[F1 VNA] Chàng du học sinh được tỷ phú Elon Musk mời làm việc

Đích thân ông Elon Musk – người sáng lập, chủ tịch và CEO của Tesla, Inc., và SpaceX – gửi email cho Đỗ Trọng Khoa, 19 tuổi, du học sinh Việt Nam mới qua Mỹ chưa đầy 4 năm, vào làm việc tại công ty SpaceX với vị trí “Software Engineer (senior level)”. Càng tự hào hơn khi Đỗ Trọng Khoa là con trai của anh Đỗ Trọng Hậu – Trưởng Trung tâm DOC.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Với vị trí này, SpaceX sẽ bảo trợ để Khoa có quốc tịch Mỹ và làm việc tại trụ sở của SpaceX tại Hawthorne, California. Tuy nhiên, vì Khoa muốn học lên cao nữa, nên dù “bộ não đằng sau SpaceX và Tesla Motors” gửi thư mời từ 12/4/2018, nhưng mãi đến Tháng 8 này, Khoa mới nhận lời, dù mức lương được đưa ra là “sáu số,” đứng đầu là số 2. Mức lương này chưa bao gồm những quyền lợi khác như bảo hiểm sức khỏe, tiền thưởng,…

Điều đặc biệt, Khoa nhận được thư mời của ông chủ SpaceX cùng lúc với thư chấp nhận vào chương trình cao học tại trường đại học UC Berkeley. Sau đó, Khoa tiếp tục nhận được thư mời của trường đại học Stanford University, tuy nhiên Khoa nói: “Em dành Stanford University để học tiến sĩ.”

Trọng Khoa cũng cho hay, lý do mình chọn học cao học ở UC Berkeley là vì “Vợ sắp cưới của em đang học tại đó.” Câu chuyện về chàng trai 19 tuổi này bắt đầu “hé lộ” nhiều điều thú vị.

alt text
Trọng Khoa luôn tin rằng: "Hôm nay mình làm điều không ai làm để ngày mai, mình có những điều không ai có".

Chỉ ngủ 2 đến 4 tiếng mỗi ngày 

Khoa kể, anh qua Mỹ vào năm 2014 khi đang học chuyên toán tại trường trung học Nguyễn Khuyến ở Đà Nẵng. Anh tự tìm học bổng để hai năm học lớp 11 và 12, gia đình không phải tốn tiền, mà chỉ trả tiền ăn ở khi anh theo học tại trường Boca Prep International School ở Florida.

“Mới đầu em định nhờ dịch vụ tìm trường giùm, nhưng chi phí cao quá, nên tự tìm. Em lên mạng đọc rồi mày mò tự làm hết, từ apply trường, I-20, tới visa. Tính em thì thích mày mò, cái gì cũng muốn đọc hết. Muốn biết thì phải đọc sách thôi, chứ biết sao bây giờ,” Khoa nói.

Sang Florida, anh ở nhờ nhà người chị bà con. “Đó là bà con bên ngoại, cháu ruột của mẹ em. Chị ấy cưới chồng người Mỹ là luật sư bên này. Không chỉ giúp em những ngày đầu tiên chân ướt chân ráo qua Mỹ, anh chị còn chở em đi thi bằng lái xe, mua từng cái áo, cái quần, cái tủ… Và nhờ chồng của chị mà em học tiếng Anh tốt hơn, nên em rất trân trọng thời gian sống ở Florida với anh chị,” Khoa nhớ lại.

Sau khi tốt nghiệp bằng tú tài quốc tế (IB, International Baccalaureate) với điểm cao nhất trường, anh nộp đơn xin vào nhiều trường đại học, và được University of Miami cho học bổng $96,000, trung bình mỗi năm được $24,000; rồi University of Michigan, UCLA, UC Berkeley… Cuối cùng, Khoa chọn UCLA để học.

Năm 2016 Khoa qua California học, và chỉ trong vòng hai năm, anh đã lấy đủ credit. “Với những môn cơ bản (GE), em học trường đại học cộng đồng Mt. San Antonio College ở gần đó để đỡ tốn tiền,” Khoa cho biết.

Tính toán “sát nút” việc học của mình để làm sao học vừa nhanh mà điểm lại cao, nên mỗi ngày chàng trai 19 tuổi chỉ ngủ tối đa 2 đến 4 tiếng. Nhờ vậy, khi vừa xong ở UCLA, anh được ngay các trường UCLA, UC San Diego, UC Berkeley, Cal Poly Pomona, Cal State Long Beach, San Jose State University, Harvey Mudd College, Stanford University, là những trường đại học hàng đầu chuyên về toán, khoa học, và kỹ thuật, mời học chương trình cao học.

“Em hoạt động như robot vậy, kế hoạch hằng ngày rất sát sao. Em có chia sẻ với nhiều bạn nhưng không ai theo được cách này. Cũng khó lắm, phải vượt qua bản thân mình nữa,” Khoa chia sẻ.

Khoa kể: “Nhờ hồi học trung học, mỗi ngày đi học phải ngồi xe buýt suốt ba tiếng, không có thời gian làm được gì hết. Lúc đó em mới nghĩ, cùng một thời gian mà tổng thống làm được nhiều việc hơn mình, còn mình không làm được gì hết. Thế là em nghĩ phải lập kế hoạch cho bản thân.”

“Thời gian một ngày của em lúc đó là, từ 5 giờ sáng phải dậy lên trường, để 6 giờ 30 phút tới trường chuẩn bị 7 giờ học. Chiều thì 5 giờ về, tới nhà cũng 7 giờ tối rồi. Ở nhờ nhà chị họ nên phải phụ nấu ăn, dọn dẹp, vì khi đó chị họ mới sinh em bé. Đến khoảng 10 giờ tối thì em mới có thời gian rảnh để học bài, và học cho đến 2-3 giờ sáng. Ngủ một chút để 5 giờ sáng lại dậy để chuẩn bị đến trường,” Khoa hồi tưởng.

“Thấy mình phí thời gian quá, nên em lập cho mình phải như cái máy vậy. Thí dụ, từ 6 giờ đến 6 giờ 15 phút sáng là ăn, tới giờ chuông reo ăn không xong cũng bỏ đi. Rồi học bài, thí dụ môn toán lên lịch học trong 1-2 tiếng, nếu học không xong cũng bỏ qua để học môn khác. Đọc sách thì trước khi đi ngủ lúc nào cũng đọc ít nhất 30 phút đến 1 tiếng. Duy trì riết thành thói quen,” Khoa kể.

“Em lập chi tiết đến giờ ngủ luôn và lên lịch từng ngày một. Tại vì mỗi ngày khác nhau nên phải lập từng ngày. Ăn giờ nào, tập gym giờ nào, làm việc giờ nào… có như vậy mới quản lý thời gian của mình được. Bây giờ một ngày em ngủ chỉ 2 đến 4 tiếng thôi, không ngủ nhiều. Riết rồi quen luôn. Em thức đến 3-4 giờ sáng làm việc, sáng có lớp học 7-8 giờ thì 6 giờ dậy để đi học. Thứ Bảy, Chủ Nhật người ta đi chơi thì em cũng có kế hoạch riêng cho mình,” Khoa kể thêm.

Ông Elon Musk gửi email mời anh Đỗ Trọng Khoa làm việc tại SpaceX.

Với kế hoạch này, không ít bạn bè của Khoa không khỏi kinh ngạc khi anh dung hòa tất cả mối quan hệ, yêu đương, học hành, làm thêm…

“Ngủ ít quá đương nhiên có ảnh hưởng sức khỏe. Sướng trước khổ sau, khổ trước sướng sau, nên phải chọn. Giờ em còn trẻ nên phải tận dụng thời gian, ráng một chút học cho xong, ráng một chút để làm kiếm tiền. Người ta chỉ học thôi thì dễ, còn em vừa học vừa làm những project cho các công ty nữa, nếu không thức khuya thì không có thời gian,” Khoa tâm sự.

“Em cũng khuyên nhiều bạn của em, bởi vì em thấy các bạn qua đây học nhưng có tâm trạng lấy ngắn nuôi dài. Chẳng hạn bạn em học trường Orange Coast College, một kỳ chỉ lấy đúng 12 tín chỉ, học ba lớp, thời gian còn lại đi bưng phở. Em khuyên, mày ráng một kỳ thôi, mày học cho giỏi, học bứt phá trong lớp, rồi xin ông thầy làm tutor, nó hơn bưng phở chứ, mà còn được ghi trong resume,” Khoa chia sẻ.

“Còn như học vẫn điểm A hết, nhưng đi bưng phở, thì ghi vào resume là gì? Phải vượt qua chính bản thân mình. Em có thói quen, mà nhờ vậy em hay thức khuya, là không để thứ gì qua ngày mai mà mình làm được hôm nay,” Khoa nói thêm.

alt text

Đỗ Trọng Khoa, chàng du học sinh với mức lương “6 số.

Tìm project kiếm tiền 

Chàng trai 19 tuổi kể, khi còn ở Việt Nam “chỉ biết học cho ba mẹ vui. Nhưng khi qua Mỹ thì xác định học là cho tương lai của mình, cho dòng họ mình. Trước khi đi học thì bà nội có dặn: ‘Con đi làm sao để về làm rạng danh dòng họ Đỗ,’ bởi vì bà nội từng sống 15 năm ở Orange County nhưng cuối cùng về do thấy không phù hợp với cuộc sống ở Mỹ.”

Nhớ lời nội dặn, ngoài học, anh còn đi làm thêm, vì không muốn phụ thuộc vào tiền cha mẹ gửi qua.

Khoa cùng bố, mẹ, em trai và vợ sắp cưới trong lần đi du lịch tại Mỹ.

“Lúc đi học thì em cố gắng để giáo sư chú ý, và thường gặp giáo sư để hỏi về bài vở, nhờ vậy vừa làm trợ giảng, vừa làm gia sư trên trường. Rồi thời gian rảnh em đi dạy đàn, vì em biết chơi piano, guitar, electric guitar, violin, kèn clarinet và saxophone,” Khoa nói.

“Hồi còn nhỏ em được học piano rồi, lên lớp 6 thì học guitar, lớp 9 học violin và electric guitar. Qua Mỹ thì học kèn kèn clarinet và saxophone. Lúc đầu sang học ở UCLA, em ở thành phố Walnut, Los Angeles County. Sau đó tìm được nhiều mối dạy piano và guitar ở khu người Việt tại Little Saigon nên chuyển xuống Buena Park, Orange County, và cũng để dạy SAT cho một trung tâm ở đây. Mới chuyển xuống đúng một năm thì giờ em phải chuyển lên Bắc California để đi học, đi làm,” Khoa nói thêm.

Đặc biệt, anh rất mê sách. “Em đọc đủ thứ hết, nhưng đa phần là sách vật lý, sách kỹ thuật, sách tâm lý. Đọc để học, để có kiến thức, để có kỹ năng sống thôi. Ở Việt Nam thì em lười lắm, chơi không hà. Nhưng qua đây thì đọc sách rất nhiều. Năm đầu tiên đọc được 30 cuốn, đến năm thứ hai thì được 50 cuốn. Hiện tại thì 80 cuốn một năm. Nó cũng không có khó,” Khoa nói nhẹ tênh.

Và cũng vì “Em học ‘phức tạp’ lắm” như Khoa nói, nên đọc sách mới giúp anh giải quyết chuyện học “phức tạp” của mình.

“Ở Việt Nam, cấp hai em học chuyên hóa, cấp ba học chuyên toán. Qua Mỹ tiếp tục học chuyên toán. Khi vào đại học UCLA thì học ngành khoa học máy tính (computer science) và khoa học dữ liệu (data science). Nhưng em lại mạnh về computer science nên muốn vào UC Berkeley. Tuy nhiên, em cũng thích data science nữa, nên sẽ tự tìm tòi,” Khoa cho hay.

Do thích những gì liên quan đến toán, khoa học, và kỹ thuật nên anh nghĩ đến chuyện kiếm tiền bằng những kiến thức được thu nạp nhờ đọc sách. Khoa lên Google “tìm việc!”

“Em tìm được nhiều project trên trang mạng MindSumo của Stanford University. Trang mạng này có vô số project lớn của các công ty, mọi ngành luôn, và chia sáu lĩnh vực là Business, Engineering, Computer Science, Food Science, Math & Sciences, và Humanities & Arts,” anh kể.

“Nhờ vậy, trong năm 2017 em kiếm được kha khá tiền. Những project có giá $200-$300 thì em làm cả trăm cái rồi. Rồi có những cái có giá hơn $1,000. Riêng những project mất nhiều thời gian đầu tư như $11,000 của ngân hàng Wells Fargo, hay lớn nhất là $50,000 của SpaceX em cũng giành được,” Khoa kể.

Anh kể, project của SpaceX anh làm gần cả năm trời mới xong. “Lúc đó là lúc em chia tay vợ sắp cưới của em hiện nay. Khi đó về tới nhà là chán lắm, nên em làm project đó để giết thời gian,” Khoa cho hay.

Theo anh, SpaceX yêu cầu thay vì phóng hỏa tiễn trên mặt đất, thì bầu khí quyển tốn nhiều năng lượng để phóng do oxy dày. Trong khi đó, ở Bắc Cực muốn xây một thang máy ra ngoài khí quyển, để có trạm phóng ngoài không gian. Điều này để tiết kiệm nhiên liệu, và hỏa tiễn bay thì trở về được, như máy bay vậy.

“Project này kết hợp giữa vật lý và khoa học máy tính. Đối với em, toán không phải là môn học, dù em học chuyên về toán. Nó chỉ là nền tảng của mọi khoa học, dùng để mượn công cụ thôi. Với project này của SpaceX thì những bước để làm việc này đều thuộc về khoa học dữ liệu, khoa học máy tính, lập trình, vật lý, không xài toán nhiều trong đó,” Khoa nói về số tiền $50,000 giành được khi đưa ra ý tưởng cho SpaceX.

“Từ giữa năm 2017 em làm project này nhưng mãi đến Tháng Hai, 2018, mới xong. Vui nhất là chỉ hai tháng sau thì ông chủ SpaceX nhận em làm việc full-time. Đây là điều em chưa bao giờ nghĩ tới,” Khoa chia sẻ.

Cưới vợ, đi làm, đi học 

Nói về những project đã làm, anh Đỗ Trọng Khoa cho hay: “Cái em đang học, đang làm thì vấn đề nó mới, hiện giờ mọi người gọi là công nghệ AI (artificial intelligence, trí tuệ nhân tạo). Đây là những cái mới mà chưa ai làm được, vẫn cần rất nhiều thời gian để nghiên cứu. Chính vì mới nên em không biết đọc đâu ra, nên phải tìm kiếm trên mạng để đọc, nhất là phải đọc những sách liên quan đến khoa học, kỹ thuật, nhưng đa phần là vật lý.”


Trọng Khoa và vợ sắp cưới.

“Đọc để mình tư duy, có nền tảng thôi. Đọc như giọt nước, còn mình thì làm việc trong cái hồ rộng lớn. Nhưng phải đọc sách thì mới có ý tưởng cho những gì mình nghiên cứu. Em đưa ý tưởng, em viết thuật toán, SpaceX có một ‘team’ 50 người làm chung ý tưởng với em,” Khoa cho hay.

“Làm những project này cũng ‘phiêu’ lắm. Bỏ công ra nhưng chưa biết có được hay không. Chưa chắc mình nộp đầu tiên nữa, vì có người khác nộp trước mình. Em nhiều lần bị cắt đuôi rồi. Bỏ ra 3-4 tháng làm, còn xíu nữa gần ra thì bị cắt đuôi. Đành chịu,” Khoa nói.

Cũng nhờ đi làm sớm nên Khoa ít khi xin tiền cha mẹ. “Khi nào em thực sự hết tiền thì mới gọi về xin ba mẹ cứu đói. Nhà em không phải khó khăn, nhưng em không muốn phụ thuộc gia đình. Năm 2017 em làm project cũng được hơn $80,000, đủ tiền trả tiền học, đi chơi với vợ sắp cưới,” Khoa khoe.

Nhắc đến vợ sắp cưới, mắt chàng trai 19 tuổi long lanh tỏ vẻ tự hào.

“Vợ em lớn hơn em 3 tuổi, anh nghe choáng không? Điều thú vị là hai đứa em cùng ngày sinh là 26/10. Cô ấy sinh năm 1995, còn em thì 1998,” Khoa kể.

“Hồi học những môn cơ bản ở Mt. San Antonio College để đỡ tiền bên UCLA thì em quen Thảo. Sau đó Thảo vào UC Berkeley ngành toán. Lúc đầu thì còn chị chị, em em. Nhưng sau đó thì em tỏ tình luôn. Em thích con gái học giỏi chứ không quan trọng đẹp, xấu. Em nói chuyện với nhiều người con gái thì hầu hết các cô đều không hiểu em nói gì hết. Nhưng Thảo hiểu em nói, chia sẻ được với em,” Khoa kể tiếp.

“Chính vì vậy mà em chọn cao học ở UC Berkeley là vậy, dù Stanford University có cấp học bổng cho em. Bởi vì khi lên đó sống, hai trường này ở hai hướng khác nhau, sẽ rất bất tiện. Tụi em đã sống xa cả hai năm rồi, giờ có cơ hội ở với nhau thì tội gì lại chọn học xa nhau?” Khoa nói.

Khoa cho biết: “Đầu năm 2019 em sẽ làm đám cưới với Thảo. Nhiều người hỏi em quen con gái lớn tuổi hơn thì thấy sao? Em thấy bình thường, thấy không chênh lệch nhiều, bởi vì cách suy nghĩ của hai đứa giống nhau, học trình độ cũng ngang nhau".

Tuy vậy, anh chàng rất già dặn khi nói: “Em có hay nói với Thảo: Ra ngoài gặp đàn ông thấy họ ga lăng, nói chuyện ngọt ngào, gắp đồ ăn cho ăn, kéo ghế cho ngồi… thì đừng tin họ đối xử tốt với mình. Em nói với Thảo là chồng mình mới là người ở với mình cả đời, còn những người đàn ông khác ngoài đường chỉ đi được một đoạn đường ngắn mà thôi".

Tự nhận mình là “một con mọt sách” nên “trên đời này không có chuyện gì khó.” Do vậy mà từ chuyện đọc sách để học, để giải trí, thì Khoa còn đọc sách để biết nấu ăn, để biết tâm lý bạn gái, để biết cả chuyện yêu đương… “Trước khi tiến tới mối quan hệ, em đọc sách. Em không thích chỉ làm theo bản năng,” anh khẳng định.

Chuẩn bị cưới vợ, vừa đi học, vừa đi làm, nhưng Khoa rất tự tin cho biết: “Khi nhận email của ông Elon Musk thì em vui, nhưng không lâu lắm. Mình phải biết giữ mình ở mặt đất chứ không ở trên trời. Trên trời chết luôn. Em không để mình chết lâu trong chiến thắng”.

“Gia đình em thì kêu bỏ học đi làm liền. Nhưng em thì nghĩ, đây là một trong những cơ hội lớn chứ không phải duy nhất, nên em phải từ từ suy nghĩ. Dù biết rằng ngoài lương thì SpaceX đưa nhiều phúc lợi như chứng khoán $60,000 một năm, xe Tesla, housing nếu ở campus của họ, bảo hiểm, quốc tịch… nhưng nếu không học thì không làm gì được. Mà đi học, công ty còn trả tiền nữa mà, tại sao lại không học?” Khoa cho hay.

Mặc dù được SpaceX tạo mọi điều kiện, nhưng Khoa cho hay: “Nếu có cơ hội, em vẫn thích Apple, Google, Airbnb. Trong đó em thích nhất là Airbnb, vì ‘benefit’ dữ lắm dù là công ty không nổi tiếng bằng những công ty kia, nhưng lương cũng bằng vậy, và làm ít áp lực hơn”.

“Em thích làm data science, bởi vì làm dữ liệu thì đỡ áp lực hơn nhiều. Trước đây cứ nghĩ là học xong  ở UCLA thì em sẽ làm chuyên gia phân tích rủi ro bên bảo hiểm. Nhưng dự tính của mình không giống như mình nghĩ. Cuối cùng thì lại ‘dính’ vào Space X. Nghề tay phải muốn làm là data science thì không được rồi, đành phải làm nghề tay trái computer science vậy!” Khoa nói.

Và Khoa rất tâm đắc câu: “Sometimes you make choices in life and sometimes choices make you,” tức là “Đôi lúc bạn tạo ra cơ hội trong cuộc sống và đôi lúc cơ hội tạo ra bạn".

Chia sẻ niềm vui với TTNB, anh Đỗ Trọng Hậu cho biết "Tôi rất bất ngờ và tự hào khi con làm được điều này. Đối với tôi, niềm vui càng nhân lên gấp bội khi Khoa đã vượt qua những trở ngại và tự vươn lên. Với những gì Khoa làm được, hy vọng rằng sẽ là nguồn cảm hứng cho các bạn trẻ về những nỗ lực không ngừng, về những định hướng nghề nghiệp và khẳng định mình". Anh Hậu cũng chia sẻ thêm rằng, Khoa có ước mơ trở thành tiến sỹ năm 27 tuổi tại Mỹ và Khoa đang rất nỗ lực để chinh phục ước mơ này.

TTNB tổng hợp

Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.