Chào Cơ phó Hồng Ngọc! Nhân dịp Ngày Gia đình Việt Nam, anh có thể chia sẻ một chút về gia đình mình với các đồng nghiệp VNA?
Chào bạn, mình rất vui khi có cơ hội được chia sẻ về gia đình và đồng nghiệp VNA nhân dịp Ngày Gia Đình Việt Nam (28/6).
Mình tên là Đoàn Hồng Ngọc hiện là lái phụ Đội bay A350. Mình gia nhập VNA năm 2013 với vị trí lái phụ Đội bay ATR72, đến nay mình đã có gần 7 năm là thành viên của đại gia đình VNA, với tổng thời gian tích luỹ gần 5,000 giờ. Năm 2015, mình chuyển loại lên Đội bay A330. Sau đó, từ năm 2017 đến nay là lái phụ Đội bay A350.
Mình đã lập gia đình, bà xã hiện tại là Tiếp viên Hàng Không Việt Nam. Quen nhau từ thời Đại học năm 2008, đến nay gia đình mình đã có 3 thiên thần đáng yêu.
Là phi công đường dài, mỗi chuyến bay thường kéo dài 3-4 ngày, nên thời gian dành cho gia đình tương đối ít. Những lúc có thời gian rảnh rỗi hoặc không đi bay, mình dành phần lớn thời gian ở bên vợ và các con, dạy các con học, ca hát. Ngoài ra, mình rất thích tham gia các hoạt động thể thao để nâng cao sức khoẻ, đáp ứng được các nhiệm vụ bay được giao.
Việc gia đình gắn bó với ngành hàng không, đặc biệt là VNA có ý nghĩa như thế nào với anh?
Tham gia vào ngành HKVN, đặc biệt là Đoàn bay 919 là một niềm vinh dự, tự hào đối với vợ chồng mình. Hơn 60 năm làm chủ và chinh phục bầu trời, Đoàn bay 919 đã và đang phát huy phẩm chất cách mạng, chủ động và sáng tạo trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Do đó, được là thành viên trong đại gia đình VNA, được đóng góp công sức nhỏ bé, xây dựng hình ảnh một Hãng Hàng Không 4 sao và phát huy truyền thống vẻ vang của TCT là một nhiệm vụ, trách nhiệm và vinh dự đối với vợ chồng mình.
Với đặc thù công việc là phải di chuyển thường xuyên, đặc biệt đối với các loại máy bay thân rộng, đa số sẽ thực hiện những chuyến bay dài ngày, các phi công thường phải xa gia đình 3-4 ngày. Công việc phải thức đêm, dậy sớm, đặc biệt trong giai đoạn đại dịch Covid-19 đang có những diễn biến phức tạp, tuy nhiên, với niềm đam mê là bầu trời cộng với được tiếp xúc, giao tiếp với các chú, anh, chị trên mỗi chuyến bay, được đến nhiều nơi trên thế giới với những con người, văn hoá, truyền thông khác nhau, điều này giúp mình cảm thấy không bị buồn chán.
Đối với mình mỗi ngày đi làm, là mỗi ngày mình được làm công việc quen thuộc của mình trong những hoàn cảnh khác nhau, với những đồng nghiệp khác nhau, được học hỏi, được truyền đạt những kinh nghiệm bay, kinh nghiệm trong cuộc sống.
Cơ duyên nào để một phi công và một tiếp viên “nên duyên” để về cùng một nhà? Phải chăng là một chuyến bay định mệnh?
Từ nhỏ mình đã được cha truyền cho niềm đam mê lái máy bay. Đó cũng là lý do mình chọn và theo học tại Học Viện Hàng Không Việt Nam với chuyên ngành Quản Trị Kinh Doanh.
Năm thứ 2 đại học, khi đang theo học lớp tiếng Anh, mình đã gặp và quen biết vợ mình trong một lần cả hai lấy xe về. Lúc đó, vì thấy biển số cùng quê với mình, nên mình nhân cơ hội đó làm quen và xin số điện thoại. Đó là cái duyên mà mình và bà xã quen nhau.
Năm 2010, mình đã rủ vợ tham gia kỳ tuyển Tiếp Viên Hàng Không Việt Nam, và kết quả là vợ mình đậu còn mình thì chưa được may mắn. Sau đó, đến năm 2011, mình tham gia tuyển sinh phi công và đã trúng tuyển.
Sau khi huấn luyện quân sự tại Việt Nam, cuối năm 2011, mình tiếp tục thi tuyển và trúng tuyển lớp phi công cơ bản tại Mỹ. Mình rất hạnh phúc khi biết đây là khoá được tài trợ cuối cùng của VNA.
Cả hai vợ chồng mình đều cảm thấy vinh dự, tự hào và luôn cố gắng phấn đấu để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao trên mỗi chuyến bay.
Cả hai vợ chồng mình đều cảm thấy vinh dự, tự hào khi gắn bó cùng VNA. (Ảnh: NVCC).
Công việc bận rộn và thường xuyên “lệch pha” về giờ giấc. Vậy anh và bà xã sắp xếp thế nào để vừa chăm lo cho gia đình vừa đảm bảo công việc?
Trước lúc cưới nhau, hai vợ chồng mình thường xuyên đi bay, có khi mình được nghỉ nhưng vợ lại đi bay và ngược lại. Thời gian dành cho nhau thật sự không nhiều. Khi mang bầu và sau khi có con, vợ mình nghỉ thai sản ở nhà, thời gian hai vợ chồng gặp nhau được nhiều hơn. Tuy nhiên đối với những chuyến bay dài ngày, việc chăm sóc gia đình và các con đều do vợ mình làm. Mình nghĩ đây là khó khăn chung của các cặp đôi chồng là phi công, vợ là tiếp viên hoặc ngược lại.
Để vượt qua những khó khăn này, cả hai vợ chồng mình đều dành trọn thời gian cho gia đình khi không đi bay. Đi du lịch, xem phim, ăn tối cùng nhau, về quê thăm bố mẹ hai bên…cũng là cách tụi mình chọn để giữ lửa hạnh phúc.
Đối với bản thân, mình tự ý thức được rằng việc chăm sóc các con khi không có bố ở nhà là điều rất khó khăn với người mẹ ba con. Do đó, mỗi khi thực hiện chuyến bay dài ngày, mình thường dành thời gian để gọi điện về nói chuyện với vợ và các con, tặng vợ những món quà yêu thích, phụ vợ chăm sóc và chơi với các con khi ở nhà, tâm sự với vợ về những khó khăn hay áp lực trong việc chăm sóc con, từ đó tìm ra hướng giải quyết và mang lại những điều tốt nhất cho các con.
Đối với anh/chị điều gì trong gia đình là quan trọng nhất?
Điều quan trọng nhất, quý giá nhất mà hai vợ chồng mình đều trân quý đó là các con. Cả hai vợ chồng đều mong muốn tất cả những điều tốt nhất đến với các con.
Trước khi vợ sinh, cả hai vợ chồng đều tìm hiểu, nghiên cứu, trao đổi hoặc tham gia các lớp học về thai sản, kể cả học hỏi kinh nghiệm nuôi dạy con của những gia đình khác, để sau đó tìm ra được phương pháp nuôi dạy con thích hợp.
Sau khi các con chào đời, cả hai vợ chồng mình đều ý thức việc chăm sóc, nuôi dạy con theo đúng phương pháp cả hai vợ chồng đã chọn. Song, việc nuôi dạy các con không phải lúc nào cũng như ý muốn. Đó là những lúc con không chịu bú sữa mẹ, con quấy, con bị ốm, không hợp tác với bố mẹ, không tăng cân, đặc biệt là khi mình đi bay, việc chăm sóc con hoàn toàn do vợ mình. Có lúc, vợ mình lâm vào trạng thái khủng hoảng sau sinh trầm trọng, bế tắc trong việc nuôi dạy con. Để vượt qua giai đoạn này, sau mỗi chuyến bay, mình dành hết thời gian cho vợ và các con, hai vợ chồng điều chỉnh lại phương pháp sao cho thích hợp với mỗi con, lắng nghe là cách mà mình nghĩ tốt nhất để vợ có thể vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Dịch Covid-19 ảnh hưởng rất lớn đến VNA cũng như nhiều hãng và ngành nghề khác, đặc biệt là khi hai vợ chồng lại cùng cơ quan. Vậy gia đình anh chị đã chia sẻ với nhau những gì?
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các đường bay tạm hoãn khai thác, hạn chế tần suất dẫn đến việc sản xuất kinh doanh của TCT gặp nhiều khó khăn. Điều này chắc chắn ảnh hưởng nhiều đến thu nhập của gia đình mình cũng như các đồng nghiệp khác. Dù vậy, mình nghĩ đây cũng là lúc để cùng chung tay với TCT vượt qua khó khăn.
Đối với gia đình mình, khoảng thời gian đã qua cũng có nhiều thay đổi. Mình có nhiều thời gian hơn dành cho gia đình và con cái. Khoảng thời gian này, cả nhà nấu các món ăn mà từng thành viên trong gia đình yêu thích, vợ mình học thêm cách làm các loại bánh khác nhau, mình dạy các con học vẽ, học viết và tất nhiên là thể dục thể thao tại nhà để nâng cao sức khoẻ nữa.
Tất cả những điều ấy đã giúp gia đình trải qua những ngày giãn xã hội đầy ý nghĩa khi vợ chồng mình có được khoảng thời gian bên nhau lâu nhất từ lúc cưới tới bây giờ.
Với phi công Hồng Ngọc, “Gia đình là nơi cuộc sống bắt đầu và tình yêu không bao giờ kết thúc”. (Ảnh: NVCC).
Còn kỷ niệm đặc biệt nhất của gia đình mà anh muốn chia sẻ cùng mọi người?
Cuộc sống đã mang lại cho mình rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ về gia đình, đặc biệt là những kỷ niệm về các con điều mà mình và vợ luôn trân trọng, cố gắng để tiếp tục duy trì, xây dựng gia đình ngày càng hạnh phúc hơn.
Có một kỷ niệm cách đây đã được 7 năm mà mình luôn luôn nhớ, đó là trên chuyến bay trở về Việt Nam sau khi hoàn thành huấn luyện phi công cơ bản tại Mỹ. Trước khi bay về, mình có liên lạc và thông báo hôm nay sẽ về, cả hai đều rất háo hức và mong đợi đến lúc gặp lại nhau. Tại Đài Loan, khi chờ chuyến bay nối chuyến về Việt Nam, vợ mình xuất hiện và nói “hôm nay em sẽ đưa anh về”. Đó là một cảm xúc tuyệt vời luôn tồn tại trong tim mình đến tận bây giờ và cả sau này.
Vậy với một gia đình “bay cùng VNA” thì anh tâm đắc nhất là gì?
Có một câu nói mà vợ chồng mình đều rất tâm đắc “Gia đình là nơi cuộc sống bắt đầu và tình yêu không bao giờ kết thúc”. Mình thầm cảm ơn vợ đã luôn là hậu phương vững chắc trong mọi công việc cũng như trong cuộc sống của mình, tình yêu to lớn đối với gia đình của cô ấy sẽ thúc đẩy mình hoàn thành tốt công tác của một người phi công cũng như vai trò của một người bố.
Xin cảm ơn những chia sẻ rất thú vị của Cơ phó Đoàn Hồng Ngọc và chúc gia đình nhỏ của anh luôn tràn ngập niềm vui và hạnh phúc!