Gia nhập đại gia đình VNA từ năm 2010, chị Phùng Hương Giang hiện đang phụ trách về quy trình, tài liệu khai thác cũng như theo dõi, đánh giá và cải tiến hệ thống EFB Class 1 tại phòng Kỹ thuật Khai thác, Trung tâm Điều hành Khai thác. “Việc tạo ra sáng kiến sẽ thúc đẩy, tăng tính hiệu quả hơn trong công việc, đồng thời cắt giảm, tiết kiệm chi phí cho Tổng công ty.” Lời chia sẻ của chị Giang cũng đã phần nào lí giải cho “kho tàng” sáng kiến đồ sộ mà bất cứ ai nghe qua cũng phải trầm trồ. Có thể kể đến những điểm sáng nổi bật trong danh sách như Sáng kiến về Giải pháp kỹ thuật Phần mềm báo cáo điện tử (E-report), Hồ sơ bay điện tử (E-flight folder) cho phi công; Sáng kiến về Thiết kế giá đỡ iPad lắp trên tàu bay A321; Sáng kiến về Tối ưu hóa quá trình quản lý, cập nhật, phân phối tài liệu khai thác; Sáng kiến về Điện tử hóa gói tài liệu chuyến bay Danh sách tổ bay (e-GD), Danh sách hành khách (e-PM); Sáng kiến về Hệ thống tài liệu huấn luyện điện tử.
Hãy cùng VNA Spirit tìm hiểu về “đứa con tinh thần” mới nhất của chị Phùng Hương Giang và các đồng nghiệp, Thiết kế giá đỡ iPad lắp trên máy bay A321.
“Bài toán” hóc búa về chi phí
Công tác triển khai hệ thống tài liệu điện tử trên máy bay từ năm 2012 đã góp phần hỗ trợ việc sử dụng tài liệu trên chuyến bay của phi công được thuận lợi. Tuy nhiên, khi cất và hạ cánh phi công không được phép sử dụng Ipad vì ảnh hưởng đến thao tác vận hành. Do đó, TCT đã triển khai lắp đặt giá đỡ iPad gắn kính của hãng Ram Mount để phi công có thể sử dụng tài liệu điện tử trong tất cả các giai đoạn của chuyến bay. Trước chuyến bay, phi công sẽ kiểm tra thiết bị, lắp giá đỡ iPad và điều chỉnh góc nhìn phù hợp. Tuy nhiên, sau một thời gian sử dụng, giá đỡ Ram Mount có khá nhiều điểm bất tiện như buộc phi công phải tháo lắp giá đỡ trên hành trình bay khi cần dùng đến kính chắn nắng, các phụ kiện cấu thành nên thiết bị thường xuyên bị hỏng như giác húc cao su, gãy trục giá đỡ,… Những yếu tố này khiến tăng chi phí bảo dưỡng trang thiết bị. Bên cạnh đó, việc quản lý giá đỡ khó do giá đỡ được đặt trên tàu khiến hiện tượng thất lạc, mất giá đỡ thường xuyên xảy ra dẫn tới số lượng giá đỡ không đủ cung cấp cho các chuyến bay. Các thành viên VNA thường xuyên phải xin nhân nhượng của Cục hàng không để khai thác.
Để giải quyết bài toán trên, nhóm sáng kiến đã tự thiết kế, tận dụng các thiết bị có sẵn để lắp đặt giá đỡ iPad. Cả đội sử dụng lại phần cấu kiện chính của giá đỡ gắn kính hiện tại như bề mặt và trục của giá đỡ Ram Mount, ốc vít. Đồng thời, các kỹ sư của VAECO sử dụng tấm thép ốp cố định giá đỡ vào thành máy bay để thiết kế và lắp đặt trong khi định kỳ bảo dưỡng. Nếu không có sự miệt mài nghiên cứu, tìm hiểu của các anh kỹ sư VAECO như anh Nguyễn Hữu Chí, Vũ Thanh Nhân, Nguyễn Hà Dương… thì việc thiết kế khó thực hiện được. Các anh cũng chính là một trong những tác giả của sáng kiến giá đỡ B777, ATR 72 và bây giờ là giá đỡ A321.
Sáng kiến giá đỡ local mode trên tàu A321 đã được Cục hàng không phê chuẩn vào ngày 2/01/2019 và đã được triển khai lắp đặt toàn bộ giá đỡ cho đội tàu bay A321 trong năm 2019. Từ những kết quả ghi nhận được, giải pháp đã giúp TCT quản lý thiết bị giá đỡ iPad hiệu quả, ít hỏng hóc và tránh mất thiết bị, thất lạc. Bên cạnh đó, việc sử dụng giá đỡ cố định giúp thợ máy, phi công giảm khối lượng công việc cho phi công trong việc tháo lắp, thiết bị, khai thác an toàn hơn, đồng thời không ảnh hưởng đến việc sử dụng kính chắn nắng của phi công.
Luôn sẵn sàng “vượt khó”
Một trong những khó khăn mà nhóm nghiên cứu gặp phải trong quá trình thực hiện sáng kiến đến từ việc thiết kế giá đỡ cố định nên có thể phải khoan tàu bay mới lắp chắc chắn được. Tuy nhiên, việc khoan tàu bay sẽ gây tốn kém, đặc biệt là với A321, đội tàu bay có số lượng thuê lớn nên khi trả tàu sẽ buộc phải thay thế khung. Để giảm thiểu chi phí nhất có thể, cả đội đã tận dụng tối đa các vị trí ốc vít trên cửa sổ để lắp giá đỡ mà không phải khoan tàu. Giải pháp này giúp đảm bảo độ chắc chắn khi lắp giá đỡ và iPad, kể cả trong trường hợp rung lắp, thời tiết xấu, qua đó gây mất an toàn cho chuyến bay.
Khó khăn thứ hai mà nhóm gặp phải là vấn đề chọn vật liệu nhôm để vừa đảm bảo độ cứng, không bị cong vênh mà vẫn có thể lắp và giữ được giá đỡ và iPad. Sau khi hoàn thành xong sản phẩm, các đơn vị như Ban KT, VAECO, SQD đã phối hợp xin Cục hàng không phê chuẩn. Tuy nhiên, sau hơn một năm kiểm duyệt, sáng kiến mới được Cục hàng không phê chuẩn để chính thức áp dụng vào thực tế.
Sáng kiến mới được Cục hàng không phê chuẩn để chính thức áp dụng vào thực tế. (Ảnh: NVCC).
Khó khăn là vậy, thế nhưng khi được hỏi về những ý tưởng mới dành cho đội tàu bay của VNA, chị hào hứng chia sẻ: “Chính sự quyết tâm thực hiện của Lãnh đạo TCT, lãnh đạo các đơn vị TTĐHKT, Ban KT, TTNCUD, VAECO đã tạo động lực để các thành viên trong nhóm nỗ lực không ngừng vượt qua những khó khăn để sáng kiến được phê duyệt và đi vào sử dụng. Ngoài sáng kiến cho giá đỡ iPad của tàu bay A321, khi VNA có thêm các đội tàu bay mới và cần sử dụng giá đỡ, nhóm sẽ tiếp tục nghiên cứu và triển khai những thiết kế giá đỡ iPad riêng cho từng tàu bay”.