[28/6] “Mẹ! Con luôn tự hào được là con của mẹ”

Nếu ai còn nhớ vụ tai nạn giao thông thảm khốc năm 2000, hẳn sẽ không bao giờ quên “người trở về trở về từ chõi chết” – chị Hoàng Thị Thu Hằng (Hằng “12”). Nhiều báo đài đã đưa tin về chị, còn UMS Media hôm nay, xin phép được nhắc tới chị trong lời kể cô con gái đầu lòng của mẹ Hằng – em Nguyễn Hoàng An – học sinh lớp 6A3, Liên đội trưởng Trường THCS Ngoại ngữ.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Mẹ luôn luôn là nguồn cảm hứng, động lực và trên hết là tình yêu, niềm tự hào đối với Hoàng An. Đăng bài viết này đúng Ngày Gia đình Việt Nam 28/6, UMS Media xin gửi lời chúc yêu thương, hạnh phúc tới gia đình chị Hằng nói riêng, và gia đình của UMSer nói chung.

Dưới đây là toàn văn câu chuyện của Nguyễn Hoàng An:

#My Family

Tôi cảm thấy mình vô cùng may mắn vì mình được sinh ra trong một gia đình có cả bố lẫn mẹ cùng với một cậu em trai láu lỉnh. Tuy thường ngày hay có xích mích, tranh luận nhưng bù lại, gia đình tôi luôn sống trong hòa thuận và hạnh phúc suốt 12 năm qua. Điều khiến tôi tự hào nhất về gia đình nhỏ bé của mình đó chính là mẹ của tôi – một người phụ nữ đã trải qua biết bao sóng gió, khó khăn trong cuộc đời nhưng mẹ không ngừng nỗ lực, phấn đấu vượt lên chính giới hạn của bản thân.

alt text

Mẹ là nguồn cảm hứng suốt đời của con. (Ảnh: UMS Media)

#Mom

Mẹ tôi đã từng là một nữ tiếp viên hàng không xinh đẹp, đi tới đâu ai cũng nhìn ngắm mẹ với ánh mắt trầm trồ, ngưỡng mộ. Đồng nghiệp trong công ty ai cũng yêu quý và gọi mẹ bằng cái tên thân mật “Hằng 12” (tên, kèm theo số thứ tự là cách gọi đặc trưng của các tiếp viên hàng không).

Cho tới một kia, biến cố xảy ra khiến mẹ mất đi tất cả…

Tối hôm ấy cũng giống như biết bao buổi tối khác, máy bay hạ cánh, mẹ lên xe của công ty để trở về nhà sau chặng bay mệt mỏi. Mẹ thiếp đi nhưng mẹ đâu biết rằng giấc ngủ ấy đã kéo dài tới gần một năm. Tai nạn xảy ra, có mười người tất cả, ba người không may đã tử vong ngay tại chỗ, số còn lại đều bị thương nhưng chỉ có duy mẹ tôi là bị thương nặng nhất: mặt nát nhừ, sụp xương lồng ngực, gãy chân trái,…

alt text

Mẹ khi còn là tiếp viên – ngồi ngoài cùng bên phải. (Ảnh: UMS Media)

Tình cảnh lúc đó vô cùng hỗn loạn, khuôn mặt của mẹ đã bị biến dạng không ai có thể nhận ra, cuối cùng nhờ một chiếc nhẫn bạc được ông ngoại tặng mẹ đeo trên tay mà ông mới biết đó là mẹ. Bên ngoài hành lang bệnh viện luôn có những người bạn cùng đoàn tiếp viên đưa cánh tay ra xin được hiến máu cứu mẹ. Nhưng chẳng còn ai có niềm tin hay còn hy vọng mẹ sẽ qua khỏi, mọi người đều nghĩ tới trường hợp xấu nhất. Bác sĩ khâu lại mặt cho mẹ, tổng cộng có 154 mũi. Cánh tay trái bị gãy vụn, người ta định cắt bỏ nó đi nhưng ông ngoại bảo họ giữ lại cho mẹ “Đằng nào con tôi cũng chết thì tôi xin bác sĩ cứ để lại cánh tay cho cháu, để tới lúc cháu chết được toàn thây”. Không có cánh tay trái ấy chẳng biết giờ đây mẹ sẽ ra sao vì khi tỉnh lại thì mẹ mới phát hiện nửa thân người bên phải bị liệt.

Tiền cũng mất nhiều mà mẹ tôi vẫn nửa tỉnh nửa mê, bác sĩ bảo họ không chữa được nữa nên ông ngoại phải đưa mẹ về nhà. Cả căn nhà bốn tầng bỗng chốc biến thành một cái bệnh viện, lúc mê thì không nói, chứ cứ tỉnh là mẹ lại chửi bới, la hét. Các y bác sĩ cả trong và ngoài nước đều tận tình cố gắng chữa trị, mà mẹ vẫn không khỏi.

Cho tới một ngày, có một người bạn mách cho ông tôi vị bác sĩ giỏi. Lúc này ông cũng không tin rằng có thể chữa khỏi, nhưng “còn nước còn tát”, ông hy sinh hết tất cả vì mẹ tôi. Gặp được vị bác sĩ ấy, ông tên là Nguyễn Viết Thiêm, khi nhìn thấy mẹ ông Thiêm đã nói với ông ngoại rằng: “Bệnh này tôi chữa được!”. Ông khám bệnh, kê đơn thuốc và không lấy bất kì đồng nào. Sau này mẹ tôi mới được nghe kể lại từ ông Thiêm, ông bảo lúc đó thực sự ông không biết là có thể chữa khỏi được không nhưng thấy ông ngoại nước mắt giàn giụa nên ông Thiêm muốn an ủi và giúp ông ngoại yên tâm phần nào.        

Thuốc được ông Thiêm kê đơn, mẹ tôi uống đến đâu là khỏi đến đó. Mẹ lại có thể nói Tiếng Anh và Tiếng Trung như trước. Sau nhiều đêm thức trắng, mẹ tôi đã ra quyết định tập đi. Những buổi đầu phải cần có tới bốn người kéo mẹ dậy, kéo lê từng bước chân. Suốt một năm trời cứ như vậy, đã có lúc mẹ chán nản, tuyệt vọng nghĩ đến cái chết nhưng rồi mẹ nghĩ tới ông bà ngoại, anh chị em, họ hàng đều mong mẹ có thể sống thêm từng giờ, từng phút nên mẹ quyết định vứt bỏ hoàn toàn suy nghĩ ấy ra khỏi đầu.

Hằng ngày cứ 3 giờ sáng mẹ dậy, cùng với bà ngoại luyện tập trên đường, khi này trời còn tối nên ít người qua lại, liền một mạch mẹ tập tới 6 giờ mới quay về nhà. Đều đặn mẹ không bỏ buổi tập nào. Dần dần mẹ không cần phải nhờ tới bà ngoại nữa, mẹ tự tập đi bằng gậy và ô, chiếc ô này đã từng là món quà mà mẹ dành tặng cho ông bà sau khi trở về từ Đài Loan, rồi giờ đây trở thành một người bạn đồng hành cùng mẹ trên những con đường nhựa.

Mẹ luôn tự nhủ với bản thân không được lùi bước, phải cố gắng, từng bước từng bước một tiến lên. Rồi cuối cùng mẹ đã có thể đứng vững trên đôi chân của mình mà không cần gậy chống.

#Present is a Present

alt text
“Mẹ! Con luôn tự hào được là con của mẹ” (Ảnh: UMS Media)

Vụ tai nạn xảy ra cách đây 20 năm rồi, hiện tại mẹ tôi vẫn đang làm việc tại đoàn tiếp viên, đó là một công việc văn phòng. Mọi công việc nhà mẹ đều có thể làm được hết với một cánh tay trái: nấu ăn, rửa bát, quét nhà, giặt quần áo,… Mẹ kể tôi nghe về nhiều bài học cuộc sống, mẹ dặn tôi phải luôn cố gắng trong mọi việc, không được chùn bước trước khó khăn, mỗi khi tôi thiếu nghị lực phải nhìn về mẹ. Bây giờ đây bước chân vào một ngôi trường mới, tôi không ngần ngại chia sẻ câu chuyện của mẹ, mẹ chính là nguồn động lực để tôi cố gắng. Mẹ và gia đình là tất cả đối với tôi, không có mẹ cũng sẽ không có tôi ngày hôm nay.

“Mẹ! Con luôn tự hào được là con của mẹ!”

Hoàng An – con của mẹ”

Theo UMS Media

Spirit Vietnam Airlines
Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.