng của dịch bệnh quá lớn”. Nhưng chú vẫn tin và hi vọng về một tương lai tươi sáng hơn cho ngành hàng không. Niềm tin một phần đến từ niềm tự hào của chú về người con trai thứ 3 – người phi công đã tham gia vào chuyến bay Boeing 787 đưa đồng bào đang bị mắc kẹt do dịch bệnh từ Mỹ trở về với quê hương.
Cho đến nhiệt huyết được kế thừa
Chia sẻ về “gia đình hàng không” của mình, chú hào hứng cho biết: “Con trai lớn của tôi là Trần Đình Hưng thì trước làm bên Công ty in của hàng không Việt Nam ở sân bay Gia Lâm. Con trai thứ hai là Trần Đình Dũng hiện đang công tác tại VAECO Nội Bài. Con trai thứ ba là Trần Đình Tuấn đang làm việc tại VAECO Tân Sơn Nhất, là thành viên phi hành đoàn trong chuyến bay đầu tiên tới Mỹ để đón đồng bào hồi hương năm 2020 vừa qua. Con trai thứ tư là Trần Đình Tuân đang làm ở VAECO Đà Nẵng. Còn con dâu của tôi là Nguyễn Thị Mỹ Loan làm việc tại bộ phận giám sát hành khách tại sân bay quốc tế Đà Nẵng thuộc TCT Hàng không Việt Nam. Không chỉ có cả gia đình tôi đều làm trong ngành mà họ hàng tôi cũng làm trong ngành hàng không rất nhiều.”
Có nhiều thành viên trong gia đình công tác trong ngành hàng không là niềm tự hào, hạnh phúc khôn xiết của chú Ngoạn. Nhưng điều này cũng đồng nghĩa với việc những dịp lễ Tết, cả nhà hiếm khi có mặt đông đủ. “Có những hôm ba mươi, mùng 1 Tết các thành viên trong nhà vẫn đi làm. Nhưng đó là đặc thù của người làm hàng không, mọi người đều vui vẻ và hết mình với công việc. Mình ăn Tết sau mọi người thay vì ăn Tết trước, mình làm mùng 1, mùng 2 Tết thì mùng 3 các gia đình lại tập trung vui vẻ vào sau Tết”, chú Ngoạn chia sẻ.
Gia đình hàng không của chú luôn như vậy, hết mình vì công việc, không ngại hi sinh khoảng thời gian cá nhân để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đối với chú Ngoạn thì đây không đơn thuần là một nghề nghiệp mà là truyền thống của gia đình, được kế thừa qua các thế hệ, là sự phấn đấu vì sự nghiệp phát triển của ngành hàng không nước nhà.
Năm mới sắp đến, không khí Tết đang ùa về tràn ngập khắp mọi nẻo đường. Người người đang hân hoan trong niềm vui đoàn viên bên gia đình. Cuối cùng chú vẫn không quên gửi những lời chúc, lời động viên đến toàn thể ngành hàng không Việt Nam trong năm tới với niềm hy vọng dịch bệnh sẽ được đẩy lùi và ngành hàng không sẽ dần dần hồi phục, cùng với lời niềm tin rằng con cháu trong gia đình sẽ luôn cống hiến nỗ lực hết mình cho VNA.
CTV Trường Sơn