Chất lính Không quân luôn chảy trong huyết quản

Trưởng thành từ môi trường Quân đội là một lợi thế khi học nghề lái máy bay. Cơ trưởng A321 – Giáo viên Kiểm tra bay Nguyễn Văn Minh, nguyên là Đại úy, Sĩ quan Không quân tự tin khẳng định, đối với anh, chất lính Không quân luôn chảy trong huyết quản.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Nhân dịp Kỷ niệm 74 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2018), TTNB đã có cuộc gặp gỡ, trò chuyện với Cơ trưởng A321 – Giáo viên Kiểm tra bay Nguyễn Văn Minh. Anh Minh nguyên là Đại úy, Sĩ quan Không quân, hiện đang công tác tại Đội bay A321, Đoàn bay 919.

Cơ trưởng A321 – Giáo viên Kiểm tra bay Nguyễn Văn Minh.

Bước ngoặt đầu đời gắn bó với bầu trời và những cánh bay

Khi được hỏi về con đường binh nghiệp mình, Cơ trưởng Nguyễn Văn Minh vui vẻ chia sẻ, năm 1979, anh vừa tròn 18 tuổi, đang là chàng sinh viên năm nhất, với dự định gắn bó cuộc đời mình với môi trường làm việc ở… sâu bên dưới lòng đất thì Quân chủng Phòng không Không quân đến Trường Đại học Mỏ – Địa chất tuyển phi công quân sự. Thật may mắn là anh trúng tuyển. Thế là chàng sinh viên năm nhất, lòng tràn ngập niềm vui sướng, hân hoan, tạm biệt giảng đường Đại học để chuyển sang một mái trường khác, Trường Dự bị bay Không quân.

Vào thời nào cũng vậy, cánh thanh niên, học sinh luôn có có ước mơ, hoài bão cháy âm ỉ nhưng mãnh liệt trong huyết quản là được trở thành phi công, được chinh phục bầu trời. Nhưng đối với hồi ấy, đó là mong muốn ấy rất xa vời. Vì vậy, anh tâm sự rằng, việc trúng tuyển Dự khóa bay Không quân đối với anh khi ấy vừa bất ngờ, vừa đưa lại niềm hạnh phúc vô bờ và tự hào không kể xiết. Chính điều ấy đã giúp anh vượt qua những thử thách trong học tập, rèn luyện vất vả, gian khó trong môi trường Quân đội. Anh cho rằng bước ngoặt đầu đời ấy như một cơ duyên gắn bó anh với bầu trời, với những cánh bay. 

Hoàn thành khóa học 4 tháng của Trường Dự bị bay Quân chủng Không quân anh được Quân đội cử đi học lái máy bay tại Trường Hàng không Liên Xô (cũ). Năm 1983, tốt nghiệp loại giỏi về nước, anh nhận nhiệm vụ phi công dẫn đường máy bay An-26, Trung đoàn Không quân 918, Quân chủng Không quân. 

Cơ trưởng Nguyễn Văn Minh (đứng thứ hai từ trái sang) cùng các đồng đội tại buổi Tốt nghiệp lớp phi công dẫn đường An-26 năm 1983 tại sân bay TSN.

Anh không giấu được niềm tự hào khi nhắc đến những đồng chí, đồng nghiệp đơn vị cũ. Thời gian anh công tác trong lực lượng An-26 của Trung đoàn là thời điểm cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam đang vào giai đoạn khốc liệt nhất. Khi ấy, Trung đoàn đang tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu tại chiến trường Tây Nam với nhiệm vụ chủ yếu là vận tải, chuyển quân và tải thương.

Tháng 0/1984, lần đầu tiên lực lượng Không quân sử dụng máy bay An-26 làm nhiệm vụ không kích ném bom tiêu diệt mục tiêu và sau đó máy bay An- 26 đã là máy bay ném bom gây khiếp đảm cho quân diệt chủng Khmer Đỏ. Anh cho biết, trên chiến trường ấy, đội ngũ phi công dẫn đường trên không An-26 đã lập thành tích xuất sắc, ghi chiến công mới cho ngành Dẫn đường Quân chủng Không quân: dẫn thành công máy bay vận tải do bạn sản xuất, được ta cải tiến mang bom ném trúng mục tiêu được giao với đội hình chiến đấu mới. Trong thời gian sau đó, đội ngũ dẫn đường trên không An-26 luôn phát huy truyền thống tốt đẹp, thực hiện dẫn bay thành công nhiều trận đánh quan trọng, góp phần cho Trung đoàn không quân 918 hoàn thành  tốt các nhiệm vụ chiến đấu, phục vụ chiến đấu được giao.

Người anh lớn, tấm gương cho lớp phi công trẻ

Đến đầu năm 1990, khi các chiến trường biên giới đã ngớt tiếng súng, theo yêu cầu của tổ chức, sự phân công của Quân đội, anh được tuyển chọn, điều chuyển sang Đoàn bay 919, TCT Hàng không Việt Nam để thực hiện chức trách, nhiệm vụ mới. Đây là bước ngoặt thứ hai của anh trong quá trình gắn bó với những cánh bay. Lần này, xếp lại những bộ quân phục, anh chuyển ngành với cấp bậc Đại úy và bắt tay làm lại từ đầu việc học tập để trở thành một phi công thương mại.

Đối với anh, đây cũng là một thử thách khó khăn, gian khổ trên mặt trận mới của người lính Không quân phải tham gia và phải chiến thắng. Anh và một số anh em phi công quân sự chuyển sang VNA đã phải “chiến đấu” với tiếng Anh từ những bài vỡ lòng cho tới chuyên môn Hàng không, tham gia các khóa đào tạo phi công cơ bản, các khóa huấn luyện ở trong nước và sau đó là các khóa huấn luyện phi công thương mại, chuyển loại… tại Úc và Pháp. 

Cơ trưởng Nguyễn Văn Minh (đứng giữa) cùng các đồng nghiệp ĐB và TCT trong một chuyến đi công tác tại Đức.

Năm 1996, anh hoàn thành khóa huấn luyện chuyển loại máy bay A-320 tại Pháp và được biên chế về Đội bay A320/1 cho tới nay. Trưởng thành từ môi trường Quân đội, có những phẩm chất tốt, năng lực chuyên môn giỏi và có uy tín, bản lĩnh chính trị vững vàng, năm 2003, Cơ trưởng Nguyễn Văn Minh được phê chuẩn Giáo viên bay. Tại thời điểm này, anh đã có hơn 17 nghìn giờ bay bay tích lũy và hơn 5 nghìn giờ ở vị trí giáo viên huấn luyện SIM. Trong quá trình công tác tại Đoàn bay 919, anh luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, bay an toàn, chất lượng, hiệu quả; có nhiều đóng góp cho công tác huấn luyện của Đội bay A321 cũng như công tác huấn luyện phi công cơ bản của Đoàn bay 919. Phi công ở Đội bay luôn coi anh như một người anh lớn, là tấm gương cho các lớp phi công trẻ kế cận.

Khi được hỏi phẩm chất người lính có mối quan hệ thế nào với nghề lái máy bay? Anh cho rằng, người lính được rèn rũa trong một môi trường kỷ luật nghiêm ngặt, đề cao tinh thần trách nhiệm và luôn đòi hỏi phải rèn luyện học tập văn hóa, chính trị… những điều ấy đã làm nên phẩm chất người lính có bản lĩnh, có trí tuệ và lý tưởng. Nghề phi công cũng đòi hỏi người theo nghề phải có những phẩm chất tương tự. Vì vậy, trưởng thành từ môi trường Quân đội là một lợi thế khi học nghề lái máy bay. Anh tự tin khẳng định, đối với anh, chất lính Không quân luôn chảy trong huyết quản.

Cơ trưởng Nguyễn Văn Minh trong  giờ huấn luyện SIM.

Khi ngỏ lời đề nghị chia sẻ một kỷ niệm ấn tượng nhất đối với anh khi bay trong đội ngũ Không quân, thoáng chùng xuống, anh kể rằng, kỷ niệm sâu sắc nhất trong đời lính của anh là những chuyến bay tải thương từ chiến trường K về Bệnh viện Cần Thơ. Ở những giai đoạn ác liệt trong cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam, đội bay An-26 đã thực hiện tải thương đối với hàng ngàn thương binh, anh đã chứng kiến rất nhiều đau thương, mất mát của bộ đội, của những chiến sĩ tuổi mới mười tám, đôi mươi. Đó là quãng thời gian đưa cho anh nhiều cung bậc cảm xúc mạnh mẽ nhất trong cuộc đời con người. Anh cho biết:

Những ký ức đẫm máu đào chiến sĩ ấy, tôi không thể nào quên được. Là những người lính đã kinh qua lửa đạn, đã nhìn thấy xương máu của đồng bào, chiến sĩ đổ xuống cho Tổ quốc, tôi và đồng đội hiểu rõ giá trị của hòa bình, của cuộc sống để nỗ lực phấn đấu sống tốt, sống đẹp, sống xứng đáng với với những chiến sĩ đã hy sinh, sống sao cho máu đào đổ xuống không phải là vô nghĩa".

Khi hỏi anh về những điều tâm huyết nhất của Cơ trưởng – Đại úy – Cựu chiến binh Nguyễn Văn Minh muốn nhắn cho lớp người trẻ của Đoàn bay nhân dịp Kỷ niệm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, anh bộc bạch: 

Là phi công của Đoàn bay 919, đơn vị Anh hùng LLVT, mỗi chúng ta cần giữ gìn lòng nhiệt huyết, đến với nghề bay bằng đam mê nhưng sống với nghề bay là phải có bản lĩnh, có tinh thần trách nhiệm, phải có sự chuyên cần, rèn luyện và học tập cả đời. Cá nhân ở mỗi vị trí công tác cần phải phát huy truyền thống vẻ vang của đơn vị, đoàn kết, một lòng vì sự phát triển bền vững của Đoàn bay”.

Cơ trưởng Nguyễn Văn Minh và "hậu phương" vững chắc của mình.

Nhân dịp gặp gỡ, TTNB xin gửi lời chúc tốt đẹp nhất tới Cơ trưởng Nguyễn Văn Minh. Chúc anh luôn mạnh khỏe, có nhiều đóng góp hơn nữa cho công tác của Đội bay A321 cũng như công tác đào tạo, phát triển nguồn lực người lái của Đoàn bay 919 và luôn tiếp nguồn cảm hứng cho lớp trẻ hôm nay!

Spirit Vietnam Airlines
Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.