Đội trưởng Đào Phương Nam: ‘Hãy cùng nhau hướng đến sự hoàn thiện’

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

alt text

Chào anh Nam! Lần đầu “lên sóng” TTNB, anh có thể chia sẻ một chút về mình để các anh, chị em VNA biết được không? 

Hiện nay tôi là Đội trưởng Đội Khai thác sân đỗ, quản lý các chuyên viên khai thác sân đỗ thực hiện việc giám sát, hỗ trợ, chủ động phối hợp và điều hành tốt các đơn vị phục vụtại sân đỗ (VIAGS TSN, SkyPec MN, Trung tâm Bảo dưỡng Ngoại trường HCM -VAECO, VACS) để đảm bảo cho các chuyến bay được an toàn, hiệu quả và đúng giờ. 

Công việc của tôi là phối hợp với các đơn vị để kiểm soát và nâng cao chỉ số OSP, OTP và chỉ số an toàn khai thác của VNA tại sân bay Tân Sơn Nhất.

Anh nhớ nhất con số nào về công việc của mình không?

Tôi nhận nhiệm vụ đội trưởng đội KTSĐ từ 1/4/2016, đến nay đã được hơn 2 năm. Mỗi ngày, trung bình có khoảng 100 chuyển bay đi, 100 chuyến bay đến của VNA tại sân bay TSN, như vậy trong thời gian qua tôi đã giám sát, phục vụ được khoảng 164.000 chuyến bay.

alt text

Trong công việc của một người quản lý khai thác sân đỗ, ưu tiên số 1 là gì?

Ưu tiên số 1 chính là sự an toàn cho mỗi chuyến bay (đi/đến), nó không thể đánh đổi với bất cứ điều gì, là nguyên tắc cơ bản nhất trong công việc của chúng tôi. 

Vậy nguyên tắc này được anh cũng như các đồng nghiệp TOC thực hiện thế nào?

Với TOC, việc quản lý các rủi ro thay đổi trong quá trình khai thác được Ban Giám đốc chú trọng. Đội KTSĐ vẫn hàng ngày vào 5h sáng đi kiểm tra đường lăn, đường cất hạ cánh với Cảng HKQT TSN và tự kiểm tra vào buổi chiều các đường công vụ, các bãi đậu và liên tục đã giảm tỷ lệ các bất thường liên quan đến FOD tại sân bay TSN xuống đáng kể.

Điều gì khiến anh yêu và gắn bó với công việc này hàng chục năm qua? 

Công việc này với tôi như… một mối duyên tiền định. Năm 1999, tôi thi vào TOC và chuẩn bị đi học nghiệp vụ thì nhận lệnh lên đường nhập ngũ vào lực lượng CAND. Cuối năm 2003 tôi xin rời lực lượng CAND để thi lại vào TOC, đậu và gắn bó cho đến nay. Tình yêu của tôi là thế đây, được 14 năm rồi.

Sắp tới đây, TOC sẽ chào đón dấu mốc đặc biệt – tròn “20 tuổi” và hơn một nửa chặng đường ấy tôi đã đồng hành và gắn bó, thế nên đối với tôi “tình yêu” này ngày càng lớn

14 năm gắn bó cùng TOC – VNA kỷ niệm nào ấn tượng nhất đối với anh trong quá trình làm việc?

Kỷ niệm ấn tượng nhất với tôi là trong năm đầu tiên làm việc tại TOC. Khi vào ca đêm để phục vụ các chuyến bay quốc tế tôi nhận được thông báo tàu bay bị hỏng, cả 3 chuyến bay đi Nhật (KIX, NRT) và Hàn Quốc (ICN) không có tàu bay thay thế. Đêm hôm đó, ca trực chúng tôi đã thức trắng đêm từ 19h tối đến 7h sáng hôm sau để tất bật với một núi công việc, từ liên hệ khách sạn để đặt chỗ cho khách, đặt lại chỗ cho khách nối chuyến, phối hợp công an cửa khẩu, hải quan cho khách quay lại, phục vụ một số khách không ở khách sạn về nhà. Không còn phòng khách sạn chúng tôi phải tận dụng cả phòng chờ khách hạng C, khu vực cửa khởi hành cho khách nghỉ ngơi, đặt taxi, phát voucher taxi cho khách về nhà người quen, phát chăn cho khách nghỉ tại gate, phục vụ ăn đêm cho khách. Đến sáng sớm lại liên hệ nhà hàng phục vụ ăn sáng cho các khách nằm tại nhà ga, lên lịch lại cho các khách sạn đưa khách trở lại sân bay. 

Trong những phút giây ấy, mọi người vẫn động viên nhau, bình tĩnh và giải quyết chu đáo mọi việc. “Trời nhanh sáng thế”, 3 người chúng tôi bảo nhau thế và sau khi bàn giao cho ca sáng chúng tôi cùng nhau đi ăn sáng, tô phở hôm đó ngon đến lạ kỳ. 

Kỷ niệm ấy mang đến cho anh điều gì?

Kỷ niệm ấy mang lại cho tôi một tình cảm đẹp về các đồng nghiệp, hiểu rõ hơn công việc mình đang làm và sẽ tiếp tục gắn bó. Nó còn cho tôi thêm tự tin, bản lĩnh trước những khó khăn, sức ép của công việc; tinh thần trách nhiệm với hành khách, một tinh thần đồng đội tuyệt vời và sự chuẩn bị chu đáo sẽ giúp ta vượt qua khó khăn.

Chúng ta đang hướng đến Hãng hàng không 4 sao năm thứ 3 liên tiếp, là một trong những “mắt xích” cung cấp các dịch vụ phục vụ hành khách. Vậy anh đánh giá thế nào về dịch vụ của VNA và những thay đổi lớn mà chúng ta đang triển khai?

Để đạt 4 sao năm thứ 3 liên tiếp, chúng ta đã có rất nhiều cố gắng và cải tiến trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ hành khách, từ tăng cường đội tàu bay mới, chất lượng, hình thức suất ăn, đồ uống, nâng cao chỉ số đúng giờ, chất lượng phòng chờ… trong khi vẫn phải cân nhắc giảm chi phí, tăng giá trị từng chuyến bay để mang lại doanh thu cho hãng.

Đó là những điều đáng tự hào, nhưng chúng ta cần bĩnh tĩnh nhìn nhận, thực chất chúng ta đang đứng ở đâu so với các hãng hàng không đang được đánh giá là 4 sao trên thế giới.

Vậy theo anh những dịch vụ nào cần thay đổi nhiều hơn?

Theo tôi cần có sự thay đổi đồng bộ trong các dịch vụ cung cấp cho hành khách không chỉ là suất ăn, phòng chờ khách thương gia, chất lượng tiếp viên… mà còn bắt đầu từ những nơi hành khách tiếp xúc nhân viên làm thủ tục, nhân viên bốc xếp hành lý, phục vụ khách khuyết tật… Những vị trí này tuy giá trị nhỏ nhưng nếu chăm chút sẽ mang lại giá trị lớn không ngờ trong mắt hành khách lựa chọn VNA.

Về sự kiện nhận chứng chỉ 4 sao lần 3, anh có lời chia sẻ nào với các đồng nghiệp của mình ở VNA?

Đó thật sự là niềm tự hào của mỗi thành viên VNA. Tôi mong rằng, mọi thành viên VNA hãy đoàn kết, nhìn về một mục tiêu, để thay đổi chính bản thân trong nỗ lực phục vụ hành khách. Chỉ khi thay đổi bản thân chúng ta mới thay đổi được “chỗ đứng” của mình trong mắt hành khách, mới giúp chúng ta thay đổi được vị trí trong nghề nghiệp. Hãy bắt đầu từ những điều nhỏ nhất.

Bên cạnh là những người quản lý, các anh chị còn là những giáo viên kiêm nhiệm tại Trung tâm. Vậy điều gì là quan trọng nhất đối với khi các anh chị truyền đạt kiến thức cho các học viên cũng chính là CBNV của Trung tâm? 

Là những giáo viên kiêm nhiệm tại TOC, tôi xác định rõ trách nhiệm của mình chính là những người “đưa đò”, truyền lửa, truyền kiến thức của mình cho các bạn đi sau bằng cái tâm của mình, cũng như các thế hệ trước đã làm.

alt text

Chia sẻ một chút về cuộc sống gia đình, được biết anh là người “iu vợ”. Vậy “một nửa” của anh thế nào?

Sao bạn biết được thông tin này thế. Vâng đúng là như vậy.

“Một nửa” của tôi là người sâu sắc, sống có lý lẽ nhưng lại rất tình cảm. Cô ấy đã hy sinh công việc của mình để dành thời gian tập trung vào chăm sóc gia đình, con cái, kể từ khi sinh em bé thứ hai, đến nay đã hơn 10 năm rồi. Tôi rất trân trọng điều ấy và cố gắng làm mọi điều để cô ấy hiểu rằng “tất cả là do 2 vợ chồng gây dựng nên”.

Có lần thấy tôi thức khuya làm việc, nhiều lúc lại ngồi thẩn người ra, hôm sau tôi đi làm về thấy trên bàn làm việc của mình có tờ giấy ghi chú viết: “Nếu một ngày anh gặp một vấn đề khó khăn, xin đừng vội nản chí và đừng bỏ cuộc. Hãy tin rằng mình sẽ vượt qua được, mình sẽ giải quyết tốt. Anh sẽ không bao giờ biết được hết khả năng của mình nếu như không chịu cố gắng. Rồi anh sẽ thấy niềm tin sẽ đưa anh đi xa đến đâu”.

Một nửa của tôi là thế đấy!

alt text

Là người làm việc ca kíp, anh làm thế nào để dung hoà trong cuộc sống gia đình, chăm sóc con cái?

Với đặc thù làm việc trong ngành hàng không là ca kíp, nên mọi việc tôi phải sắp xếp, lên lịch trước, cân đối cả lịch học chính và lịch học thêm của cả 2 con. Dù sao tôi vẫn chỉ là “vai phụ” trong việc chở con đi học. Do vậy, những ngày nghỉ tuần, tôi đều ưu tiên cho gia đình, cho cả nhà đi chơi, đi ăn cùng nhau hay sang thăm bà ngoại.

Hỏi vui chút xíu, ở nhà anh thì anh là số mấy? 

Bình thường là số 3, nhưng đôi lúc bạn í cũng cho tôi lên số 1!

Điều gì quan trọng để anh và bà xã thống nhất trong cách giáo dục con cái. 

Khi dạy các con, vợ chồng tôi đều thống nhất khi một người nói thì người kia sẽ không nói ngược lại, nếu cảm thấy chưa đúng sẽ trao đổi sau đó. Chúng tôi đều thống nhất giáo dục con cái có trách nhiệm với việc mình làm. Có thể các con không có tài năng gì đặc biệt nhưng hãy làm điều mà mình mong muốn.

Anh có hướng 2 con làm ngành hàng không?

Tôi cũng muốn các con sau này lớn lên có thể phục vụ trong ngành hàng không, mà cụ thể là VNA như bố. Ở TOC hàng năm thường tổ chức ngày đi làm cùng cha mẹ, tôi đều cho con tham gia để các con biết được nơi làm việc của bố, công việc hàng ngày và đơn giản là tình yêu, sự yêu thích đối với chiếc máy bay khổng lồ, xinh đẹp. 

alt text

Được biết, anh rất thích chơi tennis. Anh có thường xuyên tham gia các giải phong trào của TCT không?

Tôi biết chơi tennis đã được 14 năm. Với tennis phong trào như chúng tôi thì thường là chỉ đánh đôi, để đánh đôi được thì thường phải tập luyện chung với nhau để hiểu nhau, nắm bắt được điểm yếu, điểm mạnh của nhau mà bổ sung cho nhau.

Năm nào tôi cũng sắp xếp thời gian để tham gia giải của TCT tổ chức, theo thời gian thì trình độ của tôi cũng có tăng lên. Tháng 5 vừa rồi, cặp của tôi vừa đạt giải Ba tại giải của Công đoàn TCT ở nội dung dành cho cặp đôi dưới 80 tuổi (mặc dù cặp của tôi cộng tuổi lại là 99 tuổi đấy).

alt text

TTNB

Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.