Gia nhập VNA từ năm 2016, Cơ phó Đường Trung Dũng là thành viên trẻ tuổi nhất của phi hành đoàn phục vụ chuyến bay đón công dân Việt Nam từ Vũ Hán về nước. Nhớ lại thời điểm nhận nhiệm vụ từ lãnh đạo TCT, anh vẫn nhớ như in cảm giác hồi hộp xen lẫn tự hào. “Nhiệm vụ này có tính bắt buộc, nghĩa vụ của Hãng hàng không quốc gia, nhưng khi triển khai xuống anh em phi công, trước tiên, đó là tinh thần tự nguyện, xung phong đi làm nhiệm vụ, tôi tự hào vì được lựa chọn trong rất nhiều anh em tình nguyện đăng ký”, chàng Cơ phó trẻ vui vẻ nói.
Là một phi công của hãng hàng không quốc gia, cũng là một Đảng viên, tôi hiểu và ý thức được nhiệm vụ của mình với Tổng công ty, Tổ quốc và đồng bào. Nó nhắc nhớ tôi về bài học đầu tiên chúng tôi được học: “Người bay cũng là người lính, luôn sẵn sàng khi Tổ quốc gọi tên”, Trung Dũng chia sẻ.
Theo Trung Dũng, chuyến bay được VNA thiết lập theo tiêu chuẩn gắt gao nhất với tổ bay giàu kinh nghiệm, đội ngũ kỹ sư, nhân viên kỹ thuật, mặt đất đều có chuyên môn cao. Phụ tùng, vật tư dự phòng cũng được VNA đưa lên máy bay để sẵn sàng ứng phó với tình huống phát sinh liên quan đến kỹ thuật. Các bộ phận mặt đất được huy động để tăng cường trực điều hành, theo dõi sát sao chuyến bay với mức độ ưu tiên cao nhất, đảm bảo kế hoạch đề ra.
Nhắc tới điều ấn tượng nhất với bản thân trong suốt quá trình thực hiện chuyến bay, Trung Dũng khẳng định: “Đó là sự phối hợp hành động của rất nhiều bộ phận, không chỉ các đơn vị trong VNA mà còn của các đơn vị y tế, ngoại giao. Chuyến bay được lên kế hoạch và triển khai chỉ trong vòng 4 ngày với những yêu cầu hết sức khó khăn, ngặt nghèo. Tuy nhiên với tinh thần “không để đồng bào mình bị bỏ lại phía sau”, tất cả chúng tôi đều nỗ lực, chung tay cho hành trình đưa công dân Việt Nam về nước an toàn.”
Điều khó khăn nhất trong chuyến bay là giải pháp đảm bảo an toàn cho thành viên tổ công tác khi đi vào tâm dịch tại Vũ Hán. Phi hành đoàn đã triển khai hai cuộc họp với các bác sỹ của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và Bộ Y tế. Từ đó, nhiều tình huống có thể phát sinh được đưa ra để có thể xây dựng kế hoạch trang bị bảo hộ tốt nhất cho chuyến bay lần này.
“Một khó khăn khác mà chúng tôi phải đối mặt là làm sao để đảm bảo an toàn cho hành khách là thai phụ 36 tuần. Với tình trạng thai lớn, thay đổi điều kiện môi trường trên máy bay như khí áp, nhiệt độ, khả năng thai phụ sinh trên máy bay là hoàn toàn có thể xảy ra. Vì vậy, tổ công tác đã bố trí một bác sỹ sản khoa của bệnh viên Phụ sản Trung ương đi cùng để chăm sóc cho hành khách đặc biệt này. Và như mọi người đã biết, chúng ta đã hoàn thành chuyến bay thành công, sức khoẻ của mẹ và bé đều ổn cho tới khi hạ cánh ở Vân Đồn”, Trung Dũng thở phào.
Việc thực hiện những chuyến bay đặc biệt luôn là sứ mệnh, trách nhiệm của Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam. Khẳng định sự hãnh diện khi góp sức vào chiến dịch ý nghĩa lần này, Trung Dũng hào hứng: “Là một phi công trẻ của VNA, đây là lần đầu tiên tôi có vinh dự tham gia chuyến bay như vậy. Chuyến đi có lẽ sẽ là một kỷ niệm mà tôi sẽ không thể nào quên trong suốt cuộc đời cầm lái của mình”.
Lê Hằng, Hoàng Quy-COMM