Văn Thuỵ Trâm Anh 328 bắt đầu giấc mơ bay từ đầu năm 2020. Khi vẫn còn là một học viên tiếp viên, Trâm Anh không phải là một gương mặt quá nổi bật, nhưng lại gây ấn tượng mạnh với các giáo viên với sự cần mẫn chăm chỉ, luôn chăm chú vào bài học và đặc biệt luôn có một cuốn sổ nhỏ ghi chép những điểm hay, thú vị mà thầy cô chia sẻ thêm ngoài bài học.
Quyển sổ này tiếp tục theo Trâm Anh trên các chuyến bay của VNA để ghi chép những điểm chưa làm tốt, cần phải hoàn thiện hơn trên những chuyến bay tới. Có lẽ với sự cần mẫn và tỉ mỉ đó mà Trâm Anh đã cùng với 2 bạn tiếp viên Hoàng Sơn 38 và Ngọc Trung 41 vượt qua hơn 46.000 thí sinh ở vòng sơ khảo để lọt vào vòng bán kết 1 của cuộc thi.
Video clip dự thi vòng bán kết 1 của Trâm Anh liên quan đến chủ đề “Luật thanh niên Việt Nam và những đóng góp cụ thể của thanh niên khi tham gia phát triển kinh tế xã hội đất nước” nêu rõ quan điểm của cô gái trẻ về sự cần thiết của giáo dục và tạo điều kiện tối đa cho thế hệ trẻ được học không chỉ là kiến thức mà còn các kỹ năng “phụ trợ” để có thể cạnh tranh ở môi trường quốc tế. Với sự hỗ trợ về mặt chuyên môn của Liên đội và Đoàn thanh niên, các lập luận ở bài thuyết trình sắt bén, ấn tượng hơn và đưa ra những đề xuất cụ thể, phù hợp với hoàn cảnh hiện tại. Video clip dự thi của Trâm Anh được đánh giá cao và tiếp tục giúp cô gái nhỏ bước tiếp vào vòng Bán kết 2 của cuộc thi.
Vòng bán kết 2 tổ chức ở Đại học Quy Nhơn vào ngày 25/10 là một thử thách khó khăn khi các thí sinh phải vượt qua phần 1 với 15 câu hỏi trực tiếp về nhiều lĩnh vực, đặc biệt là về kinh tế, một nội dung không phải ai cũng có thể tiếp cận. Vậy mà Trâm Anh đã trả lời đúng 9/15 câu hỏi để có cơ hội thể hiện bản thân ở phần thi tiếp theo. Ở phần thuyết trình, Trâm Anh tự tin bày tỏ quan điểm bản thân về vai trò của thế hệ trẻ đối với sự phát triển của đất nước. Với chất giọng nhẹ nhàng nhưng cương quyết, cô nàng bé nhỏ đã khiến cả khán phòng vỗ tay ầm ầm khi kết thúc bài dự thi của mình bằng một câu trích dẫn từ bài hát Khát vọng tuổi trẻ do nhạc sỹ Vũ Hoàng sáng tác năm 1996 “Don’t ask what the Country has done for us, ask yourself what you have done for your Country” (đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta, hãy hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc). Với sự thể hiện xuất sắc qua 2 phần thi, Trâm Anh giành được giải nhì của vòng Bán kết 2 và tiếp tục lọt vào vòng chung kết của cuộc thi.
Phần giới thiệu đẹp mắt của đội Unbeatable với điệu múa Ghen Covy trên sâu khấu. (Ảnh: NVCC)
Vòng chung kết là một chuỗi các hoạt động khi 15 thí sinh được chia thành 5 nhóm, các nhóm phải trải qua 3 phần thi bao gồm: phần 1 chào sân giới thiệu đội chơi; phần 2 trả lời câu hỏi kiến thức (2 luợt câu hỏi) để chọn ra 2 nhóm thi xuất sắc nhất vào phần tranh biện “ghế nóng”. Các thành viên đội thi được lựa chọn ngẫu nhiên, Trâm Anh vào cùng đội với bạn Nguyệt Thanh đến từ Ban chấp hành Chi đoàn khu phố 6, Quận 4 và bạn Bích Liên – kỹ thuật viên C16 của Bệnh viện Quân đội Trung ương 108. Ba cô gái đặt tên nhóm là Unbeatable đầy kêu hãnh.
Ở phần thi giới thiệu, đội Unbeatable đã thể hiện một tiểu phẩm ngắn về mưu đồ của vi-rút Corona xâm nhập vào Việt Nam và việc phòng chống quyết liệt của người dân, đội ngũ y bác sĩ và tiếp viên trên chuyến bay. Đặc biệt, ba cô gái đã biểu diễn điệu nhảy Ghen Covy huyền thoại trên sân khấu trong sự reo hò phấn khích của đông đảo cổ động viên bên dưới. Bài dự thi đạt được số điểm khá cao 88,2 điểm từ ban giám khảo và đội Unbeatable tạm thời đứng ở vị trí thứ 3 trong bảng xếp hạng.
Bí thư ĐTN TCT Khổng Văn Hải động viên tinh thần Trâm Anh sau phần thi. (Ảnh: NVCC)
Ở phần 2, các đội trả lời 20 câu hỏi tiếng Anh bằng hình thức trả lời đồng loạt trong vòng 10 giây. Chủ đề các câu hỏi dàn trải từ kiến thức kinh tế, lịch sử, pháp luật, an ninh, quốc phòng, Asean và khả năng nghe hiểu tiếng Anh đòi hỏi các đội chơi phải có kiến thức sâu rộng ở nhiều lĩnh vực, vận dụng nhiều kỹ năng và đưa ra quyết định thật nhanh. Ba cô gái ở đội Unbeatable đã có chút lúng túng trước những câu hỏi đầy hóc búa nên đã bỏ lỡ nhiều điểm quý giá, không thể ghi tên mình vào danh sách 2 đội bước vào thử thách tranh luận ở vòng 3 và đạt giải Khuyến khích chung cuộc.
Lần đầu tiên thử sức ở một sân chơi lớn mang tầm vóc quốc gia, tiếp viên Văn Thuỵ Trâm Anh 328 như một chú chim nhỏ vẫy vùng ở bầu trời tri thức rộng lớn. Mỗi vòng thi như là một là một tầng mây mới để chú chim nhỏ khẳng định được khả năng của bản thân, tích cóp được nhiều kiến thức cũng như kinh nghiệm để chinh phục tầng mây cao hơn. Cái tên Văn Thuỵ Trâm Anh ở vòng chung kết cuộc thi như một sự khẳng định mạnh mẽ với các đơn vị bên ngoài về sự đa năng và toàn diện của tiếp viên Vietnam Airlines, sự đầu tư nghiêm túc và hỗ trợ kịp thời của đơn vị để tạo mọi điều kiện tốt nhất cho bạn toả sáng. Còn đối với Đoàn tiếp viên, Trâm Anh là một điển hình của sự cố gắng không ngừng nghỉ, sự cầu thị và khao khát được hoàn thiện bản thân qua từng ngày như lời Bác vẫn luôn căn dặn “Học, học nữa, học mãi”.
ĐTN ĐTV