‘Nếu chọn lại, tôi vẫn muốn trở thành tiếp viên VNA’

‘Trở thành tiếp viên hãng hàng không quốc gia Việt Nam không chỉ thỏa mãn ước mơ bay mà còn là may mắn cuộc đời đã ban tặng. Và nếu được chọn lại lẫn nữa, tôi chắc chắn vẫn muốn trở thành tiếp viên của VNA’ – TVT Nguyễn Tường Linh khẳng định.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Duyên nợ “tình cờ” với nghề tiếp viên hàng không

Năm 1995, vô tình trong một lần đọc báo Tuổi trẻ, chàng trai trẻ Nguyễn Tường Linh tình cờ đọc được thông tin hãng hàng không VNA đang tuyển tiếp viên hàng không. Dù gia đình chưa ai có cơ duyên với ngành hàng không và dự định ban đầu cũng không phải ngành này, nhưng anh vẫn quyết đình nộp hồ sơ ứng tuyển để thử sức. Vừa học xong khoa Toán – Tin thuộc ĐH Tổng hợp TP HCM, chàng thanh niên ngoài 22 tuổi không ngờ rằng tiếp viên hàng không lại là công việc gắn bó với cuộc đời anh trong hơn 23 năm qua. 

Nhớ lại những ngày đầu bước vào nghề, anh Tường Linh không khỏi bồi hồi khi mường tượng lại khung cảnh và tậm trạng của nhiều năm về trước: “Để chuẩn bị vào công việc chính thức, cơ quan đã cho tôi trải qua “chuyến bay cảm giác” ra Hà Nội và ở lại 4 ngày. Đó là chuyến bay đầu tiên và cũng là lần đầu, tôi đặt chân đến Thủ đô. Sau ngần ấy thời gian nhưng nghĩ lại tưởng chừng chỉ mới ngày nào. Và sau những chuyến bay thực tập, tôi bắt đầu bay chính thức từ tháng 7/1996.

TVT Nguyễn Tường Linh (thứ ba từ trái sang) cùng các đồng nghiệp. (Ảnh: NVCC).

Dù đã trải qua không biết bao nhiều chuyến bay, nhưng điều làm anh Tường Linh cảm thấy tự hào và may mắn là anh có nhiều chuyến bay chuyên cơ với các vị lãnh đạo cấp cao của nhà nước. Anh vẫn còn nhớ như in chuyến bay chuyên cơ đầu tiên đi công du các thành phố ở nhiều nước châu Âu (Italy, Pháp, Bỉ…) với Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu năm 1998. 

Với tâm trạng đầy tự hào, anh nhớ lại: “Được lựa chọn phục vụ đoàn chuyên cơ là vinh dự không thể nào quên trong cuộc đời của một tiếp viên hàng không. Điều đó mang lại cho tôi cảm giác rất hãnh diện về nghề nghiệp. Tôi có vinh dự khi đã bay rất nhiều chuyến chuyên cơ với nhiều nhà lãnh đạo cấp cao của Việt Nam như: TBT Lê Khả Phiêu, TBT Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân…”.

Niềm tự hào và áp lực của người tiếp viên hàng không

Trên chặng đường chinh phục giấc mơ bay đầy gian nan, vất vả và có cả sự hy sinh cá nhân, nhưng bằng sự nỗ lực và cố gắng, đến nay anh Linh đã được đứng trong hàng ngũ tiếp viên trưởng của VNA. Nhưng không vì vậy mà cảm thấy tự mãn, bản thân anh luôn tâm niệm: “Ngành hàng không là ngành có môi trường làm việc văn minh hiện đại, quy trình chặt chẽ với những đồng nghiệp thân thiện, chân thật luôn kề vai sát cánh, sẵn sàng hỗ trợ bất kỳ lúc nào. Môi trường làm việc ở VNA giúp tôi nhận ra được đây là công việc “còn bay là còn học”, dù đã là một tiếp viên trưởng.”

Trong những chuyến bay đường dài ra nước ngoài, bên cạnh việc đảm bảo các tiêu chuẩn bốn sao của hãng thì hành trang của những người tiếp viên là lòng tự hào dân tộc. Từ tên gọi hãng hàng không quốc gia Việt Nam, đến bộ quốc phục áo dài được những người đồng nghiệp nữ xinh đẹp khoác lên mình, chỉ cần nhắc đến thôi là trong tim tôi đã cảm thấy sự tự hào sâu sắc.

Công việc của những người tiếp viên hàng không giống như những người sứ giả, những đại sứ hòa bình mang hình ảnh của đất nước giới thiệu đến bè bạn năm châu, giúp những người con xa xứ cảm nhận được hơi thở của văn hóa Việt Nam. Từ khách du lịch, người nước ngoài sống tại Việt Nam đến những hành khách Việt Nam sống ở nước ngoài về thăm quê đều cảm thấy sự thân quen mỗi khi bước lên chiếc máy bay của VNA. Người tiếp viên hàng không VNA nói tiếng Việt, mặc quốc phục Việt, đó là hình ảnh gây ấn tượng với những hành khách khi đặt chân đến đất nước mình. 

Để đảm bảo được sức khỏe phục vụ đặc thù công việc, anh Linh chia sẻ hằng ngày đều phân chia công việc tối đa nhất trong thời gian ở mặt đất và thường xuyên tập luyện thể dục – thể thao. Ngoài ra, anh luôn trau dồi kiến thức, kỹ năng để hoàn thiện bản thân và chia sẻ với những đồng nghiệp đi sau để truyền lửa cho các thế hệ tiếp viên hàng không.

Mỗi chuyến bay đều khác nhau từ thời tiết, không gian, hành khách và cả ekip đồng nghiệp, nên từng chuyến bay lại là trải nghiệm khác nhau, giúp mình luôn luôn háo hức, luôn luôn khát khao và trở thành nguồn cảm hứng bất tận để gắn bó với công việc này. Trong giờ phút rảnh rỗi hiếm hoi, anh thường cùng đồng nghiệp trẻ ngồi lại với nhau để tâm sự, chia sẻ với nhau về những kỷ niệm, khó khăn trong quá trình làm việc. Từ đó giúp các thành viên đội bay tự hào hơn, ý thức hơn khi khoác lên mình trang phục của VNA – hãng hàng không quốc gia Việt Nam mang tiêu chuẩn 4 sao. 

“Mỗi chuyến bay là một bài học”, anh luôn tâm niệm cho mình phải học hỏi những điểm mạnh của từng đồng nghiệp và ghi nhớ những tình huống xảy ra trong quá trình làm việc. Anh Linh nhận định: “Để đảm bảo kế hoạch khai thác “An toàn – chất lượng – đúng giờ”; duy trì vững chắc chất lượng dịch vụ 4 sao; đề ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nguồn lực đi đôi với nâng cao chất lượng dịch vụ trên không; Đoàn tiếp viên luôn là nhân tố tích cực có nhiều đóng góp vào sự thành công của VNA”.

Ngoài những giờ bay, anh Tường Linh yêu thích chơi trống. (Ảnh: NVCC).

Nhận trọng trách Tiếp viên trưởng, anh Tường Linh lại cảm thấy lo nhiều hơn vui: “Trên tiếp viên còn có tiếp viên trưởng và tiếp viên phó, nhưng với tiếp viên trưởng thì mình phải gánh vác toàn bộ trách nhiệm”. Anh kể lại một kỷ niệm đáng nhớ trong ngày đầu tiên đảm nhiệm vị trí mới: “Lúc đó, dù đã bay rất nhiều, tất cả thành kỹ năng rồi nhưng mình vẫn cẩn thận ghi lại toàn bộ các khâu cần thực hiện vào giấy để không quên một chi tiết nào”. 

Để có chất lượng dịch vụ phục vụ hành khách đạt tiêu chuẩn 4 sao và tiến tới 5 sao trên các chuyến bay, người tiếp viên luôn giữ vị trí tuyến đầu đại diện cho thương hiệu của VNA, đại diện cho quốc gia – dân tộc, là sứ giả đầu tiên chào đón bạn bè quốc tế đến với Việt Nam; đưa văn hóa Việt Nam đến với với bạn bè thế giới. Nhận thức rõ sứ mệnh, theo anh Linh, các tiếp viên phải luôn nỗ lực phấn đấu, làm tròn trách nhiệm, tạo ấn tượng tốt đẹp nhất với hành khách bay cùng hãng. 

“Tôi tự hào khi mình có những người đồng nghiệp thân thiện như một gia đình. Trở thành tiếp viên hãng hàng không quốc gia Việt Nam không chỉ thỏa mãn ước mơ bay mà còn là may mắn cuộc đời đã ban tặng. Nơi đây còn hơn cả nơi làm việc mà chính là gia đình thứ hai. Và nếu được chọn lại lẫn nữa, tôi chắc chắn vẫn muốn trở thành tiếp viên của VNA”, anh Tường Linh tự hào khẳng định.

Spirit Vietnam Airlines
Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.