[Khen thưởng] Phòng Kỹ thuật – FTC: Sự cống hiến thầm lặng sau buồng lái mô phỏng

Phòng Kỹ thuật – Trung tâm huấn luyện bay có tầm quan trọng đặc biệt, đảm nhận nhiệm vụ hỗ trợ tổ chức vận hành, khai thác các trang thiết bị huấn luyện, với hệ số sẵn sàng khai thác của thiết bị là 98%.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

12h, trong khi nhiều nhân viên của Trung tâm huấn luyện bay (FTC) cùng nhau tỏa ra các hướng đi ăn trưa thì nhiều kỹ sư của phòng Kỹ thuật liên tục thay nhau dùng bữa để đảm bảo mọi thiết bị tại FTC vận hành liên tục, an toàn và hiệu quả. Từng tốp 4, 5 người nhanh chóng giải quyết bữa trưa để thay phiên cho tốp khác. Việc này diễn ra mỗi ngày, không có gì thay đổi trong nhiều năm qua.

Các kỹ sư Phòng kỹ thuật – FTC. (Ảnh: FTC).

“Trái ngọt” trong 6 tháng đầu năm

So với nhiều đơn vị trực thuộc, phòng ban khác tại TCT, phòng Kỹ thuật đặc biệt hơn cả vì 21 người (14 kỹ sư và 7 nhân viên) đều là nam giới. Họ được gọi vui là những “chân dài”. Trong đợt sơ kết 6 tháng đầu năm vừa qua, phòng Kỹ thuật vinh dự được khen thưởng vì cống hiến không biết mệt mỏi trong thành công chung của TCT.

Trung tâm FTC có chức năng đào tạo, huấn luyện phi công, tiếp viên và nhân viên khai thác bay; hợp tác kinh doanh; khai thác buồng lái mô phỏng; tuyển và tham gia quá trình đào tạo huấn luyện phi công cơ bản tự túc kinh phí đào tạo; đào tạo cán bộ quản lý… Trong đó, phòng Kỹ thuật có tầm quan trọng đặc biệt, đảm nhận nhiệm vụ hỗ trợ tổ chức vận hành, khai thác các trang thiết bị huấn luyện, với hệ số sẵn sàng khai thác của thiết bị là 98%. Đơn vị luôn phối hợp CAE (nhà sản xuất thiết bị mô phỏng buồng lái của Canada CAE Inc) đảm bảo nguồn lực khai thác buồng lái mô phỏng (SIM) – thiết bị huấn luyện bay cho các phi công, sử dụng hiệu quả SIM liên danh với CAE…

Hiện FTC được trang bị 4 buồng lái mô phỏng huấn luyện bay cho các phi công của VNA và các đơn vị có ký kết hợp tác, trong đó có hai SIM A320 và SIM A350, B787. Theo đó, số giờ SIM sẵn sàng khai thác trung bình từ tháng 1 đến tháng 6 luôn ở mức gần như tuyệt đối: SIM A320 VN-001 đạt 100%; SIM A320 VN-018 là 100%; SIM B787 VN-026 đạt 99.6% và SIM A350 VN-036 ở mức 99.7%. Đóng góp vào thành công ấy là sự hy sinh lặng thầm của 21 “chân dài” phòng Kỹ thuật.

Anh Trần Hoàng Giang – Phó phòng Kỹ Thuật chia sẻ, các anh em đều phấn khởi khi được khen thưởng. “Không nói đến giá trị phần thưởng, chúng tôi vui mừng vì công sức của mọi người đều được đền đáp. TCT ghi nhận sự đóng góp của cả phòng, đó mới là điều quan trọng nhất'”, anh tâm sự.

Số giờ SIM sẵn sàng khai thác trung bình từ tháng 1 đến tháng 6 luôn ở mức gần như tuyệt đối. (Ảnh: FTC).

Những chặng đường cống hiến không mệt mỏi

Là người dẫn dắt 20 thành viên còn lại của phòng Kỹ thuật, anh Hoàng Giang không thể quên những ngày tháng các anh em cùng ăn ngủ, trực chiến 24/24 để đảm bảo bốn buồng lái giả định hoạt động liên tục và các thiết bị khác tại FTC vận hành hiệu quả. Không chỉ làm những công việc liên quan đến kỹ thuật, họ còn được ví như những “thợ đụng” – đụng đâu làm đó và phục vụ đa dạng mọi lĩnh vực, kể cả sửa bóng đèn, chữa máy lạnh hỏng, chỉnh lại đường nước tắc hay phục hồi bàn ghế gãy…

21 năm kể từ ngày gắn bó với FTC, anh Hoàng Giang chứng kiến từng bước trưởng thành và phát triển của FTC. Ban đầu đơn vị chỉ là một phòng nhỏ lẻ với vài thiết bị sơ sài, làm nhiệm vụ huấn luyện nguồn nhân lực khai thác bay và khai thác mặt đất, bao gồm: phi công, tiếp viên và nhân viên điều hành khai thác bay của VNA. Trung tâm từng bước khẳng định vị thế, rồi chủ động phối hợp với Đoàn Bay 919 triển khai các lớp huấn luyện chuyển loại cho phi công trên các loại máy bay Boeing 767, Boeing 777, A320, A321, ATR 72 và Focker 70. Việc chủ động tổ chức huấn luyện TRTO giúp VNA tiết kiệm hàng tỷ đồng chi phí huấn luyện cho mỗi tổ bay so với huấn luyện ở nước ngoài. Các kỹ sư hỗ trợ các thiết bị vận hành trơn tru, luôn có mặt 24/7 khi máy móc, thiết bị gặp sự cố.

Anh Nguyễn Đình Quốc Dũng – một trong những kỹ sư của phòng Kỹ thuật. (Ảnh: FTC). 

Ban đầu, FTC chỉ có một buồng lái mô phỏng. 12 kỹ sư phục vụ một buồng lái, sau này khi FTC tăng thêm 3 SIM nữa, 14 kỹ sư thay phiên nhau trực kíp. Áp lực đè nặng lên họ vì nếu gặp trục trặc, việc khai thác chuyến bay của các phi công sẽ bị xáo trộn, đình trệ thậm chí ngừng bay, dù đã lên kế hoạch trước đó cả năm. Theo đó, cứ 6 tháng một lần, các phi công phải trải qua khóa đào tạo lại (kể cả lâu năm hay mới theo nghề), khi đạt chứng chỉ thực hành trên buồng lái giả định tại FTC, họ mới có thể tiếp tục các chuyến bay thực tế cùng VNA. Tuy nhiên, nếu thiết bị không hoạt động, họ sẽ không nhận được chứng chỉ nên phải dừng mọi công việc cho đến khi nhận được chứng chỉ thực hành trên buồng lái giả. Thời gian nghỉ ấy sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ các chuyến bay của VNA cũng như những hãng hàng không khác có ký kết hợp tác với VNA. Thậm chí, việc một SIM ngừng hoạt động có thể khiến VNA thiệt hại đến 10.000 USD mỗi ngày. 

“Vì yêu cầu khắt khe trong việc đảm bảo đào tạo huấn luyện cho phi công, tiếp viên, phòng Kỹ thuật lúc nào cũng như ngồi trên đống lửa. Chúng tôi luôn phải tính hàng chục phương án khắc phục nếu các thiết bị tại FTC gặp sự cố”, anh Hoàng Giang chia sẻ. Do đó, năm 2016, phòng Kỹ thuật chính thức được thành lập, đi vào hoạt động bài bản như một phòng ban chuyên nghiệp.

Quá trình chuyển giao công nghệ Buồng lái mô phỏng gặp nhiều khó khăn do tại Việt Nạm chưa có cơ sở nào đào tạo. Với vốn kiến thức ít ỏi từ khóa học cơ bản tại Montreal-Canada, các kỹ sư của FTC đã dần mày mò tự học, tự đào tạo, xây dựng giáo trình, tài liệu huấn luyện để trở thành cơ sở duy nhất tại Việt Nam đào tạo lĩnh vực Buồng lái mô phỏng.

Mỗi năm, FTC đón hàng chục đoàn chuyên gia quốc tế đến đánh giá về chất lượng đào tạo, tiếp nhận, quản lý và tổ chức khai thác SIM. Chỉ khi đáp ứng tốt yêu cầu huấn luyện, kịp thời cung cấp nguồn lực phi công cho bay khai thác… FTC mới có thể tiếp tục vận hành mọi hoạt động của mình. Phòng Kỹ thuật phải đảm bảo trực chiến, hỗ trợ các thiết bị hoạt động trơn tru, không xảy ra sai sót khi đoàn chuyên gia quốc tế đến. Năm nay, FTC sẽ đón 28 đoàn chuyên gia, trung bình mỗi tháng có từ 2 đến 3 đoàn. Áp lực với phòng Kỹ thuật càng tăng cao, các kỹ sư luôn trong tình trạng sẵn sàng trực chiến.

21 thành viên phòng Kỹ thuật không chỉ có bằng cấp tốt, họ còn phải đảm bảo đạt TOEIC đạt chuẩn, chức danh kỹ sư SIM cũng đòi hỏi phải có trình độ tiếng Anh rất cao. Hiện nay, để ứng tuyển vào vị trí kỹ sư SIM, các ứng viên ngoài trình độ kỹ thuật chuyên môn còn phải có đủ trình độ tiếng Anh TOEIC từ 800 trở lên. Trước khi hoạt động với vai trò kỹ sư, họ được học về buồng lái mô phỏng, vận hành bay như một phi công chuyên nghiệp. Họ phải học về cấu trúc buồng lái máy bay, vị trí các bộ phận… để có thể biết về SIM, kịp thời khắc phục khi có sự cố. 

Áp lực với phòng Kỹ thuật càng tăng cao, các kỹ sư luôn trong tình trạng sẵn sàng trực chiến. (Ảnh: FTC).

FTC như ngôi nhà thứ hai

Cũng giống như các phòng ban khác tại Trung tâm huấn luyện bay, phòng Kỹ thuật hầu như không có ngày nghỉ. Cả phòng chưa từng có cơ hội đi nghỉ mát, du lịch cùng nhau. Cơ hội nghỉ phép cũng không nhiều vì lo lắng SIM và các thiết bị gặp sự cố bất ngờ, không thể khắc phục kịp thời. Những ngày lễ, Tết công việc của họ càng áp lực hơn. Trực Tết, lễ luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro, do đó tinh thần luôn phải tỉnh táo…

Các kỹ sư cũng không có nhiều thời gian cho gia đình, không thể nghỉ dài ngày để đoàn tụ người thân. Công việc yêu cầu họ phải có mặt thường xuyên, do đó vợ con luôn phải chịu thiệt thòi. Các kỹ sư cho biết gia đình phải thông cảm lắm mới có thể chấp nhận chồng vắng nhà, đi làm thâu đêm suốt sáng, trực đêm hôm… Có người luôn áy náy vì không thể thực hiện lời hứa đưa con đi chơi xa dịp hè, thưởng con những chuyến du lịch vì đạt học sinh xuất sắc, thi học sinh giỏi có giải… Hầu hết phép năm của họ không bao giờ dùng hết.

“Ở FTC đặc thù công việc là làm việc theo ca. Bản thân tôi cũng mới lập gia đình, hai vợ chồng lại cùng lại ở FTC, vợ tôi làm ở bộ phận hành chính không làm ca như tôi nên vợ thì nghỉ lễ bình thường còn tôi vẫn đi làm. Do đó, tôi không thể đưa vợ đi chơi dài ngày như nhiều người khác. Dù cũng cảm thấy buồn và thương vợ rất nhiều nhưng vì công việc cũng rất quan trọng nên vợ tôi cũng thông cảm”, anh Nguyễn Đình Quốc Dũng – Kỹ sư phòng Kỹ thuật – chia sẻ.

Dù áp lực bủa vây, 21 chàng trai của phòng Kỹ thuật vẫn giàu năng lượng, yêu công việc và xem FTC như ngôi nhà thứ hai. Mọi vui buồn anh em cùng sẻ chia, khi một nhân viên có việc cần, những người còn lại sẵn sàng nhường phép để nhân viên ấy về nhà, giải quyết chuyện gia đình.

Đều là nam giới, các chàng trai vẫn nhiệt tình, hăng hái tham gia các chương trình văn nghệ, đá bóng hay hoạt động thường niên… của VNA. Nhiều năm, phòng Kỹ thuật luôn đạt giải cao về văn nghệ, được khen trong các thi đua hoạt động đoàn thể…

CTV Thu Thảo

Spirit Vietnam Airlines
Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.