[Green planet] Vườn sân thượng xanh tươi của chị “Bích rau sạch”

Hạn chế tối đa các sản phẩm làm từ nhựa, sử dụng nguồn rau củ tự trồng cho các bữa ăn hàng ngày trong suốt 4 năm nay… những hành động của chị Đặng Ngọc Bích – CNMT đang truyền cảm hứng cho sự thay đổi đến với mỗi người xung quanh để để cùng hướng tới một môi trường xanh và sạch hơn.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

alt text
 Chị Đặng Ngọc Bích – CNMT đang truyền cảm hứng lối sống xanh đến với mỗi người xung quanh. (Ảnh: NVCC).

Giấc mơ có được một khu vườn của riêng mình đã được chị ấp ủ từ khi nào?

Làm việc trong môi trường bận rộn, nhiều căng thẳng, áp lực, hai vợ chồng đều ước muốn có một không gian xanh ngay tại ngôi nhà mình để có thể thư giãn và giải tỏa stress. Cuối năm 2015, nhân dịp sửa nhà, vợ chồng mình quyết tâm thực hiện giấc mơ có một khu vườn ngay trên sân thượng tầng 4. Sau ba tháng, một không gian xanh với vườn hoa hồng trên ban công cùng với vườn tiểu cảnh trong nhà là thành quả ngọt ngào như mong đợi.

Vừa có nguồn rau sạch hàng ngày vừa là nơi thư giãn cho các thành viên trong gia đình, chị có thể chia sẻ bí kíp chăm sóc khu vườn?

Đầu tiên, gia đình mình gia cố hệ thống chống thấm trên mái nhà bằng cách trải lớp nhựa dày rồi đến lớp vỉ thoát nước và vải địa. Sau đó, mình đổ đất lên trên lớp vải địa để trồng cây và làm giàn cho cây leo, lắp lưới chống nắng gắt, mưa to. 

Vườn rau được chia thành các luống, xung quanh lan can là bồn đổ đầy đất để trồng cây. Trên sân thượng có thể trồng đủ các loại rau quả như cải, xà lách, mồng tơi, cải cúc, rau muống, hành, cà chua, rau má, rau thơm, mã đề, ngò rí, thì là,… hay đậu cove, đậu rồng, đậu bắp, dưa leo, mướp hương, mướp đắng…

Từ khi có vườn rau sạch, mình không còn phải mua rau ngoài chợ. Mỗi bữa ăn trong gia đình luôn có khoảng 2,3 món rau, củ, quả do nhà tự trồng và được thay đổi liên tục. Đặc biệt, từ nguồn nguyên liệu đến phân bón đều được mình tìm hiểu kỹ càng nên hoàn toàn an tâm với sức khỏe của cả nhà. Không chỉ vậy, các thành viên trong gia đình cũng gắn kết với nhau hơn khi cùng nhau chăm sóc không gian xanh trong nhà. 

alt text
Khu vườn trên sân thượng xanh mướt của chị Bích. (Ảnh: NVCC).

Thời tiết tại miền Trung, đặc biệt là vào mùa mưa thường thay đổi thất thường, chị đã giải quyết yếu tố ngoại cảnh như thế nào?

Vào mùa mưa, việc gieo trồng gặp khó khăn hơn. Khi gieo hạt, mình phải sử dụng lớp nilon trong để che chắn giúp cây không bị dập mà vẫn có thể nhận được đủ ánh sáng cần thiết cho sự phát triển. Mình cũng thường lựa chọn các loại cây phù hợp với mùa mưa như đậu rồng, đậu cove, đậu bắp, rau lang, rau đay, mồng tơi, mướp, đu đủ,… Nhờ vậy, với tất cả các mùa trong năm, gia đình mình luôn có nhiều lựa chọn về rau, quả mà không phải mua ngoài.

Chị có thể chia sẻ về những sáng tạo đã được áp dụng vào quá trình chăm sóc khu vườn?

Để giảm bớt thời gian tưới cây, mình xây dựng hệ thống tưới phun hẹn giờ cho toàn bộ khu vườn. Mình tính toán cẩn thận từ khu vực mà tia nước sẽ phun xuống các luống rau, bồn cây xung quanh đến những sợi dây nhỏ giọt hẹn giờ gắn với van điều chỉnh. Đồng thời, nguồn phân bón cho cây cũng được mình tự ủ từ rác nhà bếp trong gia đình như xương cá, đồ ăn thừa, rác lá cây hỏng, vỏ hoa quả cùng men vi sinh Emuniv tạo ra nguồn rác hữu cơ cho cây trồng. Vậy nên thỉnh thoảng tôi mới phải mua thêm phân bổ sung cho cây trồng.

Bên cạnh việc trồng các loại rau, củ quả thì mình cũng chăm thêm những cây hoa hồng tại ban công tầng 2. Mỗi đợt hoa nở rộ, mùi hương thơm ngát khiến bất kỳ ai cũng không thể rời mắt. Bên cạnh đó, mình còn trồng thêm đu đủ, bí đỏ, bầu, bí xanh cùng những loại cây theo mùa.

alt text
alt text
 
alt text
alt text

Chị Bích thường lựa chọn các loại cây phù hợp với mùa mưa như đậu rồng, đậu cove, đậu bắp, rau lang… cho khu vườn của mình. (Ảnh: NVCC).

Kỷ niệm với khu vườn khiến chị ấn tượng nhất là gì?

Ngày nào mình cũng dành tối thiểu 1 đến 2 lần lên chăm sóc vườn rau. Niềm vui cũng mình khôi khi là thấy những đứa con tinh thần của mình phát triển vượt cả kỳ vọng. Mình vẫn nhớ như in những lần phát hiện một trái khổ qua to như quả dưa gang hay một trái mướp dài và to như bắp chân,… Rồi khi những vụ thu hoạch đến, mình thường đem tặng bạn bè, đồng nghiệp nên nhiều người còn đặt biệt hiệu cho mình là “Bích rau sạch”.

Đã từng đạt giải trong một cuộc thi về việc trồng rau xanh, chị có thể chia sẻ về niềm vui này?

Năm 2016, báo Dân trí có tổ chức cuộc thi “Phô diễn không gian xanh trong ngôi nhà bạn”. Được sự động viên, khích lệ của gia đình, bạn bè, mình cũng liều tham gia đưa hình và viết bài chia sẻ. Bài thi của mình có tên: “Nhà phố bên sân bay với không gian xanh vườn trên mái” và đã đạt giải ba với phần thưởng là “Miễn phí chi phí thiết kế nội thất diện tích 70 m2 từ nhà tài trợ, trị giá 14 triệu đồng”.

alt text
alt text

Nhà phố bên sân bay với không gian xanh vườn trên mái. (Ảnh: NVCC).

Với kinh nghiệm “đồ sộ” trong lĩnh vực trồng rau xanh, chị có lời khuyên nào muốn gửi gắm tới mọi người không?

Tình trạng không đảm bảo an toàn vệ sinh vẫn luôn là một vấn đề nóng của xã hội. Vì vậy, việc trồng rau quả trong mỗi gia đình để tự cung cấp nguồn rau xanh là điều rất có lợi và không khó để thực hiện. Các gia đình có thể trồng trên sân thượng trong các khay, chậu hoặc đổ đất vào thùng nhựa lớn có khả năng thoát nước. Đồng thời, mọi người dễ dàng tham khảo nhiều mô hình trên mạng để chọn phù hợp với gia đình. Mình nghĩ chỉ cần chịu khó gieo trồng và chăm sóc thì bạn có thể có lượng rau củ đủ cung cấp cho cả gia đình.

alt text
Chị Bích chăm thêm những cây hoa hồng tại ban công tầng 2. (Ảnh: NVCC).

VNA hiện nay đang lan toả một chiến dịch “Green planet” từ mặt đất tới trên không, theo chị, chúng ta cần làm gì để góp phần lan toả hơn mạnh mẽ hơn tới mọi người?

Để hưởng ứng chiến dịch “Green planet”, mình nghĩ mỗi cá nhân nên tham gia trồng nhiều cây xanh, rau ngay tại nhà để vừa phục vụ cuộc sống gia đình, vừa giúp cải thiện môi trưởng sống. Đồng thời, mỗi người cần hạn chế rác thải nhựa bằng cách chuyển sang dùng túi đựng, ly cốc, tô… bằng vật liệu dễ tiêu hủy như giấy, tre, các loại lá to bản, sử dụng bình nước uống lớn rót ra ly thủy tinh, ly giấy trong các cơ quan công sở và trên các chuyến bay. Một lưu lý quan trọng là không được vứt pin đã qua sử dụng ra ngoài môi trường mà cần thu gom lại vào hộp và gửi đến đơn vị chuyên môn xử lý. Tại Đà nẵng, mọi người có thể mang đến số 36/19 Lê Duẩn, Hải Châu, thành phố Đà Nẵng.

Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.