Chăm sóc cho “trái tim” của những chiếc máy bay
———
Được nhiều đồng nghiệp trìu mến gọi là bác sĩ nội soi, thạc sỹ kỹ thuật Phạm Minh Thuận hào hứng chia sẻ về công việc của các thành viên thuộc tổ NDT-BSI, Phân xưởng Hiệu Chuẩn,Thiết bị, Kiểm tra – Trung tâm Phục Vụ Bảo dưỡng HCM – Công ty VAECO: “Tương tự như y khoa, những cụm thiết bị máy bay nằm sâu bên trong và cần phải có thiết bị chuyên dụng là máy nội soi hay robot nội soi để chụp ảnh ghi hình. Dựa vào đó, kỹ thuật viên sẽ giám định tình trạng động cơ. Công việc nội soi là việc theo dõi, kiểm tra những cấu kiện, cụm thiết bị theo chu kỳ hoặc khi động cơ có những dấu hiệu bất thường”.
Mục tiêu chính của công việc soi động cơ, NDT là nhằm tìm ra những hỏng hóc để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho “trái tim” của máy bay. Bởi vậy, các thành viên trong đội luôn phải giữ sự tập trung cao độ khi giám định để không bỏ sót bất kỳ khoảng trông nào khi máy soi đã đi qua. “Quan trọng nhất là yếu tố kinh nghiệm bởi nếu quyết định sai thì sẽ dẫn tới hai trường hợp. Một là nếu động cơ tốt mà giám định sai thì gây thất thoát lãng phí hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng. Hai là nếu động cơ có hỏng hóc mà giám định sai thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn bay. Vì vậy, chúng tôi không ngừng nâng cao, cải tiến quy trình sản xuất như kiểm tra chéo, giám định độc lập. và ứng dụng các phần mềm xem ảnh, xem video với độ chi tiết cao để đảm bảo đúng việc, đúng bệnh”.
Tình yêu với nghề của người “bác sỹ nội soi”
———
Gần 10 năm làm việc tại VAECO, với anh Thuận, nơi đây luôn có một môi trường làm việc tốt khi thường xuyên tạo điều kiện để mỗi thành viên nâng cao kiến thức chuyên môn và tri thức học vấn. Như cách đây 8 năm, trong quá trình làm luận văn thạc sĩ khoa học, anh được lãnh đạo các cấp, Tổ NDT BSI hỗ trợ về máy móc hiện đại mà thậm chí bên ngoài chưa có. Nhờ vậy, anh có cơ hội nghiên cứu các vật liệu đặc biệt trong ngành hàng không. “Luận án thạc sỹ của tôi được bảo vệ thành công, đồng thời nhận được đánh giá cao từ hội đồng khoa học từ các trường đại học”, anh Thuận chia sẻ.
Nếu có ai hỏi điều khiến anh Thuận cùng các kỹ thuật viên soi động cơ khác nhớ nhất thì có lẽ đó là “Những chuyến đi”. “Tôi thật sự cảm ơn ai đó đã ví công việc chúng tôi như một bác sĩ, và với tôi thì bản chất của cả hai nghề cũng khá tương đồng. Chúng tôi được đào tạo luôn trong tư thế sẵn sàng vì công việc, bởi vì chúng tôi có một sứ mệnh là giải cứu tàu bay. Và đến bây giờ tôi cũng thật sự không nhớ mình đã bay bao nhiêu chuyến, giải cứu khắc phục hỏng hóc tàu bay bao nhiêu lần ở những địa danh nào. Tuy nhiên khi máy bay gặp sự cố liên quan đến động cơ, chúng tôi cùng những người đồng nghiệp tiến hành kiểm tra, giám định, khắc phục và đảm bảo an toàn tuyệt đối cho tàu bay quay về hoặc tiếp tục khai thác”.
“Chúng tôi được đào tạo luôn trong tư thế sẵn sàng vì công việc, bởi vì chúng tôi có một sứ mệnh là giải cứu tàu bay”, anh Thuận nói. (Ảnh: NVCC).
Sau nhiều năm công tác trong ngành Hàng không, anh Thuận được phê chuẩn là giáo viên Soi động cơ và được cử đi học ở trong nước cũng như nước ngoài: Anh, Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Canada,… nhằm trao dồi và bổ sung kiến thức về phục vụ cho công việc cũng như công tác giảng dạy tại Trung tâm Đào tạo Công ty.
Đam mê và yêu nghề với tinh thần nghiên cứu khoa học, anh Thuận đã nhiều lần thực hiện thành công các giải pháp sửa chữa, làm MOD thiết bị soi, giá trị sáng kiến hàng tỷ đồng. “Trong thời gian tới, tôi mong muốn sẽ được phía công ty hỗ trợ thêm nhân sự để chúng tôi tiếp tục đào tạo thế hệ kế thừa. Để đào tạo ra một chuyên gia soi thật sự, theo tôi, thời gian cần thiết tối thiểu là 2 năm làm việc liên tục với người đã có kinh nghiệm. Niềm mong ước của tôi là sẽ ngày càng có nhiều thế hệ chuyên viên soi giỏi, có tâm với nghề”.
Để giảm tải tình trạng “xoắn não” sau hàng giờ tập trung cao độ vào màn hình máy soi khiến cho mắt, não mệt mỏi và căng thẳng, anh Thuận thường lựa chọn những cách xả stress thông qua việc nghe nhạc, nghiên cứu âm thanh hi-end, mày mò lắp ráp sữa chữa vespa cổ hay tham gia các hoạt động xã hội như từ thiện nấu ăn… “Những hoạt động ấy vừa giúp tôi phục hồi sức khỏe sau thời gian làm việc, vừa giúp tôi trải nghiệm cuộc sống và cảm thấy những việc mình làm ra ít nhiều tạo ra được ý nghĩa cho cuộc sống”.
Sau giờ làm việc, anh Thuận thường lựa chọn những cách xả stress thông qua việc nghe nhạc, hay tham gia các hoạt động xã hội. (Ảnh: NVCC).
Lê Hằng – Xuyến Trần