Nấu ăn với tôi là niềm vui

Thế mà tôi đã gắn bó với căn bếp của Đoàn Bay được trên 35 năm rồi. Gia nhập bếp ăn của Đoàn từ năm 1983, đến nay trong suốt quá trình công tác, mỗi ngày phục vụ hàng trăm lượt CBNV, phi công, tôi tự hào nhất là luôn đảm bảo những bữa ăn ngon miệng, an toàn cho tất cả anh chị em.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Chị Trần Thị Phương Hồng – Bếp trưởng Nhà ăn Đoàn Bay phía Nam Đoàn bay 919. (Ảnh: ĐB).

Tôi là một cô gái quê ở Thái Bình. Gia đình khá neo người vì bố tôi đi bộ đội, mẹ đi làm công nhân trên Hà Nội nên năm tôi vừa tròn 17 tuổi, bác tôi là bộ đội đóng quân trong sân bay Tân Sơn Nhất đã ra đón tôi vào, xin cho làm trong bếp luôn. Lúc đầu, tôi làm phục vụ bàn, dần dần học việc bếp núc, tiếp phẩm rồi khi các cô lớp trước nghỉ hưu, tôi được chuyển lên nấu bếp, cùng với các công việc sổ sách khác. Đến nay thì các cô, các chị lớp trước đã nghỉ hưu hết, từ năm 2012, tôi được tín nhiệm cử làm Bếp trưởng.

Lúc tôi mới làm, nhà ăn đông anh chị em phục vụ lắm, lúc cao điểm nhất lên tới gần 30 người. Lúc đó, có bữa ăn có trên 100 suất là bình thường. Hiện nay thì bếp chỉ còn 6 chị em, mỗi bữa phục vụ từ 50-70 suất. Bếp ăn của Đoàn Bay chúng tôi không nấu những món cầu kỳ như ở ngoài nhà hàng, mà chỉ phục vụ những món ăn kiểu gia đình. Mục tiêu cao nhất của chúng tôi là giúp anh chị em có những bữa ăn vừa miệng, giá cả hợp lý và điều quan trọng nhất là an toàn, để anh em phi công đi bay không gặp bất cứ vấn đề gì về vệ sinh thực phẩm.

alt text
Hiện nay bếp chỉ còn 6 chị em, mỗi bữa phục vụ từ 50-70 suất. (Ảnh: ĐB).

Tôi nghe các cô, các bác kể, bếp ăn đã có từ hồi Đoàn Bay thành lập, hồi đó, tiêu chuẩn ăn của phi công được xác định theo định lượng rất chi tiết, món nào cung cấp bao nhiêu calo được tính toán kỹ lắm. Đến những năm cuối thập kỷ 1990, bữa ăn bao cấp cho phi công được bỏ, tiền ăn được đưa vào lương, từ đó bếp ăn chuyển sang cơ chế dịch vụ cho đến nay. Rất tiếc là năm 2015, khi không còn nhà khách ở phía Bắc, bếp ăn phía Bắc đã giải tán.

Khách thường xuyên của nhà bếp là CBNV khối văn phòng của Đoàn Bay phía nam, phi công đi bay SIM định kỳ, phi công nghỉ lại nhà khách chờ chuyến bay tiếp theo. Các lãnh đạo Đoàn Bay cũng đều là khách quen của bếp ăn, các chú, các anh đều rất gần gũi, hòa đồng.

Bếp phục vụ ngày ba bữa, với các thực đơn thay đổi hằng ngày, không hôm nào trùng hôm nào. Bữa sáng thì có bún bò, bún riêu, bún thịt nướng, phở, hủ tíu, bánh đa, cơm chiên. Bữa trưa thì thường là ngoài các món thịt kho, cá kho, có thêm nhiều món khác như thịt quay, thịt viên, trứng chiên, bún chả…, và tất nhiên không thiếu rau, canh. Bữa tối thì lượng suất ăn ít hơn, thường là 20 suất, chủ yếu là anh em phi công trực hoặc bay đường dài, lái xe phục vụ đưa đón phi công, tiếp viên.

Hiện nay tất cả 6 chị em trong tổ bếp đều là người Bắc, nên bếp ăn phục vụ toàn món Bắc. Trong đó, món “tủ” của bếp là cá kho, lúc nào chúng tôi cũng chuẩn bị sẵn một nồi, cùng với nồi cơm. Khi có phi công bất chợt bay về nghỉ nhà khách, muốn ăn cơm là chúng tôi luôn có cơm cá kho, kèm thêm trứng chiên, rau luộc cho nóng sốt. Nhiều chú phi công lớn tuổi “nghiện” món cá kho của nhà bếp, đi bay nước ngoài thường yêu cầu đóng hộp cá kho để ăn.

Các phi công lớn tuổi thì hầu như chỉ cần một hai lát cá kho là xong bữa rồi, nhiều anh, chú cũng hạn chế ăn đồ béo, thịt. Các em phi công trẻ ăn khỏe hơn, mới dùng đến 3-4 món thức ăn. Cũng nhiều phi công nước ngoài vào bếp ăn, họ cũng ăn các món như phi công Việt Nam cả.

Làm ở bếp ăn thì chúng tôi quen biết hầu hết CBNV Đoàn Bay. Các anh chị làm ở phía Nam hầu như ai cũng có bữa ăn nhà bếp không nói làm gì, kể cả các anh chị từ phía Bắc, đi công tác vào cũng ghé bếp ăn, lâu dần thành quen, mỗi lần vào nói chuyện hỏi thăm tíu tít. Còn với anh chị em khối văn phòng thì căng tin là địa điểm tụ tập quen thuộc mỗi buổi sáng, mọi người có ăn sáng rồi cũng vào uống ly cà phê, hỏi thăm, chuyện trò hay trêu đùa nhau trước khi vào làm. Ai cũng bảo căng tin là địa điểm vui nhất ở cơ quan.

Ở nhà bếp, kể cả khi có trên 20 người, đến nay chỉ 6 người thì lúc nào cũng bận rộn, làm việc luôn chân luôn tay. Vậy nên chúng tôi luôn san sẻ công việc cho nhau, ai cũng biết việc của người khác để lúc cần có thể thay thế, không chỉ nấu nướng, phục vụ bàn mà cả lên thực đơn, đi mua đồ, nhập kho, làm sổ sách… Ngoài các việc trong bếp, thì sau mỗi bữa, từ rửa bát, lau nhà, vệ sinh chúng tôi đều chia nhau làm lấy cả, không phải thuê ngoài bất cứ việc gì. Lúc nào làm việc mệt mỏi quá thì thường chọc nhau dăm ba câu, tất cả cười vui là xóa được mệt mỏi.

Bếp phục vụ ngày ba bữa, với các thực đơn thay đổi hằng ngày, không hôm nào trùng hôm nào. (Ảnh: ĐB).

Lao động luôn chân luôn tay suốt ngày nên chúng tôi luôn thấy khỏe, như hồi trước Đoàn Bay hay tổ chức thi kéo co, tổ bếp lúc nào cũng giành giải Nhất, khiến anh chị em cơ quan ngạc nhiên hỏi sao các chị… già mà còn khỏe thế?

Chị em cùng làm hiện nay đa phần cùng lứa tuổi với tôi, nên lúc sinh con là liên tiếp nhau, lúc đó khá là vất vả, người này nghỉ sinh người khác phải làm đỡ việc. Nhưng may là lúc các cháu lớn lên, cùng độ tuổi, học cùng trường, nên một mẹ có thể đưa đón hộ mấy mẹ khác.

Công việc của chúng tôi luôn bận rộn vào giữa trưa và cuối giờ chiều, nên các chị em đều ít có thời gian dành cho gia đình. Gần như không ai được ăn bữa cơm cùng gia đình, mà thường sáng sớm, chúng tôi tranh thủ nấu nướng hoặc chuẩn bị đồ ăn cho cả nhà, trưa chiều chồng con tự nấu nướng.

Làm việc cạnh nhau suốt ngày đêm ở cơ quan nên tình cảm của chị em hết sức gắn bó. Các chị, các cô đã nghỉ hưu cũng thường xuyên quay về tụ họp hằng năm.

Trong tổ bếp, cũng có mấy chị lấy chồng làm phi công, trong đó có chị Xuân không may anh ấy gặp tai nạn, mất trong chuyến bay ở Đà Nẵng. Nhớ lại thời gian đó, chúng tôi còn cảm thấy rất buồn, vì ngày nào anh ấy cũng ăn ở bếp chúng tôi, thế mà hôm đó bay đi rồi không về nữa. Buồn nhưng chúng tôi cũng cố gắng động viên, chia sẻ công việc, giúp chị Xuân phần nào nguôi ngoai đi nỗi mất mát.

Chị em chúng tôi cũng tự nhận thấy hạn chế là tay nghề không cao. Hồi xưa, chúng tôi còn được gửi đi học ở trường trung cấp nấu ăn, rồi mấy năm được đưa ra Hà Nội đi thi nâng bậc một lần, nhưng gần đây thì không còn nữa. Dù sao, chúng tôi vẫn luôn tự hào là nấu ăn bằng cả cái tâm của mình. Các tiêu chí quan trọng nhất cho suất ăn nhà bếp lần lượt sẽ là chất lượng, vệ sinh và ngon. Suất ăn ở bếp ngày nào cũng có bên y tế lưu mẫu, nhưng suốt bao nhiêu năm nay, chưa bao giờ xảy ra trường hợp mất vệ sinh ảnh hưởng sức khỏe nào. Đồ ăn giống như bữa ăn ở nhà, nên có lần chúng tôi tổ chức làm bún thịt nướng, các anh phi công già thách nhau xem ai ăn được nhiều hơn, có anh xơi được cả chục suất, ai cũng vui!

Công việc của chị luôn bận rộn vào giữa trưa và cuối giờ chiều, nên các chị em đều ít có thời gian dành cho gia đình. (Ảnh: ĐB).

Hiện nay bếp ăn hoạt động theo cơ chế tự hạch toán, cơ quan chỉ hỗ trợ địa điểm, điện nước, dụng cụ nấu, tủ lạnh, còn các chi phí thực phẩm, dầu giấm, mắm muối, gas, chúng tôi đều tự cân đối. Dù vậy, giá cả cũng rất phải chăng, chúng tôi luôn xác định tính chất là phục vụ, mua bao nhiêu bán bấy nhiêu, nên mỗi suất ăn cũng chỉ từ 20.000 – 50.000 đồng. Ngoài đồ ăn thì có phục vụ thêm cà phê, nước ngọt đóng chai để trong tủ lạnh.

alt text
Công việc vất vả nhưng luôn tràn ngập kỷ niệm. (Ảnh: ĐB).

Tôi nhớ nhất kỷ niệm hồi bếp ăn từng… giải tán hụt. Khi đó, Đoàn Bay phải trả bếp cho nhà ga, Ban lãnh đạo đã cho thanh lý hết tất cả đồ đạc, điều chuyển chị em ở tổ bếp lên các bộ phận khác nhau thuộc văn phòng, nhà khách. Được vài tháng, anh chị em ai cũng đã bắt đầu quen việc mới, bỗng nhiên anh Thắng, Đoàn trưởng gọi tôi lên yêu cầu cấp tốc tổ chức lại bếp ăn, trong khi chỉ còn gần một tháng nữa là Tết Nguyên đán rồi. Thực hiện chỉ đạo, tôi với chị Xuân nháo nhào đi mua đồ đạc, thế rồi cũng xong xuôi, bếp lại đỏ lửa khi chỉ còn ít ngày là Tết.

Tôi có may mắn là gặp, yêu và cưới ông xã cũng từ bếp ăn này. Anh ấy trước là bộ đội, tham gia tiếp quản sân bay Huế, rồi làm quản lý ở bếp tập thể tại các sân bay ở Huế rồi Đà Nẵng. Một lần anh Lĩnh, Đoàn trưởng ra sân bay Đà Nẵng công tác, thấy anh ấy quản lý tốt, mới xin anh ấy về quản lý bếp ăn của Đoàn Bay. Chúng tôi cưới nhau xong một thời gian thì anh ấy xin đi học lái xe, rồi phục vụ bên đội xe của Đoàn. Anh ấy đã về hưu cách đây vài năm.

Vợ chồng tôi có hai con, cháu trai mê nghề phi công, đã học phi công cơ bản xong. Cháu gái thì học ngành quản trị kinh doanh, tự xin được học bổng học bên Úc. Hai vợ chồng cùng đơn vị, được cấp đất xây nhà, nên cuộc sống bây giờ cũng hết sức thoải mái, chỉ là chưa lên ông lên bà như các bạn cùng trang lứa thôi.

Tổng kết lại 35 năm gắn bó với bếp ăn, được phục vụ hàng nghìn lượt phi công và CBNV Đoàn Bay, tôi nhận thấy dù công việc vất vả nhưng luôn tràn ngập niềm vui. Ngày nào không đi làm là nhớ ngày ấy!

TTNB Đoàn bay

Spirit Vietnam Airlines
Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.