Xin chào anh Đức, chúc mừng anh đã quay trở lại Việt Nam. Trước tiên, anh cho biết điều gì đã xảy ra tại Myanmar trước và trong thời điểm khi VNA thực hiện hai chuyến bay đưa công dân về nước vào ngày 4/3?
Tình hình Myanmar bất ổn từ hơn một tháng nay, bắt đầu vào ngày 01/02/2021 khi quân đội Myanmar thực hiện việc bắt giữ bà Aung San Suu Kyi – Chủ tịch Đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ của Myanmar, ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia và nắm quyền kiểm soát chính quyền.
Từ thời điểm đó, hàng ngày có rất nhiều người dân Myanmar đã ra đường biểu tình phản đối hành động của quân đội Myanmar. Trong khoảng một tuần trước thời điểm thực hiện chuyến bay, các vụ đụng độ của quân đội Myanmar với người biểu tình ngày càng trở nên căng thẳng. Liên hợp quốc thông tin ngày 3/3 là bạo động lên đỉnh điểm khi có đến 38 người thiệt mạng tại Myanmar, tức một ngày trước chuyến bay của VNA.
Trong những ngày này, người Việt Nam tại Myanmar sống trong tâm trạng bất an và lo lắng bởi tình hình rất hỗn loạn trên đường phố. Ở trong nhà, nhiều người có thể nghe rõ ngay bên ngoài vang lên những tiếng súng, tiếng lựu đạn nổ không ngừng, tiếng người biểu tình hò hét, chạy trốn rầm rập. Trên các con đường, các hàng rào chắn do người biểu tình dựng lên ở khắp mọi nơi, khiến việc di chuyển là rất khó khăn.
Chuyến bay đặc biệt của VNA được lên kế hoạch rất đúng thời điểm khi có rất nhiều người Việt Nam mong muốn được về nước để thoát khỏi tình cảnh hiện tại. Tôi cho rằng chính phủ Việt Nam cũng như Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar đã rất nhanh chóng và kịp thời trong việc phối hợp với VNA thực hiện hai chuyến bay này. Việt Nam có lẽ là quốc gia đầu tiên đưa công dân về nước vì yếu tố chính trị bất ổn của Myanmar.
Chính phủ Việt Nam cũng đã đánh giá đúng mức độ phức tạp của tình hình nên đã chỉ định VNA – hãng hàng không Việt Nam đạt tiêu chuẩn an toàn cao nhất để khai thác chuyến bay.
Công tác chuẩn bị của VNA cho chuyến bay gặp những khó khăn gì?
Đối với VNA nói chung, khó khăn lớn nhất là phải đánh giá đúng tình hình và đưa ra các phương án khai thác dự phòng, đảm bảo không có các yếu tố đe dọa đến an toàn bay và an toàn khai thác. Ngoài ra, do biểu tình quy mô lớn và đình công, những lo ngại về việc khách không ra được sân bay vì bị chặn đường hay nhân viên phục vụ mặt đất tại sân bay Yangon không đến làm việc cũng được tính đến.
Đối với Chi nhánh Myanmar nói riêng, công tác chuẩn bị không chỉ liên quan đến vấn đề khai thác cho hai chuyến bay kể trên mà còn phải chuẩn bị các công việc của Chi nhánh trước khi rút hai Cán bộ đại diện còn lại về nước.
Trong thời gian ngắn, Chi nhánh Myanmar phải lên kế hoạch và thu xếp các phương án xử lý rất nhiều các vấn đề liên quan đến điều hành hoạt động của Chi nhánh từ xa; lên kế hoạch và chuẩn bị đưa các tài sản, tài liệu kế toán của công ty về nước để tránh mất mát. Mỗi lần phải ra ngoài xử lý công việc là một lần phải tính toán để đảm bảo an toàn cho bản thân và nhân viên địa phương.
Hai chuyến bay đã diễn ra suôn sẻ trong một tình cảnh rất phức tạp, anh nghĩ yếu tố quyết định ở đây là gì?
Trước diễn biến phức tạp tại Myanmar, Ban lãnh đạo TCT đã rất thận trọng khi đưa chuyến bay lên mức ưu tiên cao nhất, đồng thời chỉ đạo sát sao công tác chuẩn bị và thực hiện chuyến bay. Chuyến bay được trang bị đầy đủ thiết bị, vật dụng và con người cho những tình huống bất thường xảy ra. Các thông tin về tình hình tại Myanmar được Ban lãnh đạo cập nhật liên tục cho đến trước thời điểm khai thác để đảm bảo đã bay là phải an toàn tuyệt đối.
Ngoài ra, hai chuyến bay thực hiện suôn sẻ phải kể đến sự phối hợp khẩn trương và hiệu quả của các cơ quan chuyên môn của TCT, trong đó có ban KHPT, DVHK, OCC, NOC, VIAGS… Các công việc như xây dựng phương án khai thác, xin phép bay, chuẩn bị nhân sự, khí tài, lên phương án vận chuyển tài sản TCT về nước… được thực hiện một cách nhanh chóng. Trước sức ép về thời gian, toàn bộ gần 400 vé máy bay của khách đã được Ban KHPT phối hợp cùng với các phòng vé của các chi nhánh khu vực trong nước xử lý chỉ trong vòng hai ngày.
Hành khách tại sân bay Yangon – Myanmar. (Ảnh: NVCC)
Là người có nhiều năm công tác tại Myanmar, cảm nghĩ của anh là gì khi rời khỏi Myanmar trong tình cảnh như vậy?
Tôi bắt đầu công tác tại Myanmar từ tháng 1/2016, là thời điểm Myanmar bước vào giai đoạn đẹp nhất khi chính phủ của bà Aung San Suu Kyi vừa thắng cử và bắt đầu điều hành đất nước. Cùng với sự phát triển nhanh chóng của Myanmar, tình hình kinh doanh của VNA tại đây cũng có nhiều khởi sắc, tần suất khai thác là hai chuyến bay một ngày, đem lại doanh thu đáng kể cho TCT.
Tuy nhiên, trong khi Myanmar vẫn còn đang loay hoay chống lại dịch Covid-19 thì biến cố chính trị xảy ra đã như một cú đánh knock-out đến nền kinh tế non trẻ của Myanmar, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các doanh nghiệp đang hoạt động tại đây, trong đó có VNA. Trong vòng 10 năm kể từ ngày bắt đầu khai thác đến Myanmar, Chi nhánh Myanmar đã trải qua nhiều khó khăn và sóng gió, nhưng có lẽ đây có lẽ là thời điểm khó khăn nhất.
Buổi chiều ngày 3/3, sau khi thực hiện việc kiểm tra xong hệ thống check-in tại sân bay, tôi cùng với các nhân viên địa phương người Myanmar về khách sạn gần đó để ở lại qua đêm theo như chỉ đạo của Lãnh đạo TCT để tránh các rủi ro trong việc di chuyển vào sáng hôm sau.
Khi về đến khách sạn, điều bất ngờ đối với tôi là một số các bạn nhân viên địa phương thay đồ rồi xuống… bơi tại bể bơi của khách sạn, cười đùa một cách rất vui vẻ. Tôi chợt nhận ra rằng, đất nước mà mình sắp rời đi một cách vội vã vẫn luôn là quê hương của chính họ, những người ở lại và luôn lạc quan sẵn sàng đón nhận những niềm vui nho nhỏ trong cuộc sống.
Tôi hy vọng và cầu chúc cho đất nước xinh đẹp của những người đồng nghiệp Myanmar thân thiết sẽ sớm vượt qua được những khó khăn hiện tại và tiếp tục phát triển bền vững.
Xin cảm ơn anh đã chia sẻ.
Truyen Thong Noi Bo – COMM