Tôi tên là Đào Hoàng Nam, sinh năm 1996. Sở thích của tôi là bơi lội, chạy thể dục ngoài trời để hít thở không khí trong lành và đặc biệt là nghe nhạc. Vừa qua, sau gần 4 năm huấn luyện bay, tôi đã được phê chuẩn và chính thức trở thành cơ phó tàu bay Airbus 321 của Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam.
Phi công Đào Hoàng Nam – Cơ phó A321. (Ảnh: Hoàng Nam).
Đối với tôi, phi công là một nghề mà tôi đã lựa chọn và nghĩ sẽ gắn bó cả cuộc đời vì nó đã đem lại cho tôi nhiều thứ, đơn giản là nó đã ngấm vào máu mình. Hơn nữa, là phi công của Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam, tôi luôn cảm thấy vô cùng vinh dự và hãnh diện khi được khoác lên mình bộ đồng phục đi trước mắt hành khách.
Có một kỷ niệm đến với tôi như một cơ duyên. Khi tôi vừa chập chững vào nghề, tôi đã có cơ hội tham dự Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Đoàn bay 919 (ngày 01/5/2019). Đây là một ngày lễ trọng đại, đầy tự hào của ngành hàng không Việt Nam. Tôi đã được gặp mặt nhiều thế hệ phi công, cha anh với những câu chuyện về các chuyến bay đã đi vào lịch sử. Trong tôi rất nhiều cảm xúc và tôi nghĩ rằng thế hệ trẻ chúng tôi sẽ phải tiếp tục cống hiến để tiếp nối truyền thống vẻ vang và đáng tự hào này.
Nam cùng các phi công đồng nghiệp trên đường tới tham dự Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Đoàn bay. (Ảnh: Xuân Nghĩa).
Bình thường, một ngày không có giờ bay tôi thường cho phép bản thân ngủ nướng một chút, sau đó tôi dành nhiều thời gian đọc về sách kỹ thuật và kiến thức bay. Tôi hiểu được tầm quan trọng của việc mình làm nhằm giúp mình giữ thái độ nghiêm túc trong công việc và nghiêm khắc với bản thân mình. Trở thành phi công đòi hỏi rất nhiều kiến thức, khả năng vận hành máy móc và cả các kỹ năng mềm trong giao tiếp với đồng nghiệp nên mỗi ngày tôi đều cố gắng hoàn thiện bản thân, học từ những điều mình làm chưa tốt. Đến chiều là giờ thể thao nên tôi thường tận dụng cái hồ gần nhà để chạy vài vòng.
Những hôm có giờ bay, tôi thường đến cơ quan trước 3 tiếng để đảm bảo đúng thời gian quy định để có thể chuẩn bị tốt nhất cho chuyến bay. Và niềm vui lớn nhất là chuyến bay kết thúc an toàn.
Nghề bay là một nghề đặc biệt nên tôi vô cùng trân trọng những người thầy. Họ tâm huyết và đam mê với nghề, tận tuỵ với học viên và tôi vô cùng may mắn khi được gặp những người thầy như vậy trong suốt quá trình huấn luyện và cho tới tận ngày hôm nay. Tôi may mắn vì công việc này đến với mình rất đúng thời điểm, khi tôi vừa bắt đầu học đại học thì cũng là lúc tôi nhận được thông báo trúng tuyển chương trình huấn luyện bay. Và khi thời cơ đến thì quan trọng là bạn biết đón nhận và tận dụng cơ hội, đúng không?
Cha tôi đã từng là một phi công quân sự, sau đó gắn bó với Vietnam Airlines gần nửa cuộc đời con người. Chính cha tôi là người truyền cảm hứng cho tôi từ ngày tôi còn bé. Tôi đã từng mơ tới “ những giấc mơ bay”. Và giờ đây, sau một khoảng thời gian nghiêm túc học tập và huấn luyện thì giờ đây, giấc mơ của tôi đã trở thành hiện thực. Tới tận lúc này, tôi vẫn rất vui và lâng lâng.
Nhưng thú thực, sau cảm giác lâng lâng thì cũng phải trở lại mặt đất với hiện thực là mình, là một cơ phó mới tinh, chưa nhiều kinh nghiệm và non trẻ, chặng đường sắp tới chắc sẽ còn phải cố gắng rất rất nhiều.
Trong buồng lái A321. (Ảnh: Hoàng Nam).
Nếu phải miêu tả bản thân, tôi sẽ chọn 3 từ Cởi mở – kỷ luật – Cầu toàn. Tôi là một người cởi mở. Tôi thực sự thích gặp gỡ và làm việc với nhiều người khác nhau. Tôi được biết đến là một người biết lắng nghe và giao tiếp tốt, cho dù đó là quan hệ với các đồng nghiệp hay bạn bè. Tôi là một người có tổ chức và luôn tập trung vào việc tạo ra kết quả. Tôi luôn rất thực tế với những mục tiêu bản thân đặt ra. Tôi luôn nỗ lực phát triển các kỹ năng để hoàn thành được công việc một cách hiệu quả và thậm chí thường đạt được nhiều hơn những gì tôi mong đợi.
VNA đang trên con đường hướng tới 5 sao và hơn thế nữa. Là một phi công của hãng, tôi cho rằng mình phải thể hiện chính xác nhất sự chuyên nghiệp, tính kỷ luật đảm bảo sự an toàn của công việc nhưng cũng không được làm mất đi sự tươi trẻ cũng như khát vọng hướng tới một tương lai phát triển của hãng bay.
Nguyen Xuan Nghia – COMM