Đoàn phó Nguyễn Đăng Quang: Nắm bắt nhanh chóng công nghệ hiện đại

Đoàn phó Đoàn bay – Nguyễn Đăng Quang, Cơ trưởng A350 là một trong những phi công đầu tiên được cử đi huấn luyện chuyển loại A350 tại Pháp năm 2015, ông đã có những cảm xúc đặc biệt khi Đoàn bay đã làm chủ công nghệ hiện đại, khai thác thành công dòng máy bay hiện đại nhất thế giới.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Đoàn phó Đoàn bay, Cơ trưởng A350 – Nguyễn Đăng Quang.

Năm 2015, Vietnam Airlines cùng lúc tiếp nhận và đưa vào khai thác hai dòng máy bay hiện đại nhất thế giới là Airbus A350 và Boeing 787. Tôi là một trong những phi công đầu tiên được cử đi huấn luyện chuyển loại A350 tại Pháp.

Tôi làm phi công cho Vietnam Airlines từ năm 1996, sau quá trình học tập lấy bằng phi công thương mại tại Australia, về học chuyển loại rồi bay A321, sau đó chuyển loại sang bay A330. Trước khi được chọn sang học chuyển loại A350, tôi đã là giáo viên bay, Đoàn phó Đoàn Bay 919. Cùng sang học nhóm đầu tiên với tôi còn có các anh Nguyễn Thái Trung, Lê Hồng Tiến…

Vietnam Airlines là hãng thứ 2 trên thế giới tiếp nhận máy bay A350, trước đó mới có hãng đầu tiên là Qatar Air. Vậy mà chúng ta tiếp nhận cùng lúc hai dòng máy bay mới hiện đại nhất là A350 và B787 và chuyển loại rất nhanh, sau đó khai thác tốt, tôi nghĩ đó là một nỗ lực xuất sắc.

Lúc đó, vì A350 còn mới quá, một số sân bay của Nhật, Australia còn chưa thể tiếp thu vì hạ tầng khai thác chưa đáp ứng đủ các yêu cầu kỹ thuật. Mãi đến năm 2018, các hãng khác mới khai thác dòng máy bay này và các sân bay lớn trên thế giới mới có thể tiếp nhận đủ.

Đoàn phó Nguyễn Đăng Quang là một trong những phi công đầu tiên được cử đi huấn luyện chuyển loại A350 tại Pháp năm 2015.

A350 là dòng máy bay hiện đại, áp dụng nhiều công nghệ mới như radar 3 chiều, hệ thống điện mới, hệ thống thủy lực công suất vượt trội… cùng với đó là hệ thống thông tin và kết nối thông tin hiện đại, giao diện điều khiển dễ sử dụng. Nói chung có thể ví chiếc máy bay A350 với một chiếc điện thoại iPhone đời mới vậy, iPhone luôn có những tính năng tiện dụng cho người sử dụng, nhưng muốn sử dụng hiệu quả tất cả các tính năng của chiếc iPhone đó, chúng ta cũng phải học cách sử dụng một thời gian.

Do có nhiều tính năng hiện đại nên A350 được các phi công và người trong ngành gọi là “iPlane” (máy bay thông minh). Một trong những tính năng mới là loại bỏ tài liệu giấy, tất cả đều được chuyển thành phiên bản điện tử. Trước đây phi công phải bay với một cặp tài liệu kỹ thuật dày cộp và cồng kềnh, thì giờ tất cả chỉ cần nhấp chuột. Hệ thống tự động giám sát và cảnh báo được cập nhật liên tục, có gì bất thường sẽ lập tức báo động bằng âm thanh và tin nhắn, cùng phương thức xử lý trên một trong 6 màn hình LCD 15 inch. Ví dụ hỏng hệ thống thủy lực liên quan đến tính năng máy bay, màn hình sẽ hiển thị cho phi công cự ly đường băng tối thiểu để hạ cánh an toàn cho tình huống đó, giúp nhanh chóng ra quyết định chọn sân bay hạ cánh.

Máy bay còn có khả năng tự tránh va chạm trên không và lọc radar. Nôm na hệ thống này như chụp cắt lớp vậy, nó giúp phi công "quét mây" ở các độ cao khác nhau và lựa chọn mực bay có thời tiết thuận lợi nhất.

Nhờ hệ thống điều khiển thông minh và những trang bị, tính năng hỗ trợ tổ bay mà phi công lái A350 sẽ dễ dàng, thuận tiện hơn các dòng máy bay đời dưới.

Do áp dụng những công nghệ tiên tiến nhất trong quá trình sản xuất, thân máy bay làm bằng sợi fiber carton giúp trọng lượng máy bay nhẹ hơn và giảm tới 20-30% lượng nhiên liệu tiêu thụ, đồng thời cũng giảm lượng khí thải ra môi trường. Máy bay A350 cũng tạo được độ ẩm trong khoang cao hơn, giúp hành khách đỡ bị khô da, cảm thấy dễ chịu hơn trong suốt quá trình bay dù vẫn ở trần bay tới 10.000 m. 

Hệ thống thông tin của A350 được tự động hóa hết sức hiện đại. Sau khi hạ cánh, các dữ liệu của máy bay và chuyến bay đều được truyền ngay về trung tâm. Ban An toàn Chất lượng của Tổng công ty sẽ đưa dữ liệu này vào phần mềm để phân tích, nếu có gì bất thường, đặc biệt là dấu hiệu ảnh hưởng đến an toàn bay sẽ gọi phi công lên nhắc nhở ngay.

Việc tiếp nhận một dòng máy bay mới không chỉ cần nỗ lực của mình Đoàn bay, mà còn từ rất nhiều bộ phận khác như kỹ thuật, thợ máy, đội ngũ phục vụ, chất xếp hàng hóa, cân bằng tải trọng… Riêng về phía Đoàn bay, để chuẩn bị cho quá trình tiếp nhận máy bay, chúng tôi đã có nhiều việc phải làm. Đầu tiên là nghiên cứu các tính năng của máy bay xem có yêu cầu gì để nhà sản xuất chỉnh sửa, cải tiến. Sau đó là tiếp nhận tài liệu kỹ thuật mẫu từ phía nhà sản xuất, nghiên cứu xem đã phù hợp với phi công chưa và có cần chỉnh sửa gì không. Sau đó là lên kế hoạch nguồn lực tổ bay, xây dựng bộ khung của đội bay, xây dựng tài liệu đào tạo rồi tiến hành lựa chọn phi công để đưa đi đào tạo.

Đoàn phó Nguyễn Đăng Quang khẳng định "trong ngành hàng không, Việt Nam đã hoàn toàn bắt kịp với công nghệ mới nhất trên thế giới".

Để sử dụng được A350 thì phi công phải am hiểu công nghệ, và phải học. Học về công nghệ mới không dễ, vì thực tế không phải tất cả người đi học đều tốt nghiệp được. Chúng tôi, những phi công trong tổ đi chuyển loại đầu tiên do đều là giáo viên bay nên sau khi học xong đều trở thành người hướng dẫn cho các anh em học sau. Mấy tuần đầu còn có giáo viên của Airbus hướng dẫn, sau đó hoàn toàn chúng tôi hướng dẫn cho anh em. Lúc đó áp lực khai thác rất lớn, dẫn đến áp lực phải đẩy nhanh tốc độ huấn luyện. Chúng tôi chỉ hoàn toàn thở phào sau khi chỉ trong 1 tháng đã tiến hành huấn luyện xong cho 8 tổ bay, trước khi hai chiếc A350 đầu tiên được nhận về.

Bước vào huấn luyện tất nhiên anh em phi công cũng có đôi chút bỡ ngỡ vì máy bay mới có một số tính năng, công nghệ, phương thức khai thác mới. Ví dụ trước đây điều kiển máy bay bằng cơ, dần tiến lên nửa cơ nửa tự động, thì nay chuyển sang tự động hoàn toàn.

Những chỉ là những bỡ ngỡ thoáng qua, vì với phi công, việc chuyển loại máy bay là hết sức thường xuyên. Nhưng việc tiếp thu phụ thuộc vào khả năng của mỗi người, nên cũng có người đỗ, người trượt.

Do sức ép về thời gian nên tổ đi huấn luyện chuyển loại đầu tiên của chúng tôi chỉ bay được 4 bài bay cơ bản là kết thúc huấn luyện rồi, đến các tổ sau, do có chúng tôi là giáo viên phụ đạo nên số lượng bài bay huấn luyện tiêu chuẩn mới tăng lên 5-6 bài. Số lượng chặng bay thực tế của anh em phi công học sau nhờ đó cũng tăng lên được 12-20 chặng.

Nhưng nói chung từ bay SIM đã cho phi công đầy đủ các kỹ năng cần thiết để vận hành máy bay thế hệ mới rồi, vì khi ai mắc sai lầm, đều phải làm lại cho đến khi thành thạo mới thôi. Nhờ đó, phi công đều thành thục các biện pháp xử lý tình huống, xử lý hỏng hóc, nên khi chuyển sang bay huấn luyện thật đều đạt kết quả tốt. 

Không chỉ từ kết quả huấn luyện mà trong việc khai thác thực tế sau này, phi công của Vietnam Airlines đều luôn đảm bảo an toàn tuyệt đối. Trong khi đó, các hãng khai thác A350 sau ta, có những trường hợp lúc bay huấn luyện bị “hạ cánh cứng” hoặc thậm chí máy bay phi ra ngoài đường băng.

Lễ đón nhận chiếc máy bay A350 đầu tiên năm 2015.

Tôi cảm thấy tự hào nhất là việc chính các giáo viên Việt Nam đã đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển loại cho đội bay A350. Trong số phi công chuyển loại cũng có nhiều phi công nước ngoài, trước đó đang lái A321, với rất nhiều quốc tịch khác nhau, từ Nga, Mỹ, Hàn Quốc, Pháp, Anh, Séc… Chính chúng tôi là người trực tiếp đào tạo chuyển loại, sau đó phát triển nguồn giáo viên từ các anh em phi công của mình. Huấn luyện phi công quốc tế có cái thuận lợi là họ chuyên nghiệp và tiếp thu nhanh, nhưng với anh em phi công Việt Nam thì cũng có cái thuận tiện là những gì anh em chưa hiểu, mình giải thích bằng tiếng Việt thì anh em dễ hiểu ngay.

Việc chuyển loại sang A350 chúng tôi cảm thấy thuận lợi và nhanh chóng hơn chuyển loại B787, vì theo hợp đồng với Boeing, việc chuyển loại phi công do chuyên gia của Boeing huấn luyện, nên thời gian lâu hơn. Mãi sau hơn 1 năm, chúng ta mới phát triển được đủ nguồn giáo viên để tiếp nhận việc huấn luyện chuyển loại này.

Sau khi huấn luyện thì tổ chức cho anh em bay buồng lái mô phỏng (SIM). Việc huấn luyện của Airbus cũng thuận tiện vì họ có Trung tâm đào tạo đặt tại Singapore, anh em sang Singapore bay SIM khá gần. Còn bên Boeing mãi sau đó mới đặt SIM tại Singapore. Đến tháng 8/2018 thì thật tự hào khi Trung tâm Huấn luyện bay của Vietnam Airlines đã có cả SIM của A350 và B787.

Đến tháng 9/2018, lượng máy bay A350 của Vietnam Airlines đã lên tới 13 chiếc. Tổng kết lại, tôi thấy việc tiếp nhận công nghệ mới, cụ thể trong việc chuyển loại lái máy bay A350 có những thành tựu đáng ghi nhận là đảm bảo đội ngũ để phục vụ khai thác; giúp Tổng công ty mở rộng đội bay; đảm bảo khai thác an toàn tuyệt đối; giúp khách hàng thoải mái; phục vụ tốt các chuyến chuyên cơ đưa lãnh đạo cấp cao đi công tác trong và ngoài nước; cũng như tham gia đóng góp những ý kiến bổ ích đối với nhà sản xuất và nhận được những lời khen ngợi, cảm ơn chân thành của họ.

Việc chuyển loại lái máy bay A350 có những thành tựu đáng ghi nhận là đảm bảo đội ngũ để phục vụ khai thác.

Do Vietnam Airlines là một trong hai hãng đầu tiên đưa máy bay A350 vào khai thác nên những chuyến bay đầu tiên đến các sân bay ở Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, thậm chí ở sân bay Charle de Gaulle ở Paris, Pháp đều có báo đài đến quay phim, chụp ảnh. Những hoạt động này đã giúp nâng cao vị thế của Vietnam Airlines trên trường quốc tế, đặc biệt khi chúng ta đồng thời đưa vào khai thác cả A350 và B787 cùng lúc thì uy tín càng tăng cao. 

Tôi còn nhớ có vị khách người Pháp đi thăm thành phố Hồ Chí Minh, khi nghe tin Vietnam Airlines sử dụng A350 bay đường bay Hà Nội về Pháp đã mua vé từ thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội rồi bay về Pháp để được bay thử dòng máy bay mới. Nhiều chuyến bay khác, có những hành khách mê máy bay đã xin được chụp ảnh với tổ bay hay chụp ảnh máy bay mới từ dưới chân cầu thang khiến phi công chúng tôi cũng cảm thấy vui lây và hết sức tự hào.

Sau khi Vietnam Airlines đưa vào khai thác thành công máy bay A350, hãng Taipei Airline cũng đã sang học hỏi kinh nghiệm để khai thác.

Từ việc chuyển giao công nghệ thành công và khai thác tốt dòng máy bay A350, tôi cảm thấy hết sức tin tưởng vào năng lực của đội ngũ giáo viên, phi công, cũng như lực lượng thợ máy, kỹ thuật của Vietnam Airlines. Tôi khẳng định trong ngành hàng không, Việt Nam đã hoàn toàn bắt kịp với công nghệ mới nhất trên thế giới.

Theo ĐP Nguyễn Đăng Quang

Spirit Vietnam Airlines
Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.