[8/3] Những khoảnh khắc chẳng thể nào quên

Bên cạnh trách nhiệm làm tròn thiên chức của người phụ nữ nói chung, phái đẹp VNA còn mang trên mình nhiều trọng trách cao cả bởi khi khoác lên mình màu áo mang thương hiệu của Hãng hàng không quốc gia là lúc các chị, các em trở thành đại diện, biểu tượng cho một Hãng Hàng không Quốc gia với bề dày lịch sử hơn 60 năm với trọng trách là người bắc cầu nối Việt Nam và thế giới.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Hãy cùng lắng nghe những kỷ niệm đáng nhớ của những “bông hồng” đang ngày ngày đóng góp vào những chuyến bay an toàn, trọn vẹn với tinh thần, khí phách của những đóa sen vàng.

Ấm áp sự quan tâm từ phái mạnh

Chị Nguyễn Phương Quyên – P. Kỹ thuật kế hoạch – Trung tâm Bảo dưỡng Nội trường HCM –  VAECO

Cơ quan tôi phụ nữ chỉ chiếm 10% . Cứ đến ngày 8/3 hàng năm, chị em phụ nữ chúng tôi lại đươc tôn vinh với những bất ngờ đầy yêu thương cho phái đẹp. Chị em chúng tôi rất vui và tự hào là người của Vaeco nói riêng và VNA nói chung.

Tôi còn nhớ năm đầu tiên tôi gia nhập vào tổ nữ công, sáng ngày 8/3 tôi vào cơ quan. khi bước vào phòng làm việc, Chị em chúng tôi được mời qua phòng họp của Trung tâm. Ban lãnh đạo và các anh em trong đơn vị đã có mặt đông đủ có chuẩn bị sẵn bánh kẹo, hoa quả và quà để chúc mừng chị em phụ nữ chúng tôi.

alt text
Chị Nguyễn Phương Quyên – P. Kỹ thuật kế hoạch – Trung tâm Bảo dưỡng Nội trường HCM –  VAECO (Ảnh: NVCC)

Tôi thực sự cảm động khi được Ban Giám đốc cùng toàn thể các anh em trong Ban chấp hành Công đoàn, ban chỉ huy Phòng, Đội quan tâm và tạo sự bất ngờ cho chị em phụ nữ chúng tôi. những món quà tuy đơn giản nhưng mang đầy ý nghĩa và ấm cúng. Chắc chắn rằng tôi sẽ nỗ lực hơn nữa trên hành trình đồng hành để cống hiến hết mình trong phạm vi cho phép.

Đến giờ, tôi vẫn nhớ như in kỷ niệm khi đang thực hiện nhiệm vụ kiểm kê gần thời điểm phải nộp báo cáo. Máy tính thì cũ quá nên khi đang làm thì bị trục trặc khiến mất dữ liệu. Tôi lúc ấy hoảng loạn ngồi khóc luôn. May mắn là một anh đồng nghiệp nhanh chóng qua hỗ trợ cài đặt lại máy, lấy lại dữ liệu. Và có lẽ không chỉ lần ấy mà rất nhiều lần sự giúp đỡ từ các anh em đã giúp công việc của tôi trôi chảy và hoàn thành đúng thời hạn mà Trung tâm và Công ty đưa ra.

alt text
Chị Trần Thị Minh Hiền – Chi nhánh miền Bắc (Ảnh: NVCC)

“Ngôi nhà” này luôn có vị trí quan trọng trong trái tim

Chị Trần Thị Minh Hiền – Chi nhánh miền Bắc (CNMB)

Nhớ lại khoảng thời gian năm 2005, VNA khi ấy mà cụ thể là Quầy Ngân sách Nhà nước (NSNN) được chỉ định phục vụ các đoàn công tác sử dụng NSNN. Các đoàn đi công tác rất nhiều, hành trình khó cả về tìm đường bay cũng như về tính giá, đồng thời lại cần triển khai gấp. Tôi nhớ đúng ngày 8/3, tất cả các chị em lăn lộn mệt nhoài cả ngày, xuất vé, đi đưa vé. Hồi đó sử dụng vé giấy nên phải đưa đến tận nơi. Bởi vậy đến tận hơn 7h tối, cả đội mới được nghỉ. Sau này, mỗi khi có dịp hàn huyên, câu chuyện 8/3 năm đó luôn  được kể đến sôi nổi, hào hứng trong các câu chuyện của chúng tôi.

Rồi năm 2009, VNA chuyển host từ Gabriel II sang Sabre. Những ngày đó như là chiến dịch thời chiến, quả là cơn ác mộng đối với anh chị em làm ticketing. Ngay trước và sau thời điểm chuyển đổi, hầu hết các chị em có kiến thức tương đối vững tỏa đi các thị trường hỗ trợ chi nhánh nước ngoài. Ở nhà chỉ còn một vài người dày dặn kinh nghiệm như chị Lê Hà, Lê Hiền, Bích Thoa phải ở lại trực chiến hỗ trợ cho toàn phòng và hệ thống đại lý.

 Hệ thống mới, dữ liệu đổ từ Gabriel II sang Sabre không đầy đủ hoặc đổ sai trường nên việc đổi vé vô cùng khó khăn và vất vả. Khi tôi đi công tác về, được mọi người “buôn chuyện” lại là có nhiều khách phải chờ đến 4 tiếng đồng hồ để được đổi vé. Thử tưởng tượng bây giờ, khi chúng ta đã là hãng hàng không 4*, thông tin lan truyền với tốc độ ánh sáng qua các trang mạng xã hội mà khách phải chờ lâu như thế này thì sẽ thế nào nhỉ? Rất may là hồi đó, khách hàng cũng thông cảm, thấu hiểu với các khó khăn của anh chị em nên vẫn kiên nhẫn ngồi chờ mà không hề to tiếng.

alt text
Tiếp viên trưởng (TVT) Pacific Airlines Tô Kim Liên (Ảnh: NVCC)

“Nghề bay như ngấm vào máu, như là hơi thở”

Tiếp viên trưởng (TVT) Pacific Airlines Tô Kim Liên

“Hai căn bệnh thường gặp ở tiếp viên hàng không là viêm xoang và đau dạ dày. Liên tục thay đổi thời tiết tại các điểm đến – đi, ăn uống không đúng bữa, nhai nuốt vội… là nguyên nhân dẫn đến hai căn bệnh kinh niên trên.

Bên cạnh đó là áp lực, nhiều khi máy bay delay, khách lên to tiếng, trút giận vào mình. Dù không làm ra lỗi đó, tiếp viên vẫn phải nhẫn nhịn, mỉm cười, nói chuyện nhẹ nhàng, nhận hết trách nhiệm để xoa dịu khách.

Với kinh nghiệm qua những tình huống trước đây, tôi hiểu “chìa khóa” chính là sự thích ứng, lúc cứng lúc mềm, lựa theo tình huống, tính cách của đồng nghiệp và khách hàng để có cách ứng xử phù hợp.

Khi tiếp viên mắc lỗi, tôi sẽ nhắc nhở, góp ý ngay lập tức, cho thời gian để các bạn sửa lỗi. Đồng thời, tôi cũng thường đặt mình vào vị trí của tiếp viên, không ngại các việc lau buồng vệ sinh, dọn rác, phục vụ bữa ăn, nước uống cho khách… Nhờ vậy, ở đội bay, tôi được đồng nghiệp trẻ yêu mến, gọi thân mật là “mẹ Liên”, thường tìm đến tâm sự, nhờ “gỡ rối tơ lòng” và xin lời khuyên khi gặp rắc rối.

Nghề tiếp viên vốn đã nhiều vất vả, áp lực thì những người có con nhỏ lại khó khăn nhân gấp bội. Dù vậy, khi trong thời gian mới sinh, chồng khuyên xuống mặt đất làm nhưng tôi không muốn. Đến thời điểm đó, đi bay đã bắt đầu là hơi thở, ăn vào máu rồi. Cho đến bây giờ, mỗi khi nghỉ quá lâu, tôi nhớ nghề vô cùng. Hồi sinh con thứ 2, nghỉ gần 2 năm trời, đêm nằm ngủ, tôi còn mơ thấy đi bay rồi gặp khách có vấn đề, tỉnh dậy vã hết mồ hôi.

Vu Hoang Quy – COMM

Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.