“Người đàn ông thép” của VNA trên chiếc xe đầu kéo

Trên chiếc xe đầu kéo nhỏ bé, kích thước chỉ bằng 1/30 so với máy bay, đều đặn mỗi ngày, anh Phạm Tho cần mẫn kéo máy bay về đúng vạch đỗ quy định an toàn, sẵn sàng cho những chuyến bay tiếp theo.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Gần 15 năm qua, anh Phạm Tho đảm nhận nhiệm vụ lái xe đầu kéo máy bay cho đơn vị phục vụ mặt đất VIAGS. Với anh, mỗi ngày đến công ty là một ngày vui. Việc đón nhận chứng chỉ 4 sao năm thứ liên tiếp trong một vài ngày tới là dấu mốc quan trọng trong hành trình phát triển của VNA. Và sau những thành công đó luôn có sự đóng góp, cống hiến của những con người thầm lặng như anh Tho.

alt text
Gần 15 năm qua, anh Phạm Tho đảm nhận nhiệm vụ lái xe đầu kéo máy bay. (Ảnh Tống Thảo).

Một ngày của lái xe đầu kéo máy bay

3h sáng, khi mọi người còn say giấc, các thành viên trong tổ lái xe sân đỗ của VNA đã vào ca làm việc đầu tiên. 200 con người được chia thành 16 tổ với khoảng 12-14 nhân viên/tổ, hoạt động luân phiên theo ca. Để đảm bảo sức khỏe, sự tỉnh táo cho lịch trình làm việc cả ngày lẫn đêm, các thành viên trong tổ được phân công hoạt động luân phiên theo ca. Nếu hôm nay đi ca 3h sáng, ngày mai họ sẽ lên ca 1h chiều, ngày kia sẽ đi ca tối. Đội lái xe sân đỗ của anh Tho đảm nhận nhiều nhiệm vụ khác nhau: nhóm lái xe vận chuyển hàng hóa, nhóm vận chuyển hành lý… Còn anh có trách nhiệm lái xe đầu kéo máy bay về đúng vạch quy định, đảm bảo tiến trình xuất phát.

Nếu không phải là người trong đội, chắc không mấy ai hiểu về công việc của anh em chúng tôi. Khi tàu bay hạ cánh, khách hàng rời khỏi tàu bay, đội vệ sinh hoàn tất việc dọn dẹp tàu bay là lúc công việc của tôi bắt đầu. Tôi sẽ lái xe đầu kéo, hay còn gọi là xe lai dắt, đẩy máy bay về vị trí đã đánh dấu để sẵn sàng đón lượt khách mới đi chuyến khác”, anh Tho cho biết.

Như mọi khâu vận hành khác, quy trình di chuyển máy bay bằng xe lai dắt cũng cần thực hiện theo những quy định nghiêm ngặt và chuẩn xác. Sau khi hoàn tất các bước chuẩn bị, phi công sẽ gọi lên tháp chỉ huy báo cáo về việc rời bến và được đẩy ra khỏi cổng lên xuống. Tài xế xe lai dắt có trách nhiệm liên lạc với phi công thông báo đã an toàn để máy bay rời đi. 

Phi công lúc này mới liên lạc với nhóm đẩy gồm tài xế xe lai dắt và người dẫn đường. Người dẫn đường có nhiệm vụ như con mắt thứ 3 của tài xế nhằm đảm bảo không có xe, người hoặc chướng ngại vật phía sau máy bay. Tuy nhiên, việc này cũng có thể ứng biến khác nhau tùy thuộc vào các quá trình hàng không và loại máy bay.

alt text
alt text

Mỗi khi ngồi sau vô lăng, tôi và các đồng nghiệp luôn tâm niệm an toàn là trên hết. (Ảnh VIAGS).

Chia sẻ thêm về công việc của mình, anh Tho lý giải: “Có thể nhiều người sẽ thắc mắc tại sao phần lớn phi cơ đều có khả năng tự dịch chuyển trên mặt đất kể cả chạy lùi, thì tại sao lại cần đến xe đầu kéo. Nhưng ít ai biết rằng tác động của luồng hơi phản lực từ động cơ có thể gây ra một số hậu quả cho các công trình hoặc trang thiết bị xung quanh. Chưa kể, khi dừng đỗ, động cơ máy bay khá gần so với mặt đất, nếu để máy bay tự chạy có thể thổi tung cát bụi khiến chúng mắc vào động cơ gây tổn hại tới máy bay. Sử dụng xe lai dắt để di chuyển máy bay sẽ an toàn và hiệu quả hơn việc để máy bay “tự thân vận động”.

Theo công ty VIAGS, công đoạn lái xe đầu kéo máy bay của anh Tho rất quan trọng, đòi hỏi người cầm lái phải có kinh nghiệm, xử lý chuyên nghiệp. Để kéo được chiếc máy bay to gấp hàng chục lần không phải là điều dễ dàng. Ngồi trên xe, tài xế không khác gì người tí hon giữa vô số phi cơ có giá trị từ vài chục đến hàng trăm triệu USD. Họ luôn quan niệm hướng bạn lái xe cũng là hướng mà đuôi máy bay tiến tới.

alt text
Công việc của anh đã góp phần đảm bảo chuyến bay cất cánh an toàn. (Ảnh VIAGS).

Nhiều năm gắn bó với nghề, anh Tho vẫn thường được ví như “người đàn ông thép” của VNA. 15 năm, anh đã kéo hàng chục nghìn lượt máy bay về đúng sân đỗ quy định. 

“Mỗi ngày, tôi kéo trung bình khoảng 9-10 máy bay, trong những tháng cao điểm hoặc mùa du lịch có thể gấp đôi. Mỗi khi ngồi sau vô lăng, tôi và các đồng nghiệp luôn tâm niệm an toàn là trên hết. Góp phần đảm bảo chuyến bay cất cánh an toàn là nhiệm vụ và cũng là mong muốn của cánh lái xe sân đỗ công ty phục vụ mặt đất VIAGS chúng tôi”, anh Tho bày tỏ.

15 năm ngọt bùi của người hùng thầm lặng

Trước khi gia nhập VIAGS, anh Tho đã có nhiều năm làm lái xe tải đường dài. Công việc cũ cho thu nhập cao nhưng không ổn định và phải đối mặt với nhiều hiểm nguy. Trước đây, gia đình rất muộn phiền vì anh vắng nhà suốt, vợ lo lắng cho chồng vì những chuyến xe xuyên đêm, có hôm mất hàng phải đền cho chủ.

Không muốn người thân lo lắng thêm, anh nộp đơn vào VNA, trải qua nhiều kỳ sát hạch, kiểm tra năng lực khắc nghiệt và các khóa đào tạo nghiệp vụ, anh chính thức gia nhập tổ lái xe sân đỗ. Những ngày đầu, khi chưa quen việc, anh chịu khó học hỏi từ người đi trước, quan sát đồng nghiệp di chuyển xe. Không lâu sau đó, anh đã thành thạo điều khiển xe đầu kéo máy bay, một trong khâu quan trọng nhất đảm bảo máy bay cất cánh an toàn.

alt text
Trải qua nhiều kỳ sát hạch, kiểm tra năng lực khắc nghiệt và các khóa đào tạo nghiệp vụ, anh chính thức gia nhập tổ lái xe sân đỗ. (Ảnh VIAGS).

Khi chuyển việc, anh Tho được gia đình ủng hộ. Anh cũng gặp nhiều đồng nghiệp tốt tại đây. Những ngày trong ca trực, họ truyền nhau kinh nghiệm làm việc, nhắc nhở nhau cùng cố gắng. Khi rảnh rỗi kể cho nhau nghe cuộc sống gia đình, hay những ước mơ của con trẻ. Anh Tho có hai con, con trai lớn đang học năm hai, con gái nhỏ vào trung học. Nhờ công việc ổn định, anh có đủ thu nhập để trang trải cho gia đình, nuôi con ăn học.

Không chỉ thu nhập tăng mỗi năm, anh và đồng nghiệp đều được hưởng mọi chế độ lao động, từ bảo hiểm, trợ cấp thương tật, y tế… Bên cạnh tiền nghỉ mát mỗi năm, anh Tho và gia đình còn được giảm giá vé máy bay mỗi khi muốn đi du lịch. 

Với thâm niên gần 15 năm, anh được giảm đến 90% giá vé máy bay tất cả chặng bay mà VNA khai thác. Người thân gồm bố mẹ vợ, bố mẹ chồng hay con cái của anh đều được hưởng ưu đãi này. Mỗi năm, anh luôn cố gắng dành một vài ngày phép để ở bên vợ con. Bởi theo anh, vợ hoặc chồng của những người làm công việc liên quan đến sân bay đều thiệt thòi. Họ ít có thời gian chăm sóc gia đình vì thường ra khỏi nhà vào sáng sớm và về nhà lúc tối muộn.

Công ty cũng rất quan tâm đến đời sống cán bộ nhân viên. Khi ốm đau, mọi người luôn được thăm hỏi ân cần. Mới đây, công ty còn tổ chức tiệc mời cả người thân của CBNV tham dự, giao lưu, chia sẻ để hiểu hơn về công việc của những con người thầm lặng ấy. Còn các thành viên trong tổ lái, như những gì anh Tho chia sẻ, “luôn nỗ lực hết mình trong công việc và hướng tới mục tiêu chung đưa VNA trở thành hãng hàng không tiêu chuẩn 5 sao”. Bởi với các anh, “VNA nói chung và VIAGS nói riêng từ lâu đã là ngôi nhà thứ hai, còn đồng nghiệp cũng trở thành anh em trong một gia đình”.

alt text
Anh Tho và các đồng nghiệp“luôn nỗ lực hết mình trong công việc và hướng tới mục tiêu chung đưa VNA trở thành hãng hàng không tiêu chuẩn 5 sao”. (Ảnh Tống Thảo).

Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.