Trưởng thành từ 4 năm quân ngũ
Vào VNA sau 4 năm nhập quân ngũ, niềm say mê công việc và tình yêu nghề đã giúp tiếp viên Vũ Thị Minh Huệ bền bỉ phục vụ hành khách không ngừng nghỉ suốt 26 năm qua.
Năm 1988, khi vừa tròn 18 tuổi, cô gái quê Hải Dương trúng tuyển nghĩa vụ quân sự, và được gia nhập Đoàn 871 – Bộ Quốc phòng (nay là Đoàn 871 thuộc Tổng cục Chính trị). Sau 3 tháng huấn luyện tại đây, chị được chuyển về Ban Chính trị nhận nhiệm vụ thuyết minh cho các bộ phim được chiếu tại đơn vị lẻ, trường quân đội, nơi có học viên các nước bạn Lào, Cuba, Campuchia… Chị cũng được học chèo, hát quan họ.
Đến năm 1989, chị Huệ được chuyển về công tác tại Ban Tham mưu trong khoảng thời gian một năm. Trong các năm 1990 – 1992, chị làm công vụ cho 3 thủ trưởng phục vụ đón các đoàn ngoại giao quân đội các nước bạn sang học tập và nghiên cứu. Từ tháng 3/1993, chị thi tuyển vào làm tiếp viên hàng không của VNA và gắn bó cho đến nay.
“Việc chuyển sang ngành hàng không của tôi bắt nguồn từ việc quen ông xã” chị vui vẻ kể. Khi tôi về quê dự đám cưới người bạn, chị gặp anh, lúc ấy đang làm bên quản lý bay, rồi quen nhau, yêu nhau. “Có lần anh dẫn tôi đi gặp các đồng nghiệp của anh, các anh chị ấy thấy dáng tôi cao ráo, da trắng mới hỏi “Em có học tiếng Anh không”, tôi trả lời có, các chị khuyên nên đi thi làm tiếp viên đi. Cơ duyên nó đến như thế đấy!”.
Chị nhận xét, chị thấy mình may mắn nhờ nỗ lực và quyết tâm. “Thời ở bộ đội, chỉ mình tôi tự học tiếng Anh. Mỗi ngày, cứ 21h mọi người phải đi ngủ thì tôi lại trốn ra ngoài đi học ở trung tâm”, chị nhớ lại.
Nhờ đó mà lúc thi tuyển tiếp viên, chị thi một lần được ngay. Chị tâm niệm nghề này đã chọn mình, do đó chị cũng thuộc về nó. “Vì vậy mà suốt 26 năm nay, tôi đi bay không nghỉ ốm một ngày nào. Cứ trên Đoàn thiếu người gọi tôi cũng sẵn sàng đi ngay”, chị khẳng định.
Từng trong quân ngũ suốt 4 năm, nên chị Huệ cho biết trên máy bay chị thường giữ tác phong quân đội, nên cũng khiến nhiều em tiếp viên trẻ “sợ”. Ví dụ chị muốn tất cả chỉn chu, gọn gàng, ngăn nắp, sạch sẽ, còn đã nói là làm đến nơi đến chốn. “Cho nên khi bay cùng, các em đồng nghiệp em nào chăm thì không sao, em nào tính hay ngại việc mới nói rằng “sợ” tôi. Do đó tôi cũng hay động viên các em cùng cố gắng để khách hàng hài lòng nhất.
Đam mê với nghề bay
Chị nhớ lại chuyến bay năm 1994, chị được phục vụ chuyến bay chở Đại tướng Võ Nguyên Giáp lên thăm lại chiến trường Điện Biên bằng máy bay ATR-72. “Lúc đó máy may lăn trên đường băng lát bằng ghi sắt cứ nhảy chồm chồm, bác Giáp nói đùa “máy bay của các cháu chạy như công nông ấy nhỉ”.
Sau đó, chị lần lượt được phục vụ trên máy bay TU-134, Fokker-70, A320, A321 rồi cứ chuyển dần lên các loại máy bay hiện đại nhất, tiện nghi nhất suốt hai mấy năm qua.
“Tôi vẫn nói với các đồng nghiệp trẻ rằng, cái nghề có sang trọng hay không chính là do bản thân các em”, chị tâm sự. Theo chị, với người tiếp viên hàng không, ngay từ khi kéo vali đi qua nhà ga, cách các tiếp viên đi theo đội hình, đội ngũ, tác phong như thế nào đều được hành khách đánh giá ngay.
“
Tôi vẫn nói với các đồng nghiệp trẻ rằng, cái nghề có sang trọng hay không chính là do bản thân các em”.
“Nếu chúng ta xuất hiện thật đẹp, họ sẽ thốt lên: “Ôi, đội ngũ kia đẹp quá!”. Do đó, tôi luôn nhắc các em cứ xuất hiện ở bất cứ đâu đều phải nở nụ cười, ở nhà ga luôn đi theo đội hình đội ngũ”. Bởi vì theo chị, dù người tiếp viên có vừa đi đến 4 chặng, sang tận Tehran rồi quay về thì hành khách họ cũng không có biết, họ chỉ cảm nhận qua điệu bộ, cử chỉ mà tiếp viên thể hiện mà thôi.
Vì ham đi bay nhiều nên chị Huệ có chút tiếc nuối khi đường học hành hơi dở dang. Đã 2 lần chị theo học lớp đại học tại chức mở tại Viện Tin học hàng không, nhưng đều cứ đến gần ngày thi lại bỏ vì bay nhiều quá.
Chị tâm sự, chị luôn nghĩ đến một ngày nào đó, nếu không được đi bay, chị sẽ nhớ hành khách vô cùng. Với bản thân chị, trong mỗi chuyến bay, nếu các tiếp viên trẻ phục vụ suất ăn xong thường đi vào, thì chị vẫn thường đi mấy vòng trong khoang, giúp hành khách ngả lưng ghế, bật đèn đọc sách, vặn núm điều chỉnh thông gió… “Những cái đó quá quen thuộc với tôi rồi, vì chỉ cần nhìn cử chỉ của khách, tôi đã biết khách đang cần gì”, chị nói.
Chị Huệ tâm sự: “Tôi vẫn nói với các đồng nghiệp trẻ rằng, cái nghề có sang trọng hay không chính là do bản thân các em”. (Ảnh: Vũ Tuấn, NVCC).
“4 sao đến từ cái tâm với khách hàng”
Theo chị Huệ, niềm vui lớn nhất của chị là sau mỗi chuyến bay, đứng ở cửa chào khách, thấy khách nào cũng cười. “Đó là lúc tôi cảm thấy hạnh phúc nhất vì đã hoàn thành chuyến bay tốt đẹp, an toàn”.
Nói về việc VNA nhận chứng chỉ hãng hàng không 4 sao lần thứ 4 liên tiếp, chị cho rằng để giữ vững chất lượng đó thì tất cả mọi người đều phải cố gắng, không phải riêng bản thân ai. “Nhưng tôi nghĩ phần cứng phải tốt thì phần mềm mới theo được”, chị Huệ phân tích. “Ví dụ nếu trên máy bay hệ thống điều hòa có vấn đề, hành khách kêu nóng, thường thì ai cũng chỉ trấn an hành khách là chờ thêm một lúc sẽ mát. Nhưng chỉ cần tiếp viên ra lấy bảng hướng dẫn an toàn quạt cho khách một chút thôi thì khách nào cũng cười. Nhiều hành khách nói “Ai cũng như cô này thì chẳng ai kêu nóng cả”.
Chia sẻ với các đồng nghiệp, chị Huệ cho rằng sự hài lòng của hành khách đến từ sự quan tâm bằng chính cái tâm của mình.
Nhắc lại kỷ niệm đáng nhớ, chị kể về một chuyến bay có hai vợ chồng Việt kiều từ Đức bay về nước. Người vợ bị viêm đường tiết niệu, đêm nằm bị đau cứ ôm bụng loay hoay. Bằng cảm nhận của mình, chị ân cần ra hỏi thăm, rồi hướng dẫn chị uống nhiều nước, đi vệ sinh và lấy túi chườm ấm lên bụng, nhờ đó khách hàng đã ngủ ngon. “Sáng ra, hai vợ chồng chị ấy cảm ơn tôi mãi”.
Hoặc trong một chuyến bay từ Hàn Quốc về, có em bé không đi cùng bố mẹ cứ khóc mãi, với kinh nghiệm của một người mẹ, chị ra bế hộ thì em bé thôi khóc.
“
Tôi luôn mong rằng các em tiếp viên trẻ sẽ nhìn hành động của mình để hiểu rằng, để nhận được sự hài lòng của khách hàng, phải bằng những hành động tận tâm, chu đáo”.
Hiện nay con trai chị tiếp nối nghề hàng không của bố mẹ khi trở thành một học viên phi công, nên người tiếp viên 26 năm gắn bó với nghề bay có thể tạm yên tâm gạt những lo toan chuyện gia đình để tiếp tục miệt mài với những chuyến bay mà chị say mê như cuộc sống của mình.