“Xin kính chào quý khách! Thay mặt cho Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam, thành viên liên minh hàng không Sky Team…..”
Đó là những lời đầu tiên phát thanh trên chuyến bay dài 12 tiếng bay xuyên đêm của phi hành đoàn chúng tôi từ Paris về Tp.Hồ Chí Minh.
Sau khi đóng cửa máy bay, phi hành đoàn và hành khách là những người trước lạ mà giờ trở nên thân thiết, cùng hành trình trong con chim sắt mang tên Airbus hoặc Boeing để đến những miền đất mới. Mỗi chuyến bay đều đầy ắp kỷ niệm và có nụ cười xen lẫn sự cố gắng với những giọt nước mắt trong những khó khăn của nghề…
TVT Nguyễn Thị Bạch Nga 6.
Nhớ đến những ngày biến ước mơ bay thành sự thật giống như một bộ phim.
Chúng tôi phải trải qua kỳ thi tuyển gắt gao năm 1991, đó là một cuộc thi mang tính quốc gia và căng thẳng với hàng ngàn thí sinh từ khắp mọi miền. Cuộc thi kéo dài cả tháng trời, từ vòng sơ tuyển đến vòng ngoại hình, giao tiếp ứng xử, tiếng Anh và sức khoẻ.
Nhớ ngày đó, những cô gái 18, 19 tuổi như chúng tôi chẳng biết trang điểm, cứ mặt mộc tự nhiên đi thi và mặt không trang điểm cũng là yêu cầu bắt buộc của cuộc thi.
Phần thi giao tiếp ứng xử rất khó, vì ban giám khảo gồm gần chục người hỏi đủ các câu hỏi về xã hội và kiến thức làm nhiều người bạn cùng thi bị loại. Nhưng phần ám ảnh nhất đối với tất cả các thí sinh phải kể đến là kiểm tra tiền đình.
Sau khi quay xong hàng chục vòng không phân biệt trời và đất, khi đã rời khỏi ghế quay, bạn được yêu cầu đi 5, 6 bước rồi đọc và trả lời các câu hỏi của ban giám khảo một cách tỉnh táo, rõ ràng trong khi đầu vẫn đang… tiếp tục quay quay… Tuyển dụng khắt khe và chọn lọc như vậy, nên nhắc đến khoá 7, khoá 10 của chúng tôi hay khoá 11, 12 là thương hiệu trong nghề.
Sau tuyển dụng, phải trải qua hơn một năm trời rèn luyện tiếng Anh chuyên ngành hàng không, huấn luyện an toàn bay, an ninh, sơ cứu, thoát hiểm, kỹ năng giao tiếp ứng xử, xử lý các tình huống và kỹ năng phục vụ… chúng tôi mới ra trường.
Đó là con đường để đến với nghề. Nhưng sau khi ra trường, nhiều bạn không trụ nổi với những tình huống khó khăn khi “làm dâu trăm họ”, khi thay đổi múi giờ vì bay khắp nơi mà cơ thể không quen thích nghi, khi thức khuya dậy sớm, khi không thể thu xếp được việc gia đình… và đặc biệt với việc lúc nào cũng phải học, các kỳ thi liên tục là áp lực lớn cho các tiếp viên hàng không nói chung của bất kỳ hãng Hàng không nào…
Giờ đây với chúng tôi, phía trước là bầu trời xanh, máy bay là ngôi nhà thân yêu, phi hành đoàn là những người thân, hành khách là những người bạn…. Chúng tôi, những cánh chim không mỏi sẽ vẫn bay với ước mơ “Sải cánh vươn cao” và chỉ mong thế hệ tiếp nối chúng tôi sẽ có đủ nhiệt huyết, lòng yêu nghề để cho công việc luôn tốt lên.
Chị Nga (tóc ngắn, đứng giữa) chụp ảnh lưu niệm cùng phi hành đoàn trên một chuyến bay.
Xin cảm ơn nghề đã cho chúng tôi rất nhiều thứ, trưởng thành hơn, được đi khắp nơi, được có những người bạn tuyệt vời ở mọi phương trời… và nơi đó tôi cũng đã tìm được tình yêu của đời mình.
Dành cả tuổi thanh xuân để bay và yêu một người là có thật. Chưa biết ngày mai ra sao, nhưng nếu mình vẫn yêu say đắm và không thích thay đổi thì điều đó sẽ là mãi mãi.
Xin cảm ơn hậu phương vững chắc của chúng tôi là gia đình, bố mẹ, những người vợ, người chồng, những anh chị em, những đứa con, những người bạn… đã rất thiệt thòi khi có những thời khắc quan trọng của cuộc sống mà chúng tôi không thể có mặt, không thể tham gia để chia sẻ.
Tôi luôn cảm thấy hối tiếc khi không thể tham gia vài lần khai trường của con, những ngày giỗ chạp hay gặp mặt gia đình vào ngày Tết và cả ngày đặc biệt như đám cưới của những người bạn thân từ thời trung học…
Nghề nào cũng đòi hỏi sự hy sinh và nghề này, sự hy sinh còn có thể nhiều hơn thế…
Nhân kỷ niệm ngày này 26 năm trước bước vào nghề bay và nhớ về những người bạn thương yêu học chung khoá tiếp viên 10 đã ra đi… Và lời hứa năm xưa, chúng tôi sẽ thực hiện tiếp ước mơ bay dở dang của các bạn – những cánh chim khoá 10 và các thế hệ đàn em đã thực hiện rất tốt trong 26 năm qua và những năm sau sau nữa…