Nhặt được của rơi, trả lại người mất
Tối 24/8, chị Phùng Thị Ngọc, nhân viên Công ty VIAGS cùng đồng nghiệp dọn dẹp vệ sinh máy bay của Singapore Airlines (từ Singapore đến sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, TP.HCM). Chị bất ngờ phát hiện hai chiếc túi đeo nhỏ của hành khách trên ghế ngồi số 31K và 31H. Ngay lập tức, chị lập tức báo cáo với tổ trưởng là anh Trần Thanh Tùng để lập biên bản, trả lại hai chiếc túi cho hành khách. Sau khi kiểm tra, bên trong túi có hơn 50.000 đô la Singapore cùng gần 2 triệu đồng, hai điện thoại di động đắt tiền và một số giấy tờ tùy thân. Tổng giá trị tài sản để quên tương đương gần 1 tỷ đồng.
Mặc dù được TCT tuyên dương, chị Ngọc không quá vui mừng mà vô tư chia sẻ: “Cứ đặt mình vô hoàn cảnh của người mất tiền sẽ hiểu. Mình mất cái gì nho nhỏ cũng sẽ rất buồn, huống chi người ta mất số tiền lớn vậy”.
“Đại sứ thương hiệu” về tinh thần trách nhiệm
Sinh ra trong gia đình có 7 anh chị em ở huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, chị Ngọc từ nhỏ đã có mơ ước trở thành cô giáo. Tuy nhiên, năm 2002, khi giấy báo trúng tuyển đại học đến, gia đình chị đang gặp phải nhiều khó khăn. Chị quyết định cùng anh trai vào thành phố Hồ Chí Minh làm công nhân kiếm sống. Từ một công nhân bình thường ở đội kỹ thuật Công ty Biti’s, chỉ trong vòng 5 năm vừa làm, vừa học thêm, chị được đề bạt phụ trách quản trị nhân viên và hành chính văn thư của công ty. Thời điểm ấy vào năm 2006, đó cũng là lúc cậu con trai chào đời.
Nhà ở quận Gò Vấp, công ty thì ở quận 6, chị quyết định nghỉ việc và xin về làm việc tại VIAGS để tiện chăm sóc chồng con. Với chị, mọi việc dường như rất đơn giản: “Công việc gì có duyên với mình thì mình mới theo được nó. Lao động chân tay cũng quý như làm văn thư hành chính nếu mình cảm thấy vui. Chỉ mong cả nhà khỏe mạnh, vui vầy bên nhau là đủ”.
Chồng chị Ngọc, anh Bùi Hữu Chuyển quê ở tỉnh Hải Dương, cũng là công nhân một công ty vận chuyển hàng của sân bay. Nhờ gia đình hỗ trợ, anh chị mua lại được căn nhà nhỏ để làm mái ấm trú nắng mưa. Gần 5 năm trước, anh Chuyển đột ngột bệnh nặng, phải nghỉ việc dài ngày để điều trị. Mọi gánh nặng kinh tế đều dồn lên vai chị Ngọc càng khiến chị quyết tâm hoàn thành tốt công việc hơn. Nếu làm ca sáng, chị phải có mặt tại sân bay từ 4h30 sáng. Với ca chiều, giờ làm việc bắt đầu từ 17h, công việc của chị thường kết thúc khi đồng hồ điểm 2h sáng hôm sau.
Dù hoàn cảnh gia đình khó khăn, chị không bao giờ phàn nàn hay tỏ ra chán chường cuộc sống. Vậy nên cả đội vệ sinh của chị không ai hay biết bệnh tình của anh Chuyển. Chỉ đến khi anh khỏe lại, chị Ngọc mới báo tin: “Nay anh Chuyển khỏe rồi, đang làm shipper cho Emart Gò Vấp đấy nhé”.
Gia đình nhỏ của chị Ngọc. (Ảnh: NVCC).
Nhắc đến hành động đẹp của người vợ tần tảo, anh Chuyển chia sẻ đầy tự hào: “Tôi thương và đi đến hôn nhân cùng Ngọc cũng vì bản tính thật thà của cô ấy. Cái gì của mình, do mình làm ra thì cô ấy mới nhận. Không chỉ là 1 tỷ đâu, nhặt được bất cứ thứ gì cổ cũng trả lại người ta. Hơn 10 năm chung sống, tôi chưa thấy Ngọc so bì với bất kỳ ai về công việc hay quyền lợi của mình. Bởi vậy, đi làm ở đâu, Ngọc cũng được mọi người quý mến”.
Hành động “nhặt được của rơi, trả lại người mất” của chị Ngọc đã góp phần làm đẹp thêm hình ảnh những CBNV VIAGS nói riêng và ngành hàng không nói chung. Với đức tính trung thực, hành động chuyên nghiệp, mỗi thành viên VNA đang ngày càng phát huy mạnh mẽ tinh thần của những “đại sứ” thương hiệu. Những hành động đẹp ấy chính một gạch nối đặc biệt góp phần nâng cao uy tín, làm đẹp thêm hình ảnh của Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam trên hành trình nâng tầm chất lượng dịch vụ.